Người đứng sau sự 'thành công' của Việt Á và Phan Quốc Việt

Theo kết luận điều tra, ông Hùng đã tác động để Việt Á được tham gia nghiên cứu được cấp số đăng ký và sản xuất bán kit xét nghiệm Covid-19 ra thị trường.

Trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) về tội Nhận hối lộ.

Ông Hùng có thể coi là người "dẫn mối", chỉ dẫn, hỗ trợ đắc lực cho Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Việt Á trong vụ án này.

Theo đó, Hùng có mối quan hệ thân thiết với Phan Quốc Việt từ khi Công ty Việt Á phối hợp Học viện Quân y thực hiện Đề tài nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm vi khuẩn Lao do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt năm 2012-2013.

Người đứng sau sự thành công của Việt Á và Phan Quốc Việt-1
Ông Trịnh Thanh Hùng (Ảnh: Nam Yến).

Vì vậy, sau khi Học viện Quân y có văn bản gửi Bộ KH&CN đề xuất thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, ông Hùng đã có hàng loạt những hành vi giúp Việt Á được tham gia nghiên cứu, được cấp số đăng ký và sản xuất bán ra thị trường.

Cụ thể, ông Hùng yêu cầu ông Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự) phải cho Việt Á vào danh sách đề xuất là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu.

Theo kết luận điều tra, ông Sơn và Học viện Quân y "không đồng ý không được", vì họ phụ thuộc vào Hùng.

Từ đó, Bộ KH&CN có nhiều quyết định liên quan đến Đề tài nghiên cứu, trong đó có phê duyệt giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện.

Quá trình Việt Á tham gia nghiên cứu Đề tài, Hùng tiếp tục thông đồng với Việt và tham mưu đề xuất ông Tạc ký Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài.

Trong biên bản nghiệm thu có nội dung đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, ông Hùng cung cấp cho Việt Á để công ty này sử dụng lập hồ sơ đăng ký gửi Vụ trang thiết bị & Công trình y tế.

Ông Hùng sau đó còn tác động giúp Việt Á được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định đánh giá chất lượng kit xét nghiệm và tác động Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit xét nghiệm trái quy định của pháp luật.

Theo kết luận điều tra, sau khi Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit xét nghiệm, ông Hùng đã tham mưu đề xuất và dự thảo nội dung để lãnh đạo Bộ KH&CN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu Đề tài. 

Đồng thời, Bộ KH&CN ra thông cáo báo chí thể hiện "Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á, năng lực sản xuất của Công ty Việt Á".

Ông Hùng chính là người đã tham mưu, đề xuất để ông Chu Ngọc Anh ký Quyết định khen thưởng và ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á không đúng thẩm quyền, không đúng thành tích; cung cấp thông tin để các cơ quan báo chí đăng thông tin tuyên truyền không đúng sự thật, tạo điều kiện quảng bá hình ảnh cho Việt Á và sản phẩm kit xét nghiệm của công ty.

Kết luận điều tra của Bộ Công an còn chỉ ra, quá trình Việt Á sản xuất, tiêu thụ test, ông Hùng còn thỏa thuận ăn chia % doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ kit xét nghiệm với Việt.

Theo đó, Việt đã 2 lần đưa Hùng tổng số tiền 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng) tại nhà riêng của ông Hùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Việc đưa nhận tiền trên, lời khai của ông Hùng và Việt trùng khớp.

Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với mục đích để Việt Á chiếm đoạt, biến kit test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, lãnh đạo Bộ, địa phương để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.

Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ.

Bộ Y tế sau đó kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.

Trong 2 năm, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu kit test và được thanh toán gần 6 triệu kit test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng).

Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một kit test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/phap-luat/nguoi-dung-sau-su-thanh-cong-cua-viet-a-va-phan-quoc-viet-20230827144801810.htm?fbclid=IwAR1OEF_xgCpDGLHcmRhhv_Vzz-G686SCwtNk14JJIAKzKAdNYy4H1BY-Mzw

Việt Á COVID-19

Tin tức mới nhất