Nỗi buồn phía sau danh hiệu 'hiệp sĩ đường phố'

Tham gia công việc săn bắt cướp, Lê Quang Bình (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) – một hiệp sĩ trong đội săn bắt cướp TP HCM không mong nhận được sự đền đáp, trả ơn của mọi người.

Nỗi buồn phía sau danh hiệu hiệp sĩ đường phố-1
Lê Quang Bình và Lâm Hiếu Long trong một lần giao lưu cùng báo chí.

Mong ước làm công an đi bắt cướp

Ngày còn nhỏ, đã không ít lần Bình chứng kiến những nạn nhân trong các vụ trộm cướp đau đớn vì tai nạn, gào khóc khản cổ không ai giúp. Còn những tên trộm thì cứ ngang nhiên lộng hành cướp giật giữa ban ngày, ăn cướp còn đe dọa nạn nhân... Chính những lúc như vậy, Bình đã mong mình có sức mạnh để bắt được thủ phạm, trả lại tài sản cho người bị hại... Tuy nhiên, do tuổi còn nhỏ nên Bình “lực bất tòng tâm”.

Ước mơ trở thành chú công an đi bắt cướp cũng lớn lên trong Bình từ đó. Năm lên lớp 11, qua sách báo Bình biết đến nhóm hiệp sĩ đường phố do anh Nguyễn Văn Minh Tiến làm trưởng nhóm nổi tiếng với những pha bắt cướp ngoạn mục, giúp ích được cho nhiều người. Bình đã mạnh dạn xin gia nhập vào nhóm của hiệp sĩ Tiến để thỏa đam mê.

Bình vẫn còn nhớ như in cảm giác đầu tiên khi được tham gia vào công việc săn bắt cướp. “Khi đó tôi cùng hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến và hiệp sĩ Lâm Hiếu Long đang đi tuần trên đường Lê Văn Sỹ thì phát hiện 2 đối tượng đi trên chiếc xe sirius cướp giật điện thoại của 1 cô gái. Anh Tiến liền hô tôi với anh Long nhanh chóng bám theo. Rượt đuổi một vòng qua các con phố, chúng tôi cũng bắt được đối tượng về công an phường. Ngày ấy tôi cũng không hiểu sao mọi người có thể phát hiện ra đối tượng nhanh như vậy. Và do anh Long chạy xe với tốc độ cao khiến tôi cũng run sợ. Nhưng qua 1, 2 lần tôi dần quen và cảm thấy yêu công việc này hơn”, Bình chia sẻ.

Bước vào ngưỡng cửa đại học, gia đình đã hướng Bình đi theo một con đường khác nên anh cũng đành tạm gác ước mơ của thời trai trẻ. Tuy nhiên, năm 2011 có một sự việc xảy ra đã đưa Bình trở lại con đường làm “hiệp sĩ”.

Hôm đó, Bình đi chơi với một người bạn, người này vô tình bị bọn cướp giật mất điện thoại, đúng lúc đó anh gặp Lâm Hiếu Long – một người bạn anh quen từ khi còn tham gia vào nhóm của hiệp sĩ Tiến giúp đỡ, lấy lại điện thoại. Chính sự việc lần đó, khiến máu bắt cướp trong Bình lại trỗi dậy. Anh xin gia nhập vào nhóm săn bắt cướp do Lâm Hiếu Long làm trưởng nhóm.

Hiện tại, Bình đang làm nhân viên an ninh tại sân bay, công việc không bị bó buộc theo giờ hành chính cũng giúp anh có thêm nhiều thời gian cho đam mê thứ 2. Nhiều anh em cùng cơ quan khi biết Bình tham gia công việc săn bắt cướp cũng ủng hộ, luôn tạo điều kiện hết sức trong công việc. Vui khi được theo đuổi đam mê, nhưng chính công việc này cũng khiến cho Bình có không ít nỗi buồn, sự muộn phiền.

Chỉ cần người bị hại hợp tác, không mong được trả ơn

Khi biết Bình tham gia công việc bắt cướp, mẹ Bình đã không ít lần phản đối, thậm chí nặng lời với anh. Những lúc như vậy, Bình chỉ biết đáp lại mẹ: “Tại sao mình làm việc tốt mà mình lại phải sợ? Hơn nữa con có nghiệp vụ, việc nào con cảm thấy làm được con mới làm nên mẹ hãy yên tâm”. Thấy được sự cương quyết của con trai, người mẹ cũng chỉ biết cầu may mắn đến với con.

Nhưng có lẽ đối với Bình, nỗi buồn lớn hơn chính là thái độ dửng dưng của chính những người trong cuộc, của những người dân xung quanh khi nhìn thấy trộm cướp, vi phạm pháp luật.

Bình vẫn còn nhớ như in sự việc vào năm 2011, khi anh cùng đội mải bắt cướp, đến lúc quay lại chiếc xe của anh đã không cánh mà bay. Vào thời điểm đó, nhóm của Bình gồm 3 người trong đó có cả “hiệp sĩ” Minh Tiến đang đi trên đường khu vực quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh thì phát hiện 2 thanh niên trộm một chiếc xe máy từ một ngôi nhà trong hẻm.

Chỉ chờ có vậy, cả 3 “hiệp sĩ” rồ ga đuổi theo thì bị đồng bọn của tên trộm vừa cản đường, vừa dùng dây xích tấn công nhóm “hiệp sĩ” một cách quyết liệt. Không ngại nguy hiểm, các hiệp sĩ vẫn truy đuổi tên trộm qua nhiều con đường. Sau một hồi giằng co nhóm hiệp sĩ của Bình đã bắt gọn tên trộm đưa về công an phường.

Tuy nhiên, khi quay trở lại, chiếc xe của Bình đã không cánh mà bay. Một số người chứng kiến cho biết lúc đó, thấy một thanh niên đến lấy xe máy chạy đi nhưng họ nghĩ là đồng đội của nhóm “hiệp sĩ” nên không phản ứng.

“Sau sự việc ngày hôm đó, tôi thấy buồn vì khi chúng tôi chống trả với tên tội phạm hung hãn thì không một ai dám xông vào hỗ trợ. Thế nhưng, sau khi tên trộm bị anh Tiến khống chế, nhiều người lại thể hiện lòng “dũng cảm” bằng cách lao vào đấm, đá “hôi” tên trộm”, Bình tâm sự.

Không những không nhận được sự giúp đỡ từ phía người dân, Bình cùng các thành viên trong đội còn không ít lần nhận được sự bất hợp tác của chính những nạn nhân trong các vụ cướp giật. Bình kể, cách đây gần một năm, khi đang đi trên đường Tây Thạnh, quận Tân Bình, Bình cùng với thành viên trong đội bắt được đối tượng giật điện thoại của 2 cô nhân viên văn phòng. Bình đã đuổi theo đối tượng, lấy lại được chiếc điện thoại cho nạn nhân và sau đó mời họ lên phường để trình báo sự việc.

Tuy nhiên, hai cô gái đó lại tỏ thái độ không hợp tác, không muốn lên phường và nói rằng “tôi bị cướp tôi cũng bỏ luôn chứ các anh làm thế này mất thời gian của chúng tôi quá”. Lúc đó Bình cùng các thành viên trong nhóm cố gắng giải thích: “Chị làm thế này là tiếp tay cho bọn tội phạm tiếp tục cướp giật của những người sau nữa. Việc lên công an phường trình báo không còn là quyền mà là nghĩa vụ của chị để đấu tranh chống lại tội phạm”.

“Lúc đó thực sự mình cũng rất buồn khi mình đã tốn công sức, thời gian nhưng lại phải nhận lại những thái độ như vậy. Nhưng cứ mỗi khi có một thành viên trong nhóm buồn phiền thì các thành viên còn lại lại động viên “mình làm công việc này vì cái tâm và đam mê, không nên vì một số đối tượng như vậy mà buông xuôi, bỏ cuộc. Miễn sao mình loại bỏ được những đối tượng tội phạm cho xã hội. Được mọi người động viên mình lại cố gắng tiếp tục”, Bình tâm sự.

Nở nụ cười Bình chia sẻ với chúng tôi: “Mình làm công việc này không cần người ta phải đền đáp, mình chỉ cần người ta hỗ trợ ngược lại với mình để đối tượng bị khởi tố, để loại bỏ bớt một đối tượng xấu cho xã hội. Mình cũng mong muốn, mọi người hãy cảnh giác khi ra đường, tránh để tài sản có giá trị một cách hớ hênh mà rơi vào tầm ngắm của kẻ cướp, đó cũng là một cách phòng chống tội phạm hiệu quả”.
 


Theo Gia đình và Xã hội


HIệp sĩ cướp giật pháp luật

Tin tức mới nhất