Mất tay phải trong tai nạn, thầy giáo luyện viết tay trái để đứng lớp hơn 30 năm
Mất cánh tay phải sau vụ tại nạn giao thông ở tuổi 21, thầy giáo Tôn Tăng Cần Trường Trung học số 3 huyện Hiến (Thương Châu, Hà Bắc) quyết tâm học viết bằng tay trái để quay lại bục giảng.
Ông Tôn Tăng Cần (53 tuổi) hiện là giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Trung học số 3 huyện Hiến (TP Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Hơn 30 năm đứng lớp, viết bảng bằng tay trái thầy Cần đưa được 2.000 học sinh đỗ đại học.
Nghịch cảnh không dập tắt được quyết tâm
Tháng 7/1991, ở tuổi 21, thầy Cần tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thương Châu (hiện là Đại học Sư phạm Thương Châu) và được biên chế vào Trường Trung học số 3 huyện Hiến.
Ngày 14/7, trên đường lên Phòng Giáo dục huyện báo cáo, không may thầy Cần va chạm với ô tô, nên mất đi cánh tay phải.
Sau nhiều năm, thầy Cần luôn nghĩ vụ tai nạn là sự cố không mong muốn, nên đành chấp nhận hiện thực. Không muốn từ bỏ sự nghiệp trồng người, thầy bắt đầu tập viết bằng tay trái khi vẫn ở viện.
Bất cứ khi nào có thời gian, thầy đều chăm chỉ luyện viết từ những nét cơ bản: "Lúc đó, tôi đã suy nghĩ trong đầu, dù chỉ còn 1 tay nhưng vẫn phải dạy thật tốt cho học sinh".
2 tháng sau, thầy Cần xuất viện quay lại trường làm việc, nhưng chưa thể đứng lớp vì sức khỏe còn yếu. Lúc này, nhà trường chuyển thầy lên phòng giáo vụ phụ trách công việc giấy tờ.
6 tháng làm tại đây, cũng là thời gian thầy Cần tập trung cao độ luyện viết bằng tay trái để chuẩn bị quay lại bục giảng.
Ký ức của học trò về thầy
Đầu năm 1992, thầy Cần được phân công dạy môn Địa lý thế giới. "Buổi lên lớp đầu tiên, tôi tràn đầy tự tin viết trôi chảy lên bảng bằng tay trái", ông chia sẻ.
Năm học tiếp theo, thầy Cần được phân dạy tiếng Trung (môn Văn). Đến năm 2011, thầy Cần chuyển sang dạy Lịch sử đến nay.
Sau này, trong ký ức nhiều thế hệ học sinh đều công nhận chữ thầy Cần viết bảng bằng tay trái đẹp.
Cảnh Tây Huy, cựu học sinh Trường Trung học số 3 huyện Hiến, cho biết: "Mỗi lần đi qua phòng chờ giáo viên, em đều thấy thầy Cần luyện viết thư pháp với sự tập trung cao độ. Mặc dù viết bằng tay trái, nhưng nét chữ của thầy rất đều đặn và dứt khoát".
Hơn 30 năm đứng lớp, thầy Cần viết bảng bằng tay trái. Ảnh: The Paper
Khi nhận xét về thầy Cần, một cựu học sinh khác bày tỏ: "Thầy Cần nghiêm túc, tận tâm và có trách nhiệm trong giảng dạy. Thầy vui tính nên không khí lớp học luôn sôi nổi".
Học sinh khác chia sẻ: "Trong tiết học của thầy Cần luôn có những quy định riêng. Ngày nào có tiết trống, em thường đến lớp thầy để nghe giảng. Em ngưỡng mộ vì khối lượng kiến thức phong phú và uyên thâm của thầy".
30 năm đi dạy, mới nghỉ phép 3 lần
Với thầy Cần được đứng trên bục giảng là vinh dự lớn. Chia sẻ về điều đã trải qua, ông nói: "Tôi chưa bao giờ cảm thấy khó khăn trong sự nghiệp. Dạy học là niềm đam mê lớn nhất của tôi".
Ông Vương - đồng nghiệp gần 20 năm làm việc cùng nhận xét thầy Cần rất chăm chỉ, chưa ngày nào là không có mặt ở trường: "Từng gặp tai nạn giao thông ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thời tiết thay đổi thầy Cần sẽ mệt mỏi và đau đớn, nhưng vẫn đi dạy".
Đại diện ban giám hiệu bày tỏ: "Thầy Cần luôn vui vẻ và quan tâm các đồng nghiệp trong trường. Trải qua hơn 30 năm công tác đến nay, thầy mới xin nghỉ phép 3 lần. Trong đó, lần 1 thầy Cần nghỉ kết hôn, lần 2 gia đình có hỷ sự và lần 3 là gia đình có tang".
Nhiều thế hệ học sinh bày tỏ sự quý mến và kính trọng thầy Cần. Ảnh: The Paper
Thầy Cần nhớ lại, khi còn là giáo viên chủ nhiệm, 6h học sinh bắt đầu tập thể dục và 22h về ký túc xá. Thời gian này, thầy luôn có mặt ở trường đồng hành cùng học sinh trong mọi hoạt động.
"Khi tôi mới bắt đầu đi dạy, máy tính chưa phổ biến vào mùa thi cả lớp 30-40 em đến nhà tôi để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Lần lượt từng em đi vào căn phòng nhỏ, tràn ngập tiếng cười nói", thầy Cần kể lại kỷ niệm.
Ở tuổi 53, thầy Cần không còn làm giáo viên chủ nhiệm. Hiện tại, nhiệm vụ chính của thầy là phụ trách dạy Lịch sử 3 lớp: "Hàng ngày, ngoài việc dạy kiến thức cơ bản, tôi còn giải đáp thắc mắc của học sinh trong quá trình làm đề ôn tập.
Tôi luôn động viên các em cố gắng đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi đại học".
''Tinh thần của thầy là ngọn hải đăng"
Trong sự nghiệp giảng dạy hơn 30 năm, thầy Cần được nhiều thế hệ học sinh kính trọng và yêu quý. Nhiều cựu học sinh đã ra trường vẫn tìm thầy để trò chuyện mỗi khi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống.
Dù bận rộn, nhưng thầy vẫn dành thời gian lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho học sinh.
Bằng kinh nghiệm của bản thân đúc kết, thầy luôn khuyên học sinh kiên trì: "Dù cuộc sống thế nào, các em phải chiến đấu đến cùng, không được khuất phục trước bản thân".
"Lần gần nhất tôi gặp thầy là dịp hè. Ngoại hình thầy không thay đổi nhiều, nhưng thời gian trôi qua tóc thầy đã bạc. Trong quá trình nói chuyện, thầy không ngừng nhắc tôi phải luôn kiên trì", cựu học sinh Cảnh Tây Huy chia sẻ.
"Tinh thần và hành động của thầy Cần là nguồn động viên cho các đồng nghiệp và có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với học sinh. Nhiều thế hệ học trò bày tỏ sự kính trọng thầy Cần.
Tinh thần của thầy là ngọn hải đăng để các em vươn lên tiến về phía trước", bà Lưu Hân Khảm - Hiệu trưởng Trường Trung học số 3 huyện Hiến, bày tỏ.
Trong những năm công tác, thầy Cần đạt được một số danh hiệu sau: Top 10 nhà giáo tiêu biểu của TP, Giáo viên luyện thi giỏi, Nhà giáo mẫu mực về đạo đức và Bằng khen lao động hạng ba...
Năm học 2004, lớp thầy Cần chủ nhiệm được Ủy ban Giáo dục TP Thương Châu tặng bằng khen Lớp học kiểu mẫu tiêu biểu của TP.
"Tôi không may vì mất đi một cánh tay, nhưng đổi lại tôi có nhiều thế hệ học sinh giỏi", thầy Cần bộc bạch.
Thầy cho biết còn 7 năm nữa về hưu: "Tôi sẽ trân trọng khoảng thời gian còn đứng trên bục giảng và để lại dòng chữ đẹp nhất trên bảng đen viết bằng tay trái".
Theo Vietnamnet
-
4 giờ trướcCùng lắng nghe những chia sẻ nhanh của Quán quân Olympia 2024 nhé!
-
6 giờ trướcChiến thắng nghẹt thở ở phút cuối cùng đã giúp Võ Quang Phú Đức trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024
-
8 giờ trướcBốn nhà leo núi Nguyễn Quốc Nhật Minh, Nguyễn Nguyên Phú, Võ Quang Phú Đức, Trần Trung Kiên tranh tài trong trận chung kết sáng 13/10.
-
12 giờ trướcCông cụ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đã phân tích điểm mạnh lẫn điểm yếu của ông Trump và bà Harris, cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất khó để dự đoán chính xác.
-
22 giờ trướcTham gia Đường lên đỉnh Olympia là ước mơ từ thuở ấu thơ của Võ Quang Phú Đức. Niềm mơ ước đó nay đã được cậu học sinh đến từ Trường THPT Chuyên Quốc học Huế hiện thực hóa bằng sự có mặt tại cuộc tranh tài chung kết năm của sân chơi trí tuệ, ý nghĩa này.
-
23 giờ trướcỞ tuổi 16, Bảo Nam - con trai đầu lòng của hoa hậu Jennifer Phạm và ca sĩ Quang Dũng - sở hữu chiều cao 1,9m với ngoại hình khác lạ.
-
1 ngày trướcCầm trịch bốn điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 đều là những MC quen thuộc của VTV. BTC đã thay đổi địa điểm sân khấu ở Phú Yên phút chót vì thời tiết xấu.
-
1 ngày trướcNằm đau đớn trong phòng cấp cứu, Chloe hỏi mẹ liệu mình có chết không. Hai năm qua, mẹ của cô bé vẫn không thể nguôi ngoai nỗi buồn mất con.
-
1 ngày trướcNhiều năm sống chung, nàng dâu quê Thái Nguyên luôn biết ơn bố mẹ chồng đã dành cho tổ ấm nhỏ của mình những điều tốt đẹp.
-
1 ngày trướcDiễn biến xoay quanh cuộc hôn nhân của Hằng Du Mục lại có tình tiết mới khiến cư dân mạng quan tâm.
-
2 ngày trướcQua camera giám sát, quản lý tòa chung cư kinh hoàng chứng kiến chiếc thang máy chở vợ mình rơi tự do nhưng không kịp can thiệp, người phụ nữ không qua khỏi.
-
2 ngày trướcHai anh em sinh đôi rước vợ cùng một ngày, hai cô dâu xinh đẹp trở thành tâm điểm chú ý.
-
2 ngày trướcNgân 98 hào hứng khoe nhan sắc hậu trùng tu tốn cả tỷ đồng.
-
2 ngày trướcBTV này là một trong những người dẫn dắt Bản tin Thời sự của VTV vào thập niên 1990 và từng đoạt danh hiệu Á hậu tại cuộc thi Người đẹp Hà Nội.
Tin tức mới nhất
-
2 giờ trước
-
3 giờ trước
Hay nhất 2sao
-
19 ngày trước
-
19 ngày trước
-
19 ngày trước
-
19 ngày trước
-
19 ngày trước