Tại nhà hàng gà rán nổi tiếng ở Seoul, Kim Chang Hoo (24 tuổi) cho biết anh và đồng nghiệp đã lên kế hoạch đi ăn sushi nhưng cuối cùng lại chọn “chimaek” (ăn gà và uống bia), theo Reuters.
"Tôi không thể ngừng nghĩ đến thịt gà ngay cả khi đang ăn sushi. Gà rán luôn là món khoái khẩu của tôi", anh nói.
“Chimaek” cũng là sự kết hợp được yêu thích của các gia đình, nhân viên văn phòng, lao động cổ xanh và rất nhiều người trong xã hội Hàn Quốc. Họ chen chúc trong các nhà hàng để thưởng thức đĩa gà rán kèm bia và củ cải muối.
Gà rán là món ăn phổ biến ở Hàn Quốc và được người dân ở mọi lứa tuổi yêu thích. Ảnh: Future Dish.
Dạo quanh các con phố ở Hàn Quốc, không khó để bắt gặp nhiều tiệm gà rán trên cùng mặt đường. Có hơn 27.000 nhà hàng gà rán nhượng quyền ở xứ sở kim chi tính đến năm 2020. Con số đó còn tăng lên khi bao gồm cả các quán nhỏ.
Theo Korea JoongAng Daily, việc người Hàn yêu thích món gà rán giòn với nhiều lựa chọn gia vị là lý do đằng sau sự phát triển của hàng loạt nhà hàng. Bên cạnh đó, việc mở một tiệm gà rán cũng không phải điều khó khăn.
Ngành kinh doanh nở rộ
Lee Gyu-min, giáo sư tại khoa Quản lý dịch vụ ăn uống tại Đại học Kyung Hee, cho biết: “Hoạt động kinh doanh gà rán đã được tiêu chuẩn hóa khá tốt. Tất cả nguyên liệu được chế biến trước khi cung cấp cho cửa hàng nhượng quyền nên chủ quán chỉ cần chiên gà. Việc mở các loại hình nhà hàng khác sẽ yêu cầu chủ phải được đào tạo hoặc thuê đầu bếp”.
Theo Statistics Korea, số lượng nhà hàng gà nhượng quyền tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27.667 vào năm 2020. Đây là loại hình kinh doanh nhượng quyền lớn thứ 3 theo danh mục, sau các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng hansik (đồ ăn Hàn).
Số lượng nhà hàng gà rán tăng chóng mặt sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi đó, hàng nghìn người lâm vào cảnh thất nghiệp và bị bỏ lại trên đường phố. Nhiều cá nhân chọn mở tiệm gà rán do không cần đầu tư nhiều.
James Lee, Giám đốc điều hành của Viện Tư vấn Quản lý Doanh nghiệp và Nhượng quyền, cho biết: “Rất nhiều phụ nữ cùng chồng vừa bị cho thôi việc của họ mở tiệm gà rán. Người trẻ không có việc làm cũng nhảy vào cuộc đua gà rán. Các tiêu chí nới lỏng để nhận được khoản vay từ chính phủ đã thúc đẩy xu hướng này”.
Lee nói thêm rằng vào khoảng thời gian này, hương vị gà rán ở Hàn Quốc, từ tỏi mật ong đến ngọt và cay, bắt đầu trở nên đa dạng hơn.
Một tiệm gà rán ở Seoul không được trang trí đẹp mắt nhưng nổi tiếng với giá thành rẻ và hương vị ngon. Ảnh: Violet Kim/CNN.
Gà rán trải qua làn sóng tăng trưởng thứ 2 vào năm 2002, khi Hàn Quốc lần đầu đạt vị trí hạng 4 ở tại FIFA World Cup. Hơn 13.700 tiệm gà rán được mở trên toàn quốc chỉ trong năm đó - con số lớn nhất trong vòng 20 năm qua, theo Viện Nghiên cứu Định cư Con người Hàn Quốc.
Choi Woo-chang, người phát ngôn của thương hiệu nhượng quyền gà rán lớn nhất tại Hàn Quốc, cho biết: “Năm 2002, rất nhiều người đã gọi gà rán để nhâm nhi khi theo dõi các trận đấu ở World Cup. Mở nhà hàng gà rán lại trở thành xu hướng khi nhu cầu tăng vọt”.
Đó cũng là khoảng thời gian từ “chimaek” xuất hiện, khi mọi người ngày càng thích uống bia khi thưởng thức gà rán.
Hai thập kỷ sau khi bùng nổ lần thứ 2, gà rán vẫn là một trong những ngành kinh doanh phổ biến nhất được bắt đầu bởi những người kinh doanh nhỏ.
Chi phí để mở tiệm gà rán vẫn tương đối thấp hơn so với các nhà hàng khác vì khách thường chọn ship đồ ăn hơn là ăn tại chỗ. Điều này giúp tiết kiệm chi phí trang trí nội thất và thuê mặt bằng vì cửa hàng không đòi hỏi nhiều diện tích. Hơn nữa, do bán mang đi phổ biến hơn, tiệm gà rán cũng không cần phải nằm ở vị trí đắc địa để thu hút sự chú ý của mọi người.
Vật lộn để tồn tại
Việc mở nhà hàng gà rán không khó cũng đồng nghĩa đóng cửa cũng dễ dàng.
“Số lượng nhà hàng gà rán tăng vọt vào đầu những năm 2000. Sau đó, số lượng tiệm mở và đóng ở mức tương tự từ giữa những năm 2000 đến 2010”, trích báo cáo của Viện Nghiên cứu Định cư Hàn Quốc được công bố tháng 12/2020.
Kể từ cuối những năm 2010, các doanh nghiệp gà rán bắt đầu đi xuống với số lượng đóng cửa nhiều hơn mở.
Số lượng nhà hàng gà rán mới vào năm 2019 giảm 9,22% so với năm 2014. Xu hướng này tiếp tục kể từ năm 2015, phần lớn do sự cạnh tranh gay gắt.
Sự đa dạng hóa là yếu tố khác đang làm gia tăng sự cạnh tranh. Theo Ủy ban Thương mại Công bằng, số lượng thương hiệu gà rán tăng 8,9% từ 438 vào năm 2019 lên 477 vào năm 2020.
Gà rán kết hợp với bia và củ cải muối là món ăn khoái khẩu của nhiều người Hàn. Ảnh: Inside Hook.
Để trở nên nổi bật, các thương hiệu gà rán đang đưa ra khái niệm khác nhau và cạnh tranh về hương vị độc đáo, từ gà rán cao cấp đến “đèn giao thông” (gà rán 3 vị dâu tây, dưa và chuối tương tự màu sắc của đèn giao thông). Các thương hiệu gà rán cũng chú trọng nhiều đến độ giòn.
Cùng với pizza và jajangmyeon (mì sốt tương đen), gà rán là một trong những món ăn giao hàng phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các ứng dụng giao đồ ăn, chủ tiệm gà rán hầu như không có lợi nhuận. Chi phí giao hàng cùng với sự cạnh tranh gay gắt khiến các nhà hàng nhỏ khó trụ vững.
Lim Chae-un, giáo sư kinh doanh tại Đại học Sogang, cho biết: “Bất chấp những khó khăn, việc mở tiệm gà rán sẽ tiếp tục phổ biến trong tương lai. Kinh doanh nhà hàng thường đi theo xu hướng nhưng gà rán vẫn được ưa chuộng do nhu cầu tăng mạnh.
Thịt gà tương đối rẻ hơn thịt đỏ và được phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ ăn vặt đến nhậu, khiến nó dễ dàng tiếp cận với mọi người ở độ tuổi khác nhau”.
Theo Zing