Trong phiên livestream thứ 2 của mình vào tối ngày 16/01, NTK Thái Công có nhắc đến một công việc được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam ít nơi giảng dạy.

Đó là ngành học Quản gia tại gia đình. NTK cũng cho biết, ngành học này có những yêu cầu đặc biệt và vô cùng khắt khe tuy nhiên thu nhập cùng chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn.

Ngay trong buổi livestream, ông cũng hướng dẫn mọi người cách "setup" bàn tiệc dành cho 4 người một cách chi tiết.

Theo đó, từng chiếc đĩa, muỗng, dao, ly nước, bình hoa, khăn lót bàn,... đều được sắp xếp cẩn thận, chỉn chu. Ông luôn nhấn mạnh, điều này thể hiện sự tinh tế đồng đều trong gia đình trung lưu, thượng lưu.

Quản gia tại gia đình là ngành học gì? Công việc cụ thể ra sao?

Quản gia bắt nguồn từ cụm từ ''buteler'', có nghĩa là những người là công việc phụ trách tiệc rượu cho vua.

Tuy nhiên, ngày nay khái niệm quản gia được sử dụng với nhiều hàm nghĩa hơn, hiểu đơn giản là cần đảm bảo dọn dẹp, tài chính, nấu nướng,... trong gia đình. Có nghĩa, họ phải là người bao quát mọi việc, có am hiểu sâu rộng cùng những đức tính tuyệt vời khiến chủ nhà hài lòng.

Một công việc được Thái Công nhắc trên livestream: Thu nhập đến cả trăm triệu/tháng nhưng nghe yêu cầu choáng váng-1
Quản gia tại gia đình phải bao quát khá nhiều công việc mỗi ngày. (Ảnh minh hoạ)

Một số công việc cụ thể mà quản gia gia đình phải thực hiện mỗi ngày như:

- Trả lời các thông tin liên lạc được thực hiện qua điện thoại, văn bản, thư từ, mạng xã hội,… Đảm bảo không được bỏ sót thông tin.

- Chào hỏi và tiếp đón những vị khách đến thăm gia đình và tiễn họ ra về theo chuẩn mực, quy tắc riêng của gia đình.

- Điều phối việc duy trì và bảo quản các tác phẩm nghệ thuật như đồ cổ, đồ bạc, tài sản, tranh vẽ, huân huy chương,… của gia đình.

- Quản lý các tài sản quan trọng khác, bao gồm rượu vang, xì gà, sách và ô tô.

- Giám sát ngân sách hàng tháng và an ninh, cũng như kiểm kê tài sản của gia đình. Cân đối và phân bổ thu chi hàng tháng rõ ràng.

- Lên kế hoạch cho các sự kiện nhỏ của gia đình như tiệc tất niên, tiệc chào đón năm mới,... và chịu trách nhiệm giám sát khi sự kiện được tổ chức.

- Tìm nguồn cung ứng và đào tạo nhân viên mới, điều hành các nhân viên khác trong nhà, và điều hành bảng lương.

Những yêu cầu để trở thành một quản gia chuyên nghiệp

Để có thể trở thành quản gia, bạn cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định, tuỳ thuộc vào mỗi gia đình. Nhưng nhìn chung, bạn sẽ phải đảm bảo những tiêu chí sau:

- Có các chứng chỉ liên quan hoặc đã từng có kinh nghiệm làm quản gia là một lợi thế. Chính vì thế, nhiều gia đình thường yêu cầu bạn cung cấp thâm niên làm việc.

- Có kiến thức về rượu vang, cách nấu ăn và quy trình ăn uống, cách "setup" bàn tiệc.

- Thành thạo trong việc lập kế hoạch, mua hàng và duy trì nguồn cung cấp và hàng tồn kho.

- Có kỹ năng tổ chức, lập kế hoạch hoàn hảo và xử lý vấn đề phát sinh.

- Nhạy bén với mọi thông tin xung quanh để bổ trợ công việc một cách tốt nhất.

- Có khả năng ủy thác các hoạt động và quản lý người khác.

- Kỹ năng trò chuyện, giao tiếp với khách của gia đình.

Một công việc được Thái Công nhắc trên livestream: Thu nhập đến cả trăm triệu/tháng nhưng nghe yêu cầu choáng váng-2
(Ảnh minh hoạ)

Học nghề Quản gia ở đâu? Thu nhập thế nào?

Quản gia là ngành học vô cùng mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, đặc biệt ở châu Á. Năm 2020, Đại học Mở Thượng Hải (Trung Quốc) mở chương trình đào tạo chuyên ngành này và khẳng định chất lượng đầu ra cực kỳ hấp dẫn.

Các sinh viên sẽ được học các môn Xã hội học, Mỹ học gia đình, Dinh dưỡng,... và ngoại ngữ (tiếng Anh).

Hay Học viện Quản gia Quốc tế (Trung Quốc) cũng là nơi đào tạo chuyên nghiệp cho những ai quan tâm đến ngành nghề này. Mặc dù có mức học phí ''ngất ngưởng'' lên tới 18.145 USD/khóa (hơn 386 triệu đồng).

Giảng dạy tại học viện đều là những quản gia nổi tiếng đến từ Thụy Sỹ, Bỉ, Mỹ và Canada. Học viện là nơi cho ra đời hàng loạt các quản gia, trợ lý riêng, người hầu, người giúp việc, bảo mẫu,... cho giới quý tộc, các chính khách và những gia đình giàu có.

Được biết, các sinh viên tốt nghiệp của học viện có thể kiếm được mức lương từ 30.000 - 90.000 bảng Anh (tương đương khoảng 1 tỷ - 3,1 tỷ đồng) mỗi năm khi làm việc cho tầng lớp siêu giàu ở Trung Quốc.

Ở Việt Nam, năm 2012, trường Cao đẳng Sư phạm TW cững mở thêm ngành mới là Kinh tế gia đình. Ông Đặng Lộc Thọ - Trưởng phòng đào tạo của trường từng chia sẻ: "Ngành Kinh tế trong gia đình hay còn gọi là ngành Đào tạo quản gia. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm công việc tư vấn quản lý kinh tế trong gia đình hoặc làm ở các trung tâm điều dưỡng".

Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê cụ thể cho công việc quản gia tại gia đình. Tuy nhiên, mức thu nhập chắc chắn không phải con số nhỏ, lên tới cả chục triệu đồng, thậm chí là cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Vì thế, không ít bạn trẻ sẵn sàng đi làm nghề giúp việc tại các gia đình giàu có rồi nâng cấp bản thân lên thành quản gia chuyên nghiệp.

Đại gia Quận 7 Đoàn Di Băng từng chi 120 triệu đồng/ tháng cho người giúp việc và còn được tặng nhiều món đồ sang trọng.

Hay như Thuý Kiều - người giúp việc của Ngọc Trinh vừa nhận lương đã tậu ngay chiếc túi 60 USD (khoảng 1,3 triệu đồng). Nhiều người dự đoán Thuý Kiều có thể có mức thu nhập lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng mới "thoáng tay" như vậy.

Theo Người Đưa Tin