Nắng nóng thế này đi săn sâu muồng về... ăn sống

Vào những ngày đầu hè, thời tiết nắng nóng cũng là lúc bà con dân tộc Thái (đen) sinh sống tại bản Chậu (xã Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La) tấp nập lên rừng săn tìm nhộng sâu muồng.

Sâu muồng có màu xanh đậm, mình trơn, không phủ lông trên cơ thể, bám trên lá cây và di chuyển bằng cách cong mình lại rồi vươn đầu ra phía trước. Vào những ngày trời nắng nóng như thế này, sâu muồng bám thân mình vào cây muồng, loại cây này mọc ở trên các triền núi khu vực Tây Bắc hoặc được người dân trồng lấy gỗ như: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái. Khi trưởng thành, sâu di chuyển về thân cây muồng để kéo kén thành nhộng.

Những con nhộng sâu muồng dài gần 2cm, có màu xanh lá cây. Vào đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 dương lịch thời tiết nắng nóng, có ngày nóng hầm hập vã mồ hôi cũng là thời điểm loại sâu muồng kéo kén nhiều nhất.

Đồng bào dân tộc Thái thường lên rừng lấy nhộng sâu muồng về chế biến thành các món ăn hấp dẫn, có thời điểm lấy được khoảng 4 – 5kg nhộng sâu muồng.

Nắng nóng thế này đi săn sâu muồng về... ăn sống-1
Nhộng sâu muồng thường xuất hiện nhiều nhất vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 dương lịch.

Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị Nhu, bản Chậu, xã Chiềng Cơi, TP. Sơn La là một trong những người hay săn tìm nhộng muồng, cho biết: "Sâu muồng bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 3. Đây là thời điểm sâu kéo kén và sinh sôi nảy nở nhiều nhất ở các lá cây muồng. Nhưng loại nhộng sâu này khá hiếm, không phải ở khu rừng nào cũng có...".

Chị Nhu cho hay, loài bướm muồng đẻ trứng trên lá cây muồng rồi nở thành sâu muồng, một thời gian sau đóng kén lại thành nhộng muồng nằm dưới các tán lá xanh. Thời điểm nắng nóng hầm hập đầu hè là chúng tôi bắt đầu đi nhặt nhộng sâu muồng về chế biến.

"Trời nắng nóng, trong rừng cũng nắng nóng, nhưng chỉ cần vạch 1 chiếc lá lên sẽ thấy khoảng 6 – 7 con nhộng muồng bám vào. Có thời điểm tôi nhặt nhộng sâu được nhiều, gia đình không ăn hết mang ra chợ bán cũng được 80.000 – 90.000 đồng/kg", chị Nhu tiết lộ.

Đặc sản nhộng sâu muồng được đồng bào dân tộc Thái (đen) chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như nhộng sâu muồng luộc chẩm chéo, xào măng chua, nhộng sâu muồng rang lá chanh hoặc sâu muồng làm sạch rồi ăn sống...

Nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món nhộng sâu muồng rang cùng với lá chanh. Bởi không chỉ đơn giản trong quá trình chế biến mà khi rang lên còn có mùi thơm khá độc đáo, khi ăn có vị ngọt bùi, béo ngậy trong miệng.

Nắng nóng thế này đi săn sâu muồng về... ăn sống-2
Nhộng sâu muồng trở thành món ăn đặc sản, hấp dẫn đươc nhiều thực khách ưa chuộng

Chị Nhu chia sẻ thêm: “Cách chế biến nhộng sâu muồng rất đơn giản, chúng ta chỉ cần đổ nhộng sâu vào rổ, rồi đem đi rửa qua nước sạch. Sau đó để ráo nước, cho ra bát tô trộn đều với một ít muối hay bột nêm, nước mắm cho ngấm.

Lá chanh rửa sạch thái chỉ, tỏi băm nhỏ. Khử dầu, cho nhộng sâu vào đảo đều đến lúc chín vàng và cho ít lá chanh vào là chúng ta đã có 1 món nhộng sâu muồng rang lá chanh thơm ngon, hấp dẫn.  Nhộng sâu rang có thể ăn với cơm nếp và làm mồi nhậu thì không rất tuyệt. Thời tiết mấy hôm nay nắng nóng thế này mà có sâu muồng rang lá chanh đưa với cơm thì còn gì bằng...”.

Với những vị khách nào đã từng lên mảnh đất (Sơn La) được thưởng thức món nhộng sâu, chắc chắn sẽ nhớ mãi cảm giác béo ngậy, ngọt bùi hương vị độc đáo của món đặc sản dân tộc này. 


Theo Dân Việt


đặc sản vùng cao

Tin tức mới nhất