Lòng bao dung của gia đình nữ sinh bị cưa chân

“Mọi chuyện qua rồi! Ai rồi cũng có sai lầm. Chúng tôi không muốn cay nghiệt, bám víu vào sai sót của người khác mà sống. Hiện tại, điều tôi vui nhất là thấy con gái đã ổn định, đang quay lại nhịp sống bình thường”.

Nhịp sống đã trở lại

Chiều muộn 20/6, Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) ngồi bên cạnh gia đình nở nụ cười tươi. Em chia sẻ: “Ba tháng vừa qua có quá nhiều biến cố xảy ra với mình. Đặc biệt là em bị cưa mất một chân. Đó cũng là lúc em nhận ra, gia đình, người thân, bạn bè rất quan tâm đến mình. Đặc biệt, hàng ngày, em cũng nhận được rất nhiều lời chia sẻ, động viên của những người không hề quen biết”.

Vi cho hay, đến nay, nhịp sống đã trở lại bình thường. Do nằm viện trong khoảng thời gian khá lâu, kiến thức của em bị chậm hơn so với bạn bè. Được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, em đã hoàn thành chương trình lớp 10. Hiện, em đang ở kì nghỉ hè.

Phần mỏm cụt ở chân phải Vi thỉnh thoảng lại đau. Mỗi khi lên cơn đau, em chỉ biết câm nín chịu đựng. Em không muốn cơn đau của mình khiến cha mẹ phải lo lắng. Mặc dù vậy, theo em thì cơn đau cũng không nghiêm trọng lắm.

long bao dung cua gia dinh nu sinh bi cua chan - 1
Vi bên cạnh mẹ

Em đã được lắp chân giả. Nhưng chân giả này khiến em bị đau, khó chịu. Do đó, thỉnh thoảng em mới mang. Để dễ chịu hơn, em thường sử dụng nạng để đi lại.

Vi chia sẻ, trước đây, khi mới xảy ra sự việc thì rất buồn vì bỗng dưng mất một chân. Khi nhìn thấy mẹ khóc, cha buồn bã thì trong lòng lại xót xa vô cùng. Em hiểu, nỗi đau thể xác của mình không thấm vào đâu đối với nỗi đau về tinh thần của cha mẹ.

Nếu, mình buồn, khóc lóc thì cha mẹ lại càng rầu rĩ hơn. Do đó, em tự dặn lòng không được buồn, không được khóc. Với tâm nguyện ấy, đến nay, em tiếp nhận nỗi buồn của cuộc sống một cách nhẹ nhàng.

“Mất một chân, bảo không buồn thì không chính xác. Nhưng, mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi. Bây giờ, mình phải đối mặt với sự thật để sống tiếp. Nếu cứ buồn bã hoài thì cũng không giải quyết được gì”, Vi chia sẻ.

Không muốn bác sĩ bị xử lý nặng quá

Ông Lê Văn Long (cha Vi) nhìn con gái một cách âu yếm: “Mọi chuyện qua rồi! Ai rồi cũng có sai lầm. Chúng tôi không muốn cay nghiệt, bám víu vào sai sót của người khác mà sống. Hiện tại, điều tôi vui nhất là thấy con gái đã ổn định, đang quay lại nhịp sống bình thường”.

Ông Long cho biết, sau sự việc này lại càng thương Vi hơn. Từ khi còn nhỏ, Vi đã như con trai, khá cứng rắn. Mặc dù vậy, khi xảy ra sự việc, ông lo sợ con gái sẽ không chịu đựng nổi nỗi đau thiếu mất một chân. Nhưng, ngược lại sự lo lắng của ông, Vi đã chứng tỏ là một người sẵn sàng bỏ qua khó khăn, vượt lên nỗi đau để sống tiếp.

long bao dung cua gia dinh nu sinh bi cua chan - 2
Cuộc sống của Vi đã ổn định trở lại

Ông chưa nhận được kết luận thanh tra của Sở Y tế Đắk Lắk. Hôm dự thảo kết luận, ông cũng được mời đến nghe nhưng ông không hiểu hết nội dung kết luận. Mặc dù vậy, thông qua báo chí phản ánh, ông cũng hiểu được đôi phần.

“Là nông dân, tôi chỉ biết ngồi chờ cơ quan chức năng chứ không biết phải làm gì hơn. Hôm dự thảo kết luận, giám đốc bệnh viện Cư Kuin hứa chịu trách nhiệm, hỗ trợ cho Vi và tôi rất tin tưởng. Tôi chỉ hy vọng, các ông ấy sẽ giữ lời hứa”, ông Long nói.

Ông rất thương Vi vì chiếc chân giả hiện giờ gây ngứa và đau. Những người có chuyên môn cho biết, để không xảy ra tình trạng ấy thì phải thay một chiếc chân giả khác. Nhưng, chân giả loại tốt có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu lại quá sức với gia đình. Phía Sở Y tế Đắk Lắk cũng thông báo cho gia đình được biết đã vận động được 200 triệu đồng và sẽ mở sổ tiết kiệm cho Vi trong khoảng thời gian tới.

Khi được hỏi về mong muốn xử lý những người để xảy ra sai phạm khiến con gái mất một chân, ông Long trăn trở: “Thù hằn, bực mình thì cũng không được gì. Gia đình chúng tôi không muốn vì mọi chuyện đã xảy ra mà khiến một ai khác bị đuổi việc hay bị xử lý nghiêm hơn bởi họ cũng không mong muốn điều ấy. Họ vẫn còn gia đình, con cái. Nếu họ bị đuổi việc thì gia đình, con cái họ phải sống như thế nào? Gia đình tôi cũng đã rút đơn tố cáo gửi cho công an huyện Cư Kuin về việc yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kíp trực”.

Mới đây, Sở Y tế Đắk Lắk đã có kết luận liên quan đến vụ việc Vi bị cưa chân. Theo đó, 12h15 ngày 6/3, Vi được chuyển vào khoa Ngoại (bệnh viện Cư Kuin) với tình trạng vỡ mâm chày xương cẳng chân. Sau đó, bác sĩ Y Tâm chỉ định bó bột.

Hôm sau, bác sĩ Y Tâm nhờ bác sĩ Trịnh Đức Lam (Phó giám đốc bệnh viện Cư Kuin) khám lại và Vi được xếp mổ chương trình mổ kết hợp xương. Chỉ sau một ngày, chân của bệnh nhân sưng to, phổng nước. Bác sĩ thấy vậy liền yêu cầu rạch bột, chuyển vào phòng mổ. Tuy nhiên, do chân của bệnh nhân bị nổi nhiều mụn nước, sưng mề nên phải hoãn mổ và được chuyển về khoa Ngoại tiếp tục điều trị nội khoa bằng kháng sinh, giảm đau, kháng histamine… Đồng thời, Vi được chỉ định theo dõi chèn ép khoang.

Sáng 11/3, bác sĩ thấy chỗ bó bột bị nổi nốt phỏng nước, bệnh nhân đau tức… nên quyết định chuyển lên bệnh viện tỉnh Đắk Lắk. Bác sĩ tại bệnh viện tỉnh yêu cầu mổ cấp cứu vì chân của Vi bị chèn ép khoang cẳng chân, rối loạn cảm giác, vận động cẳng chân… Gia đình không đồng tình và xin chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị.

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã lập Hội đồng chuyên môn xem xét vụ việc. Nguyên nhân khiến chân  của nữ sinh hoại tử, phải cửa chân được xác định là do chèn ép bốn khoang cấp tính đến muộn gãy kín mâm chày phải. Trường hợp này không điển hình, bệnh hiếm gặp.

Hội đồng chuyên môn cũng cho rằng, bác sĩ Y Tâm chỉ định bó bột ngay từ đầu là sai. Sau khi bác sĩ thực hiện bó bột đã không rạch dọc bột để phòng tránh các biến chứng chèn ép và không theo dõi sát diễn biến của bệnh sau khi bó bột. Một điểm đáng lưu ý nữa, bác sĩ Y Tâm là bác sĩ nội khoa nhưng được phân công vị trí công tác làm việc tại ngoại khoa.

Trong vụ việc này, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kết luận, trách nhiệm thuộc về tập thể Ban giám đốc, các phòng chuyên môn, khoa Ngoại của bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin và các cá nhân có liên quan. Sở Y tế cũng yêu cầu bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có liên quan.

Bệnh viện này cũng phải có trách nhiệm động viên, hỗ trợ kinh phí để giảm bớt khó khăn về tình hình tài chính đối với gia đình của bệnh nhân Vi. Ngoài ra, bệnh viện này cũng phải hỗ trợ chi trả chi phí điều trị, chi phí tái khám, lắp chân giả với bệnh nhân tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chắc năng TP HCM. Phía bệnh viện này cũng bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Theo Khám phá

Tin tức mới nhất