Ngày mai áp thấp nhiệt đới đổ bộ, Sài Gòn có thể mưa lớn

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới sẽ vào các tỉnh Đông Nam Bộ. Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ sẽ có mưa rất to.



Tối 4/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) cho biết vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hồi 19h còn cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre 230 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 7-8.

Đêm nay và rạng sáng mai, áp thấp di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km.

 

Ngay mai ap thap nhiet doi do bo, Sai Gon co the mua lon hinh anh 1
Dự báo hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.

 

Đến 7h ngày 5/11, tâm áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển các tỉnh Bình Thuận tớ Bà Rịa - Vũng Tàu, sức gió không đổi. Áp thấp sau đó giữ hướng di chuyển và tốc độ, đi vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Cơ quan khí tượng cho biết ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên từ đêm ngày 4 đến hết ngày 5/11 Nam Bộ có mưa lớn, rải rác có dông với tổng lượng 50-150 mm, có nơi trên 200 mm. Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre… có nơi trên 100 mm.

Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có mưa vừa đến mưa lớn, tổng lượng 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

 

Ngay mai ap thap nhiet doi do bo, Sai Gon co the mua lon hinh anh 2
Người dân di chuyển đồ đạt lên khu vực cao để tránh nước ngập ở Phú Yên. Ảnh: La Hai.

 

Theo NCHMF, lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận, sông Srêpốk tại Bản Đôn (Đắk Lắk) tiếp tục xuống, sông Krông Ana tại Giang Sơn (Krông Bông, Đắk Lắk) đang lên. Đêm nay và sáng 5/11, lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại, các sông ở Bình Thuận sẽ lên.

Chiều 4/11, ông Hồ Văn Cư, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar (Đắk Lắk), cho biết mưa lớn ba ngày qua khiến 6 xã của huyện bị chia cắt, trong đó có 8 cụm dân cư bị ngập dẫn đến cô lập.

Theo thống kê đến chiều 4/11 có khoảng 500 ngôi nhà bị ngập. Trong đó có nhiều nơi ngập sâu 1-2 m. Đặc biệt chiều 3/11, anh Đào Văn Hòa (26 tuổi, ngụ xã Cư Giang) trong quá trình đi bắt cá thì bị lật thuyền dẫn đến tử vong.

 

Ngay mai ap thap nhiet doi do bo, Sai Gon co the mua lon hinh anh 3
Nhiều khu dân cư tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk bị chia cắt do mưa lũ. Ảnh: M.Q.

 

Còn tại huyện Krông Bông, theo ông Y Thức Êban, Phó chủ tịch UBND huyện, hơn 500 hộ dân đã bị nước lũ cô lập.

"Sáng nay huyện đã điều động 3 ca nô đến túc trực tại các đường vào xã có số hộ dân bị cô lập lớn. Lực lượng chức năng sẽ dùng ca nô vận chuyển người dân đi lại trong trường hợp có những công việc cần thiết như đau ốm, mua sắm thuốc men, lương thực", ông Thức nói.

Ông Thức cho biết thêm chiều 3/11, hơn 25 học sinh Trường tiểu học Sơn Phong (xã Hòa Phong) trên đường đi học về thì bị nước lũ chia cắt phải ở lại nhà người dân.

 

Ngay mai ap thap nhiet doi do bo, Sai Gon co the mua lon hinh anh 4
Người dân được cơ quan chức năng đưa qua lại những khu vực bị ngập. Ảnh: M.Q.

 

Sáng 4/11, lực lượng cứu hộ của huyện đã đưa các em về nhà an toàn. UBND huyện cũng đã chỉ đạo một số trường học tạm thời đóng cửa để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.

"Địa phương có gần 1.000 ha cây trồng của người dân bị ngập sâu trong nước, thiệt hại rất nặng nề. Mưa lớn đang tiếp tục nên khả năng nước sẽ còn dân cao", ông Thức nói.

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk, đến trưa 4/11, mưa lớn diễn tra trên toàn tỉnh khiến cho nhiều khu vực dân cư ở các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắk, Ea Súp… bị nước lũ bao vây.

Tại tỉnh Phú Yên, ngày 4/11, người dân ở 14 xã vùng rốn lũ thuộc 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân vẫn còn bị lũ cô lập. Người dân sống trong cảnh 2 ngày, 2 đêm sống không có điện, lương thực cạn kiệt.

 

Ngay mai ap thap nhiet doi do bo, Sai Gon co the mua lon hinh anh 5
Nhiều ngôi nhà ở Phú Yên vẫn còn cô lập do lụt. Ảnh: La Hai.

 

Tại huyện Tuy An, hàng trăm ngôi nhà thuộc xã An Định, An Dân vẫn còn chìm trong nước lũ.

Ông Trần Văn Muôn (ngụ xã An Định) cho biết điện thoại 2 ngày nay hết pin không liên lạc được, mới đây có người đi trên đường sắt xuống thị trấn Chí Thạnh nhờ họ sạc pin mang về.

"Lúa thóc, tủ bàn chìm trong nước nên tôi phải chạy qua nhà trên cao nấu cơm nhờ, ngủ ké. Có người hết gạo phải đi mượn lúa để giã gạo nấu ăn. Mệt mỏi quá rồi", ông Muôn than.

 

Theo Zing


áp thấp nhiệt đới Sài Gòn mưa to mưa to Sài Gòn

Tin tức mới nhất