Ly kỳ chuyện bà đi tìm cháu ở nghĩa địa hài nhi

Được vợ chồng bà Mến chôn cất đã gần 2 năm, một hài nhi đã được gia đình tới đón về. Vợ chồng bà Mến đến giờ vẫn không biết lý giải sao với chuyện khó tin này.

LTS: Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời nhưng nhiều năm nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mến ở thôn Đại Lãm (Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang) đã âm thầm làm một việc rất đỗi lạ lùng ấy là dựng nghĩa trang để an táng những hài nhi bị vứt bỏ.

Nghĩa trang hài nhi ấy nằm ở giữa đồng, trên thuở đất vốn là “bờ sôi ruộng mật” của gia đình.

Đi tìm xác cháu vì những chuyện chẳng lành

Câu chuyện này có nhiều tình tiết huyễn hoặc nhưng ở Đại Lãm nhiều người chứng kiến.

Chuyện này đáng ra tôi cũng chẳng kể ra làm gì. Nhưng từ câu chuyện này tôi chỉ muốn nói những người đang có ý định nạo phá thai thì xin hãy nghĩ lại”, bà Mến mở đầu câu chuyện.

Vợ chồng bà Mến từng tự tay chôn cất 6000 hài nhi.
Vợ chồng bà Mến từng tự tay chôn cất 6000 hài nhi.

Theo bà Mến, chuyện khó tin ấy xảy ra cách đây gần 2 năm, chừng tháng 10/2014.

Hôm ấy, vợ chồng bà đang nhổ hành ngoài ruộng thì bất chợt thấy một người đàn bà lạ mặt hớt hải tới tìm.

“Bác ơi, bác có phải là bác Mến hay chôn cất hài nhi không?”, vừa phăm phăm lội xuống ruộng hành người đàn bà ấy vừa sốt sắng hỏi.

“Vâng, tôi đây, có việc gì thế chị?”, bà Mến ngạc nhiên hỏi.

“Bác ơi, bác thương nhà em với, bác về nhà đi cho em thưa chuyện. Việc quan trọng lắm, bác thương nhà em với!”, người đàn bà ấy khẩn khoản.

Thấy thái độ của người khách lạ, biết là bà ta có việc trọng thật nên vợ chồng bà Mến thu dọn đồ đạc tất tả về.

Tới nhà, chưa kịp uống nước, người đàn bà đó đã nức nở kể nỗi khổ của mình. Theo đó, nhà bà ấy ở dưới Dốc Sàn, xã Phương Sơn cùng huyện. Cách đó chừng 3 năm, con dâu bà mang bầu nhưng bởi hài nhi mang dị tật nên phải phá bỏ.

Ngày ấy, cô con dâu còn ít tuổi nên hồn nhiên, xong ca phẫu thuật là về thẳng nhà chẳng thèm đoái hoài gì đến giọt máu vừa được bứt ra từ cơ thể mình.

Ít lâu sau thì cô con dâu ấy lại có tin mừng. Lần này là một bé trai khỏe mạnh. Thế nhưng, từ ngày có đứa cháu nội thì gia đình bà bỗng lâm vào cảnh lao đao. Người ốm kẻ đau liểng xiểng.

Đứa cháu nội khi mới sinh bụ bẫm là vậy nhưng càng lớn càng quặt quẹo, ở viện nhiều hơn ở nhà.

Thấy gia cảnh tự nhiên lâm vào cảnh khốn cùng, bà đã vô cùng hoang mang. Ở quê, cứ khi gia đình gặp vận hạn thì người ta lại nghĩ chuyện mồ mả nhà mình có vấn đề.

Người đàn bà này cũng nghĩ vậy nhưng bà ta cũng chỉ biết khấn vái tổ tiên phù hộ độ trì chứ chẳng biết xử lý thế nào.

“Mấy ngày nay em không ngủ được, cứ chợp mắt là mê man linh tinh thôi. Em mơ thấy cháu nhà em bác ạ. Đứa lớn mà con dâu em đã bỏ ấy. Nó nói nó muốn về nhà.

Em lên đây cũng là để xin với hai bác cho đón cháu về”, người đàn bà lạ mặt khẩn khoản.

 Bà Mến tích cóp hộp sữa để làm quan tài cho các hài nhi xấu số.

Bà Mến tích cóp hộp sữa để làm "quan tài" cho các hài nhi xấu số.

Tiếng gọi từ tình mẫu tử

Theo lời người đàn ấy thì bởi nghĩ con dâu đã “đối xử” tệ bạc với hài nhi bứt ra từ bụng mình khiến nhà có nhiều chuyện lao đao nên bà ta vội vàng tìm đến nơi con dâu mình tiến hành phá thai.

Từ cơ sở nạo phá thai ấy thì bà ta biết cháu mình được gia đình bà Mến đón về chôn cất.

Thấy người đàn bà đó nằng nặc đòi xin hài cốt cháu mình về vợ chồng bà Mến đã vô cùng sửng sốt. Thời điểm đó, nghĩa trang đã có vài nghìn hài nhi, biết đứa trẻ tội nghiệp đó nằm ở mộ nào.

Có tìm được mộ thì cũng chẳng biết hài nhi đó được mai táng ở vị trí nào bởi mỗi mộ có đến vài trăm sinh linh tội nghiệp. Hơn nữa, các hài nhi được bà an táng trong hộp sữa, chẳng đánh số hay ghi bất cứ ký hiệu gì.

Thấy bà Mến băn khoăn, người đàn bà ấy đã khẩn khoản: “Con dâu em nó biết con mình nằm ở đâu mà. Bỏ thằng bé nó cũng xót và ân hận lắm. Hình như sợi dây mẫu tử đã mách cho con dâu em biết chỗ thằng bé nằm”.

Theo lời bà Mến thì người đàn bà đó khăng khăng rằng cháu nội mình nằm ở hàng mộ thứ hai, ngôi thứ 8 nhìn từ ngoài vào.

Cháu nó được nằm trong chiếc hộp sắt có hình con chim”, người đàn bà đó khẳng định.

Lời khẳng định ấy càng làm cho vợ chồng bà Mến thêm phần khó xử. Từ trước tới nay, vợ chồng bà an táng hài nhi trong vỏ hộp sữa và không hộp nào có hình con chim ở ngoài cả.

“Hai bác thương em, em cũng cực chẳng đã mới phải đến đây van nài hai bác. Em sẽ làm nhanh thôi, làm xong em sẽ xây lại như cũ”, người đàn bà đó thống thiết.

Trước những lời van vỉ khổ đau của người đàn bà ấy, chẳng còn lựa chọn nào khác, vợ chồng bà Mến đành phải gật đầu ưng thuận.

Đúng như lời hẹn, vài hôm sau, vào đúng ngày rằm, người đàn bà ấy về lại nhà bà Mến cùng với mấy người đàn ông lực lưỡng. Ra nghĩa trang, sau khi làm xong các thủ tục nhang khói, mấy người đàn ông ấy đã tiến hành quật mộ.

Như lời người đàn bà ấy nói mấy hôm trước, nấm mồ được khai quật ở hàng thứ hai, ngôi thứ 8 nhìn từ ngoài vào.

Hôm ấy, bởi lo việc khai quật sẽ ảnh hưởng đến các hài nhi nên vợ chồng bà Mến cùng với mấy người trong xóm đã giám sát rất kỹ.

Khi đó bà vẫn nghĩ vợ chồng bà chấp thuận việc đào bới trên chỉ để thỏa mong muốn của người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ ấy thôi chứ chẳng nghĩ sự việc lại diễn ra một cách lạ kỳ đến vậy.

Bà khóc òa khi tìm thấy cháu

Phá xong nắp mộ, những chiếc “quan tài” bằng hộp sữa được mọi người liên tiếp đưa ra. “Đấy, chị nhìn đi, làm gì có hộp nào có hình con chim đâu!”, bà Mến nói với người đàn bà khốn khổ, giọng có phần trách móc.

Không đáp lời bà, người đàn bà ấy vẫn tiếp tục phần việc của mình. Những hộp sữa vẫn tiếp tục được nhấc lên.

Ông Việt nói chôn cất hài nhi bị bỏ rơi là nghĩa vụ của lương tri.
Ông Việt nói chôn cất hài nhi bị bỏ rơi là nghĩa vụ của lương tri.

Mỗi nấm mồ vợ chồng bà Mến đào sâu hơn mét. Mồ nào cũng chứa đến mấy trăm hài nhi, được xếp đều theo từng tầng và chỉ cách một lớp đất mỏng.

Khi những người đàn ông bạo dạn mà người đàn bà lạ mặt đưa theo bới đến tầng mộ thứ 6 tính từ trên xuống mà vẫn không có kết quả gì thì bà Mến bắt đầu sốt ruột.

Tuy nhiên, khi bà vừa chưa kịp quay đi thì người đàn bà ở dưới dốc Sàn òa lên: “Cháu đây rồi, cháu tôi đây rồi!”.

Vừa nói, bà vừa ôm ghì lấy một hộp sắt lấm lem đất mà người đàn ông đào mộ thuê đưa cho. Thấy bà ta nức nở, vợ chồng bà Mến vội vàng ngoái lại. Nhìn thấy chiếc hộp vợ chồng bà Mến rụng rời chân tay.

Chiếc hộp đúng là có hình con chim.

Bà Mến bảo, có lẽ trong số hàng nghìn “quan tài” thì chỉ duy nhất chiếc hộp đó có hình con chim bởi đến khi ấy thì bà đã nhớ ra vì sao chiếc hộp đó lại lạc vào nghĩa trang hài nhi này.

Hôm ấy, hài nhi về nhiều. Cả chục chiếc hộp sữa mà bà tích trữ từ trước đó đã được dùng hết nhưng vẫn còn thừa một hài nhi đã rõ hình hài.

Dạo đó, bởi chưa có tủ cấp đông nên chẳng thể để hài nhi ấy cho đợt an táng kế sau nên vợ chồng bà Mến đã tất tưởi chạy đi kiếm thêm hộp sắt.

Vào mấy nhà hàng xóm hỏi nhưng chẳng ai có, chạy qua nhà anh con trai cả thì ông Việt thấy có chiếc hộp sắt bỏ không vứt ở góc nhà. Chiếc hộp đó vốn dùng để đựng sơn, con trai ông bà mua về để phục vụ cho cửa hàng cơ khí của gia đình.

Khi ấy bởi vội nên chồng bà Mến cũng chẳng để ý đến bề ngoài của hộp sơn. Tráng hộp sạch sẽ, đưa hài nhi còn sót lại vào, vợ chồng bà Mến bước thấp bước cao ra đồng.

Bây giờ, khi người đàn bà đó đưa hài nhi đó lên, nhìn kỹ ông mới biết đó là hộp sơn của hãng Đ.B. Trên hộp, nổi bật là hình ảnh con chim đại bàng cách điệu.

Chiều nào bà Mến cũng ra nghĩa trang để chăm sóc mồ mả cho các hài nhi tội nghiệp.
Chiều nào bà Mến cũng ra nghĩa trang để chăm sóc mồ mả cho các hài nhi tội nghiệp.

Nghĩa trang hài nhi của vợ chồng bà Mến không bao giờ nguội lạnh nhang khói. Dân trong làng thỉnh thoảng ra đồng vẫn ra đó thắp nhang. Những người làm thiện nguyện vẫn thường tổ chức đoàn về thăm viếng.

Lối vào nghĩa trang là con đường đất đắp tạm trơn trượt, khó đi. Vợ chồng bà Mến đang cố tích cóp để đổ bê tông để mọi người qua lại cho thuận tiện. Tuy nhiên, nghề nông chẳng mấy khi dư dả nên mong ước đó quả thực khó khăn.

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất