Nỗi đau nữ sinh bị hàng xóm ép buộc, trai làng tung ảnh 'nóng' lên mạng

Nhân viên sửa điện thoại phát hiện "ảnh nóng" trong máy đã phát tán tất cả cho thanh niên trong làng. Sau khi tận mắt xem ảnh và clip, bà M.- mẹ T. suýt ngất xỉu.

13 năm là tư vấn viên của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, chị Phan Lan Hương đã nhận được không biết bao nhiêu cuộc gọi khiến chị đau lòng, thậm chí là ám ảnh nhiều thời gian sau đó.

Câu chuyện về một cô bé ở Tây Nguyên cách đây 3 năm là một trong số những trường hợp mà chị còn nhớ tới tận bây giờ.

Những bức ảnh khiến trẻ trở thành người khuyết tật tinh thần

Người gọi tới tổng đài là mẹ cô bé với lời đề nghị xin được tư vấn nên làm thế nào với cô con gái đang bị trầm cảm, đã cố tự tử 2 lần nhưng may mắn thoát chết.

Nguyên nhân khiến cô bé 17 tuổi mắc bệnh trầm cảm là một câu chuyện dài bắt đầu từ năm em học lớp 9.

Vốn là một cô bé ngoan ngoãn, học giỏi, thích trẻ con, T. thường xuyên sang nhà hàng xóm chơi với em bé. Ông Q. - hàng xóm của T. thấy cô bé hay sang nhà mình chơi với cháu, liền đề nghị mỗi lần "trông trẻ", ông sẽ cho T. 50 nghìn đồng - một số tiền lớn với đứa trẻ nông thôn lúc ấy. 

Nhưng một hôm, khi T. sang chơi, ông Q. mời cô bé một cốc nước. Không mảy may nghi ngờ, T. uống hết. Khi tỉnh dậy, cô bé thấy ông Q. nằm cạnh mình, còn T. thì đang không mặc gì bên cạnh.

Theo lời kể của T. sau này, ông Q. còn cho cô bé xem những bức ảnh và clip mà ông ta đã chụp và quay lại cảnh xâm hại T.

Nỗi đau nữ sinh bị hàng xóm ép buộc, trai làng tung ảnh nóng lên mạng-1
Không gian mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ em nếu không được trang bị kỹ năng.

Cứ như thế, với "vũ khí đe doạ" trong tay, ông già hơn 60 tuổi bắt T. phục vụ mình suốt mấy năm trời. Sự việc vỡ lở khi điện thoại của ông Q. bị hỏng, phải mang ra cửa hàng sửa.

Lúc này, nhân viên sửa điện thoại phát hiện "ảnh nóng" trong máy đã phát tán tất cả cho thanh niên trong làng. Sau khi tận mắt xem ảnh và clip, bà M.- mẹ T. suýt ngất xỉu. Bà về nhà, oà lên khóc nức nở.

Từ đó, T. không bị là nạn nhân của ông Q. nữa, nhưng cô bé lại rơi vào một thảm cảnh khác. Cô bị cả làng dè bỉu, lên án "làm gái" với lý do "không làm gái thì sao lại cầm tiền của người ta".

T. suy sụp, rơi vào trầm cảm nặng. Cô bé đã cố tự tử 2 lần. Một lần T. treo cổ nhưng may bà M. về kịp. Một lần khác, T. lao ra đường nhưng may mắn ô tô tránh được. Gia đình vốn đã khó khăn, bà M. lại phải nghỉ ở nhà để trông con, sợ con làm liều.

Không có tiền cho con đi trị liệu hay tư vấn tâm lý ở những thành phố lớn, hai vợ chồng bà đành gọi lên tổng đài nhờ giúp đỡ.

"Cứ 1-2 tuần, tôi lại gọi cho bố mẹ cháu một lần. Và khi nào có biến cố hay chuyển biến gì, bố mẹ cháu lại gọi cho tôi. Vì ở xa, không biết làm thế nào nên tôi có tặng cô bé vài cuốn sách kỹ năng sống, tạo động lực để giúp con lấy lại giá trị của bản thân mình" - chị Hương chia sẻ.

Chị đánh giá, với những trường hợp như thế này thì việc trẻ bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội đã khiến đứa trẻ từ một người bình thường trở thành người tàn phế về mặt tinh thần.

Với kinh nghiệm 13 năm trong nghề, chị Hương cho biết, các trường hợp gọi tới tổng đài 111 có liên quan tới mạng xã hội, công nghệ trong những năm gần đây tăng rõ rệt.

"Thường thì trẻ ở tuổi dậy thì, đặc biệt là học sinh cấp 2, sử dụng Internet nhiều, có nhu cầu kết bạn nhiều nhất và cũng là đối tượng dễ rơi vào cạm bẫy nhất".

"Các con sử dụng mạng xã hội nhiều nhưng chưa có kỹ năng bảo vệ mình. Bây giờ trẻ có thể tham gia rất nhiều hội nhóm kín, thổ lộ rất nhiều điều riêng tư trong đó mà không nghĩ rằng đến một ngày nào đó những thông tin ấy có thể được sử dụng để tẩy chay, bêu riếu, làm hại các em".

Đi xin việc, nữ sinh bị xâm hại đau đớn

Một trường hợp kinh khủng khác xảy ra vào mùa hè năm ngoái được chị Hương kể lại. "Cô bé học lớp 11 tìm việc làm thêm trên mạng vào dịp nghỉ hè. Khi đọc được thông báo tuyển dụng ở một đơn vị, cô bé liên hệ và được hẹn tới phỏng vấn vào một ngày chủ nhật".

Khi nữ sinh này đến nơi thì chỉ có duy nhất một người đàn ông xuất hiện. Như đã âm mưu từ trước, kẻ đó đã xâm hại cô bé ở đây.

"Về nhà, con không dám kể với ai, mà gọi đến tổng đài chia sẻ".

Nỗi đau nữ sinh bị hàng xóm ép buộc, trai làng tung ảnh nóng lên mạng-2
Chị Phan Lan Hương - tư vấn viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cục Bảo vệ trẻ em. 

Chị Hương cho biết, mặc dù không gặp mặt trực tiếp nhưng giao tiếp qua không gian mạng nảy sinh rất nhiều hình thức lừa đảo, lạm dụng khác nhau gây tổn thương cho trẻ em.

"Trong cuộc sống thực có những hình thức tội phạm nào thì trên mạng cũng có đầy đủ những thứ đó. Nhiều em dù đã học cấp 2, cấp 3 nhưng vẫn còn rất nhẹ dạ, cả tin. Chỉ cần một người xa lạ tỏ ra quan tâm, hỏi han hằng ngày là các em tin rằng đó là người tốt, là người mà mình có thể tin tưởng".

Chị nhớ lại một trường hợp lừa đảo qua mạng của một nữ sinh ở Ninh Bình. "Bạn này quen một người nước ngoài qua mạng. Hai người trò chuyện, yêu đương nhau. Đến một hôm người kia nói có gửi món quà rất giá trị từ nước ngoài về. Một người giả làm nhân viên bưu điện đã gọi cho bạn, yêu cầu nộp lệ phí gì đó mới được nhận quà".

"Cuối cùng, cô bé lấy trộm mấy chục triệu của bố mẹ để đưa cho kẻ lừa đảo, mà quà thì chẳng thấy đâu".

Hay có những trường hợp quen biết, yêu đương qua mạng rồi bỏ nhà theo bạn trai đi nhiều ngày trời, thậm chí có bạn bị lừa sang cả bên kia biên giới. Sau đó, bạn mới gọi Zalo về cho bố mẹ giải cứu. "Lúc này mọi chuyện đã trở nên rất phức tạp" - chị Hương nói.

Theo kinh nghiệm của chị, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và bảo vệ trẻ khi dùng điện thoại và mạng xã hội. "Cha mẹ nên đặt ra những quy định khi cho trẻ sử dụng mạng xã hội, điện thoại và nên đưa ra hình phạt rõ ràng nếu trẻ vi phạm. Hình phạt này hãy để trẻ tự lựa chọn".

"Ngoài ra, phụ huynh cần dạy cho trẻ các kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, đặc biệt là kỹ năng chống xâm hại trên mạng xã hội. Những kiến thức ấy giống như ‘liều vắc-xin’, giúp trẻ lần sau nếu gặp sẽ được miễn dịch".

Chia sẻ về vai trò của phụ huynh trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ con em mình là cha mẹ hãy trò chuyện, làm bạn với con để các con tự chia sẻ các vấn đề của mình với bố mẹ.

"Khi các em nói ra được vấn đề của mình thì phụ huynh mới có thể trợ giúp hoặc tìm đến các cơ quan chức năng. Việc làm bạn với con trên môi trường mạng cũng như trong đời thường là một trong những cách để bảo vệ con em mình một cách tốt nhất". 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/noi-dau-nu-sinh-bi-hang-xom-ep-buoc-trai-lang-tung-anh-nong-len-mang-627674.html

xâm hại

Tin tức mới nhất