Người đàn ông bị tật bán vé số hơn 30 năm ở Sài Gòn để nuôi vợ

Dù bị dị tật 2 cánh tay từ nhỏ nhưng hơn 30 năm qua, ông Ngô Văn Oai vẫn mưu sinh bằng nghề bán vé số, để có tiền trang trải cuộc sống và mua thuốc chữa bệnh cho vợ mỗi ngày.

Ông Ngô Văn Oai (50 tuổi) quê gốc ở Bình Dương, từ nhỏ đã theo gia đình lên Sài Gòn để mưu sinh lập nghiệp. Gia đình ông có ít nhất 10 người anh em chung sống dưới căn nhà nhỏ ở đường Bạch Đằng, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM, sau này lớn lên các anh em đều lập gia đình và có tổ ấm riêng.

Ông Oai từ nhỏ sinh ra đã bị dị tật 2 cánh tay nên phải sống chung với cha mẹ. Hai cánh tay ông bị co ngắn, đôi bàn tay teo nhỏ nên việc sinh hoạt rất khó khăn, đôi lúc việc sinh hoạt tắm rửa ông phải nhờ sự giúp đỡ của vợ. 


Từ lúc sinh ra, ông Oai đã không có 2 cánh tay bình thường như người khác.

Ông tâm sự: "Lúc chào đời, mọi bộ phận trên cơ thể tôi đều đầy đủ, riêng 2 cánh tay thì không có, sau này lớn lên chúng mọc dần ra nhưng chiều dài cánh tay và bàn tay rất ngắn và nhỏ". Bà Thu, vợ ông Oai cho biết: "Hằng ngày tôi phải thường xuyên chăm sóc và tắm rửa cho ổng, những lúc đi vắng thì nhờ bố tôi qua giúp đỡ. Do sống trong căn nhà nhỏ chật chội, hai vợ chồng ông quyết định ra thuê căn phòng riêng ở con hẻm khác trên đường Bạch Đằng, cũng gần nhà bố mẹ, nhỡ có việc gì thì có thể qua lại hỗ trợ lẫn nhau".


Bà Thu chải tóc cho chồng.

Hằng ngày, cứ 6h sáng ông Oai được vợ chăm sóc, thay áo quần tươm tất, sau đó được bà đưa đến khu vực nhà thờ Đức Bà để bán vé số, đến trưa ông lại về nghỉ ngơi 1,2 tiếng đồng hồ rồi đến chiều tiếp tục đi bán, công việc này gắn bó với ông hơn 30 năm nay. Ông chia sẻ: “Thời thanh niên sức khỏe còn dẻo dai thì đi được nhiều nơi, bán nhiều hơn, nay lớn tuổi mà sức khỏe cũng hạn chế nên mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng 100 tờ vé số.”
“Đi bán vé số phải đi lại suốt ngoài đường, những ngày nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì khổ lắm, phải mặc áo mưa để đi bán, mưa thì chỉ sợ ướt hư vé số chứ mình ướt thì cũng không sao”, ông tâm sự.


Công việc này gắn bó với ông hơn 30 năm nay.

Thấy ông bị tật nguyền, khó khăn nên nhiều người cũng tỏ lòng hảo tâm giúp đỡ, một số người khách không chỉ mua vé số ủng hộ mà còn cho thêm tiền để giúp ông đỡ vất vả hơn; mỗi ngày ông bán được 100 tờ vé số, thu nhập khoảng 120 ngàn đồng, số tiền này ông không chỉ dùng để trang trải cuộc sống mà phải còn lo tiền thuốc men cho vợ, nên hai vợ chồng phải tiết kiệm hết mức có thể.


Giữa trưa nắng oi bức của Sài Gòn, ông Oai băng qua đường
giữa dòng xe đông đúc để đến khu vực mình thường bán vé số.
.

Bà Thu trước đây cũng buôn bán để phụ giúp với ông, từ ngày đổ bệnh, bà chỉ biết ở nhà lo mấy chuyện lặt vặt và chăm sóc cho ông, buổi tối bà cũng tranh thủ đẩy xe hủ tiếu và đi phụ bán với bà hàng xóm, bà hàng xóm thấy thương tình cũng cho vài ba chục ngàn để sống qua ngày.

Bà Thu bộc bạch: “Những lúc túng quẫn không có tiền, 2 vợ chồng lại vay tiền của chị bán cà phê đầu hẻm để đóng tiền nhà, đến lúc có tiền thì trả lại.” Cuộc sống của hai vợ chồng luẩn quẩn với bệnh tật và nghèo khó nên lãnh đạo chính quyền phường 24, quận Bình Thạnh mỗi tháng cũng trợ cấp cho ông 250 ngàn đồng để giúp đỡ hai vợ chồng bớt khó khăn hơn.


Thấy ông bị tật nguyền nhưng vẫn đi bán vé số, nhiều người không
chỉ mua vé số ủng hộ mà còn cho ông thêm tiền để giúp đỡ ông.


Ngoài bị dị tật 2 cánh tay, ông Oai còn mắc phải căn bệnh tim quái ác nên nhiều lúc đi bán vé số giữa trưa nắng thì bị ngất xỉu, mọi người thấy vậy cũng dìu ông vào nghỉ ngơi và gọi điện cho chị Thu đến đón ông về. Thân hình gầy còm với cân nặng hơn 30kg, hằng ngày ông vẫn phải rong ruổi khắp các tuyến đường của Sài Gòn để mưu sinh.


Khu vực ông thường bán vé số thường là ở trung tâm quận 1 như
Nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, đường Nguyễn Huệ.


Ông tâm sự: “Kiếm được đồng tiền từ mồ hôi nước măt mình làm ra lúc nào cũng hạnh phúc hơn bất cứ thứ gì, bây giờ còn sức khỏe thì tôi cứ tiếp tục nghiệp vé số để lo cho cuộc sống hai vợ chồng, còn khi nào không đi được nữa thì... tính tiếp".

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất