Nghị lực của chàng trai Việt ngồi xe lăn làm việc cho công ty Singapore

Dù sớm mắc chứng bệnh teo cơ tuỷ phải ngồi trên xe lăn, nhưng nghị lực của mình, chàng trai trẻ Hoàng Quang Duy khiến nhiều người nể phục.

Tuổi thơ ngồi trên chiếc xe lăn

Ngồi trên chiếc xe lăn với đôi chân nhỏ thó đang dần teo lại, Hoàng Quang Duy cho biết, anh đã mắc căn bệnh teo cơ này từ khi còn là cậu bé 4 tuổi. Năm đó, Duy bị một trận sốt kéo dài và sau đó chân, tay bắt đầu có triệu chứng bị teo lại.

Mặc dù vẫn đi lại được nhưng cảm giác khó khăn hơn người bình thường. Việc đi đứng khó khăn, dáng đi cũng khác mọi người khiến Duy thường xuyên bị trêu chọc mỗi lần đến lớp. Nhưng điều buồn nhất với Duy không chỉ là bị bạn bè trêu chọc mà tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.

Nghị lực của chàng trai Việt ngồi xe lăn làm việc cho công ty Singapore-1
Nghị lực phi thường của Duy khiến nhiều người thán phục


Đến năm lên cấp 3, Duy không thể tự mình đi lại được nên bố mẹ phải thay phiên nhau chở Duy đến trường. Có nhiều hôm trái gió trở trời, Duy phải nhờ bố mẹ hoặc bạn bè cõng lên tận lớp vì chân quá yếu không thể tự mình leo cầu thang.

Thấy sức khỏe mình không thể tiếp tục con đường học tập, cuối năm lớp 12, Duy không nộp hồ sơ thi đại học mà quyết định ở nhà. “Nhìn thấy bạn bè đi thi và đỗ vào các trường đại học, mình cũng thấy chạnh lòng. Thế nhưng, nếu mình đi thi có đỗ đại học thì cũng không có đủ sức khỏe để đến trường. Ở nhà, có ba mẹ giúp đỡ chứ ở xa ai đưa mình đi học”, Duy buồn bã tâm sự.

Rồi một ngày, chân Duy không thể đi lại được và buộc phải sử dụng xe lăn. Tuy nhiên, đôi tay cũng yếu nên việc điều khiển xe lăn gặp rất nhiều khó khăn.

Thấy bệnh Duy ngày càng nặng, năm 2010, gia đình đưa Duy ra Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám. Tại đây, Duy được chuẩn đoán bị mắc chứng bệnh teo cơ tiến triển hiếm gặp có tên là teo cơ tủy (SMA type 3).

Và hành trình trở thành lập trình viên cho một công ty nước ngoài

Dù không thể tiếp tục con đường học hành như bạn bè cùng trang lứa, nhưng Hoàng Quang Duy lại tìm được niềm đam mê với chiếc máy tính.

Duy tâm sự: “Lúc còn học cấp 3, mình đã thích tìm hiểu về máy tính. Nhờ có người anh họ giúp đỡ, mình mượn các tài liệu về máy tính, các phần mềm cài mạng, rồi tự đọc, tự tìm hiểu và lên mạng nghiên cứu, nên chỉ sau một thời gian mình đã có thể tự lập trình website.

Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, mình bắt đầu kiếm tiền trên mạng bằng cách lập blog. Qua đó, mình cũng đã kiếm được một khoản thu nhập cho bản thân và tự trang bị một số kiến thức về máy tính cần thiết sau này”.

Đầu năm 2011, bằng số tiền tích góp cũng như kỹ năng lập trình tự học, Duy đã đưa vào hoạt động một website bán hàng tích hợp thanh toán trực tuyến. Duy cho biết, đây là website bán quà tặng trực tuyến đầu tiên ở thành phố Đồng Hới. Tuy nhiên, do những khó khăn khi không thể tự đi lại được, Duy quyết định dừng việc kinh doanh trên mạng.
 

Nghị lực của chàng trai Việt ngồi xe lăn làm việc cho công ty Singapore-2
Hoàng Quang Duy tham gia giảng dạy buổi tập huấn tin học cơ bản cho thành viên CLB thanh niên khuyết tật tỉnh Quảng Bình


Thế nhưng, cuối năm 2012, qua một mẫu tin tuyển dụng trên mạng, Duy đã nộp hồ sơ vào Công ty Genashtim, một công ty chuyên về các hoạt động trực tuyến của Singapore.

Duy chia sẻ: “Bình thường mình hay lên mạng tự học tiếng Anh, nên khi được Công ty Genashtim yêu cầu phỏng vấn trực tuyến, mình đã hoàn thành tương đối tốt những câu trả lời bằng tiếng Anh. Điều kiện mà công ty đưa ra là chỉ còn có kỹ năng tốt về máy tính mà không hề yêu cầu về bằng cấp. Khi biết đã trúng tuyển, mình đã rất bất ngờ và vui mừng”.

Duy chia sẻ thêm, điều khiến anh vui mừng và bớt cảm thấy tự ti hơn là công ty cũng có rất nhiều nhân viên là người khuyết tật đến từ các nước trên thế giới.

Sau một thời gian được công ty đào tạo thêm về máy tính và kỹ năng tiếng Anh, đầu năm 2013, Duy được nhận vào làm chính thức. Qua vài tháng thử thách về năng lực, Duy được đưa vào bộ phận hỗ trợ kỹ thuật và hiện tại là một lập trình viên.

Nói về công việc hàng ngày của mình, Duy cho biết: “Mỗi ngày mình chỉ làm việc 4 tiếng. Do yêu cầu công việc là phải tương tác trên máy tính, nên mình chỉ việc ở nhà và làm việc theo sự điều hành của công ty. Việc mình cần phải làm trong 4 tiếng bao gồm lập trình, sửa chữa hoặc cài đặt phần mềm máy tính trực tuyến cho khách hàng”.

Đặc biệt, vào đầu tháng 5 vừa qua, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình đã mời Duy tham gia giảng dạy buổi tập huấn tin học cơ bản cho thành viên CLB thanh niên khuyết tật tỉnh.

“Đây là một vinh dự lớn cho bản thân mình. Dù bạn thiếu may mắn nhưng nếu biết cố gắng phấn đấu thì công sức của bạn sẽ được ghi nhận. Mình rất mong các bạn thanh niên khuyết tật khác cũng sẽ tự tin vượt qua mặc cảm và tìm được hướng đi phù hợp với bản thân”, Hoàng Quang Duy tâm sự.
 


Theo Dân Trí


giới trẻ

Tin tức mới nhất