Mẹ 9X 'rùng mình' kể chuyện đi đẻ, sau sinh đau rúm người nghe rõ mồn một từng mũi kim khâu

Đã hơn một tháng sau ngày “vượt cạn” nhưng chị Huyền vẫn chưa hoàn hồn bởi vẫn còn ám ảnh từ những cơn đau thấu trời đất.

Chuyện đi đẻ xưa nay là hành trình khó khăn, thậm chí nguy hiểm với các bà các mẹ. Việc “vượt cạn” vất vả, đau đớn như thế nào nếu chỉ nghe mà chưa được trải nghiệm thì không thể cảm nhận được hết. Câu chuyện của chị Thanh Huyền (25 tuổi) ở Thái Bình về lần đầu đi đẻ nhớ đời, đau đớn đến mức giờ đây nghĩ lại vẫn phải thốt lên hai chữ “ám ảnh”, chị vẫn nhớ như in từng chi tiết của hành trình vượt cạn nhiều gian nan của mình.

Mẹ 9X rùng mình kể chuyện đi đẻ, sau sinh đau rúm người nghe rõ mồn một từng mũi kim khâu-1

Chị Thanh Huyền hạnh phúc bên chồng và con

Vừa ngồi dậy để kéo màn gấp chăn thì nước ối bục ngay trên giường

Trên hành trình mang thai, mỗi bà bầu đều mang trong mình những nỗi lo lắng khó có thể chia sẻ. Việc quá ngày sinh mà em bé chưa chịu chui ra cũng là vấn đề khiến nhiều bà bầu “nhức óc”. Chị Thanh Huyền cũng vậy, em bé của chị cán mốc 40 tuần 4 ngày nhưng vẫn rất ương bướng chưa chịu lọt lòng.

Gần bước sang ngày thứ 5 của tuần thai thứ 40 chị bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng lâm râm, nếu những cơn đau do rối loạn tiêu hóa trước đó đã khá quen thuộc nhưng cơn gò ngày hôm đó khiến chị có linh cảm khác lạ.

 
Mẹ 9X rùng mình kể chuyện đi đẻ, sau sinh đau rúm người nghe rõ mồn một từng mũi kim khâu-2

Em bé chào đời với cân nặng 3,6 kg, sau một tháng bé được 5 kg

Cố chịu đựng từng cơn quặn thắt bụng dưới đến 4h sáng, vừa ngồi dậy để kéo màn gấp chăn thì nước ối bục ra ngay trên giường. Lúc này gia đình hốt hoảng đưa chị vào viện khám. Sau khi khám, bác sĩ dặn đi lại ăn gì nhẹ nhàng khi nào đau nhiều thì vào kiểm tra hoặc cứ 1 tiếng lại vào kiểm tra một lần.

Sau khi ăn tạm bát cháo, cứ 5 phút chị Huyền lại lên cơn gò một lần. Thế nhưng mãi đến 8h sáng bác sĩ khám thông báo cửa tử cung mới mở 3 cm. Hơn một tiếng trôi qua vì quá đau mà vẫn chưa thể sinh, chị nhắn anh chồng ra bảo bác sĩ tiêm thuốc giảm đau nhưng oái oăm thay mẹ chồng chị một mực phản bác việc hỗ trợ giảm đau bằng tiêm truyền vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Không còn sự lựa chọn nào khác, chị đành nằm đó gặm nhấm từng cơn chuyển dạ “đau thấu trời xanh”. Nhắc nhớ lại cảm giác lúc chuẩn bị “lâm bồn”, chị Huyền nói: “Quặn hết cả lưng cả bụng, mỗi lần bác sĩ khám là mình cảm thấy máu với nước tuôn chảy liên tục. Từ lúc cửa tử cung mở được 4 cm đến 8 cm mỗi cơn đau là mình quíu hết cả chân vào. Quặn người sang một bên, miệng thì bảo chị ơi em đau quá, em sắp không chịu được nữa rồi. Chị y tá còn nhắc “khi nào em buồn đi đại tiện thì bảo chị”. Mỗi lần khám là máu me ở đâu xối xả chảy, phải thay khăn kê ở dưới liên tục”.

Mẹ 9X rùng mình kể chuyện đi đẻ, sau sinh đau rúm người nghe rõ mồn một từng mũi kim khâu-3

Sau sinh những vết rạn vẫn còn in hằn trên da bụng. Thế nhưng, chị chia sẻ: "Giờ chỉ mong con ngoan khỏe mạnh, chứ bụng xấu nữa mình vẫn chịu được".

Chị Huyền tiếp mạch câu chuyện khi kể về khoảnh khắc đáng nhớ trong lần đầu được làm mẹ, chị diễn tả lại cảnh bác sĩ hướng dẫn rặn đẻ chân thực đến từng chi tiết rằng: “Lúc đấy bác sĩ bảo ấn chân xuống với kéo tay lên rồi có cơn thì nín thở rặn ra. Cửa mình lúc đấy phải cong vểnh lên. Lần rặn thứ nhất đầu em bé chui ra ở cửa mình, cảm giác rát vô cùng, bác sĩ còn lấy tay nong nong xung quanh nhưng em bé vẫn chưa chịu chui ra. Cứ như thế đợi hết cơn này đến cơn khác liên tục rặn”.

Mô tả cảm giác khi được bác sĩ rạch cửa tử cung, chị Huyền dí dỏm cho biết: “Đến cơn rặn thứ hai khi đang rặn thì bác sĩ cầm kéo rạch xoẹt xoẹt làm mình đau hét cả lên. Thế là thở ra hơi không nín được để rặn tiếp, sau đấy lại hết cơn. Mỗi cơn qua nhanh lắm chỉ tầm 20-30s thôi. Lần 3 là rặn được em bé. Bác sĩ lật váy mình lên rồi đặt em bé trên bụng, cái cảm giác ấm ấm trên bụng, rồi run run oẹ oẹ. Thực sự lúc ấy ko giống như trên phim là chảy nước mắt tuôn trào hạnh phúc đâu vì còn đang chưa hoàn hồn sau cơn đau đẻ”.

Bốn tiếng sau sinh mới ngồi dậy được, choáng ngất liên tiếp 2 lần trong nhà vệ sinh

Vậy nhưng, mọi chuyện chưa kết thúc ở đó, sau khi lấy em bé ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ tiếp tục làm các thao tác mục đích lấy nhau thai ra ngoài, “bác sĩ ấn day và móc cho nhau ra hết, lúc đấy mình đau lắm. Ôi giờ vẫn không thể tả được hết cảm xúc.  Sau đó bác sĩ mang em bé đi lau và cân, ghi tên mẹ đeo vào tay và chân bé. Bác sĩ báo em bé 3,6kg, đau đớn đến rùng mình nhưng mình cũng thấy tự hào quá, con mình trộm vía mạnh khoẻ” – mẹ bỉm sữa chia sẻ.

Mẹ 9X rùng mình kể chuyện đi đẻ, sau sinh đau rúm người nghe rõ mồn một từng mũi kim khâu-4

Đã 1 tháng sau ngày sinh em bé, nhưng nhắc nhớ lại ký ức chị Huyền vẫn ám ảnh từ những cơn đau chuyển dạ

Tiếp đến là thao tác khâu vá vết rạch cửa tử cung, theo chị chia sẻ, lúc đó bác sĩ đưa mũi tiêm vào xung quanh vùng rạch, khâu từ trong ra ngoài. Dù có gây tê nhưng chị vẫn cảm nhận được từng chi tiết bác sĩ thắt chỉ. Đến hai mũi cuối hết thuốc tê thì đau rúm hết cả người.

Chị nhanh chóng được đẩy ra phòng hồi sức để theo dõi. Bốn tiếng sau sinh chị mới mò mẫm ngồi dậy và kêu chồng đưa vào nhà vệ sinh. Có lẽ do mất nhiều máu nên chị bị choáng và chóng mặt nên thấy trời đất tối sầm, cảm thấy khó thở, không đứng nổi, ngất 2 lần trong nhà vệ sinh. Một tháng sau sinh khi nghĩ lại cảm giác ngày đầu tiên sau khi em bé chào đời, chị vẫn nghĩ như mới ngày hôm qua.  

Mẹ 9X rùng mình kể chuyện đi đẻ, sau sinh đau rúm người nghe rõ mồn một từng mũi kim khâu-5

Chị Thanh Huyền giờ đây đã có thể nở nụ cười mãn nguyện vì “vượt cạn” thành công

Sau mọi khó khăn, vất vả chị Thanh Huyền giờ đây đã có thể nở nụ cười mãn nguyện vì “vượt cạn” thành công. Một tháng sau sinh em bé đã tăng từ 3,6kg lên 5kg khỏe mạnh. Chị Huyền cho biết, bản thân chị muốn chia sẻ hành trình “lâm bồn” đầy gian nan của mình với những người đã và sắp làm mẹ để làm động lực cho các chị em, phải thật tự tin để hoàn thành xuất sắc thiên chức của người phụ nữ là sinh con.

sinh con.

 

Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn


sản phụ sinh con

Tin tức mới nhất