Nhập hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ ngay khi khai sinh

Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”.



Hiện nay, các quy trình khai sinh, đăng ký hộ khẩu, làm bảo hiểm y tế cho trẻ vẫn tách biệt nhau, do các cơ quan khác nhau thực hiện.
 
Mục tiêu của Đề án nhằm đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục, giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên; nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc giải quyết các công việc của người dân.

Theo Đề án được Thủ tướng phê duyệt, việc liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện liên thông. Áp dụng nguyên tắc kế thừa kết quả giải quyết thủ tục hành chính nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người dân trong việc chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ.

Thời hạn giải quyết liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 15 ngày làm việc; liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 20 ngày làm việc.

Lập Cục Kiểm soát tài nguyên, môi trường biển đảo

Cũng trong ngày 1/8/2014, Thủ tướng ký quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao các nhiệm vụ và quyền hạn, như nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án và công trình quan trọng quốc gia phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.

Cục này được tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, đề án về quốc phòng, an ninh, ngoại giao liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo; các cơ chế, chính sách về quản lý các ngành, nghề khai thác sử dụng tài nguyên biển do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng.

Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo thực hiện việc quản lý, điều tra cơ bản về biển, hải đảo, trong đó có việc chủ trì xây dựng chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển, đại dương; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp phép đối với hoạt động nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngoài ra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam còn được giao thực hiện các nhiệm vụ như: Quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng biển và hải đảo; kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng biển, ven biển và hải đảo Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ..v.v.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có 16 đầu mối về cơ cấu, tổ chức, trong đó có các đơn vị như: Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Cục quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; Cục quản lý khai thác biển và hải đảo; Viện nghiên cứu biển và hải đảo.
 
Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất