Luật sư chỉ cách người dân quay phim giám sát CSGT thật chặt và đúng luật

Kể từ hôm nay (15/1), Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT chính thức có hiệu lực, người dân được quyền giám sát CSGT khi thực thi công vụ.

Người dân có thể giám sát CSGT qua 5 hình thức: Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp - đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát này.

Luật sư chỉ cách người dân quay phim giám sát CSGT thật chặt và đúng luật-1
Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn tài xế

Vậy, người dân giám sát lực lượng CSGT như thế nào là đúng quy định của thông tư 67/2019?

Để quyền hạn này được thực hiện có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật, là cơ sở quan trọng để người dân bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân chú ý các nội dung sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo mục đích sử dụng hình ảnh chụp, quay phim không trái luật.

Tuy rằng Luật không quy định cấm quay phim, chụp ảnh song cấm việc sử dụng hình ảnh bất hợp pháp. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp.

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi gây ra, người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực hoặc có thể bị xử lý hình sự. Như vậy, cơ chế để xử lý hành vi sử dụng hình ảnh, bản ghi âm không đúng đã được pháp luật quy định bảo vệ.

Thứ hai, người dân cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về điều kiện được quay phim, chụp ảnh ở những khu vực liên quan đến bí mật Nhà nước, những khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm được điều chỉnh bởi Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 06 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm.

Thứ ba, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 66/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị có liệt kê các trường hợp cấm.

Trrong đó có xác định chủ thể có hành vi cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan Công an, Quân đội hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người dân được quay phim CSGT đang thi hành công vụ nhưng không được dùng việc quay phim để khiêu khích, cản trở, chống đối việc thực hiện nhiệm vụ của CSGT.

Và đề xuất cuối cùng, tôi cho rằng để quyền hạn này của người dân được đảm bảo tốt hơn, để hoạt động của lực lượng CSGT phát huy hiệu quả thì trách nhiệm được đặt ra đối với CSGT cũng rất lớn. Theo đó, CSGT cần làm việc một cách công minh, nghiêm túc, khách quan qua đó tạo niềm tin tưởng và chấp hành pháp luật của người dân hơn.

Theo Người Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/ban-doc/luat-su-chi-cach-nguoi-dan-quay-phim-giam-sat-csgt-that-chat-va-dung-luat-20200115101221985.htm

vi phạm giao thông CSGT

Tin tức mới nhất