Pakistan "cuồng loạn" với nắng nóng

Theo thống kê mới nhất của chính phủ Pakistan, chỉ từ ngày 20/6 đến nay đã có hơn 1.000 người chết vì nắng nóng. Đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chỗ chôn cất nạn nhân.

Thành phố Karachi lớn nhất Pakistan, đồng thời là cửa ngõ kinh tế của nước này, đã phải vất vả ứng phó với tình trạng người tử vong hàng loạt kể từ khi đợt nắng nóng bắt đầu vào tuần trước.
 
Các bệnh viện đều quá tải, trong khi các trung tâm điều trị sốc nhiệt đã được dựng lên khắp thành phố. Nguồn tin y tế cho biết, các bệnh viện tại Karachi đã điều trị cho gần 80.000 người bị sốc nhiệt và mất nước.
 
Thi thể chất đống, chưa có chỗ chôn cất.
 
Chỉ trong vài ngày, hơn 500 hố chôn đã được đào thêm tại hai khu nghĩa trang lớn ở thành phố Karachi để làm nơi an nghỉ cho những người thiệt mạng vì nắng nóng. Nhà xác ở Karachi đã quá tải. Các thi thể chất chồng lên nhau thành nhiều lớp. Một số gia đình phải đặt xác người nhà bên ngoài nhà xác.
 
Hầu hết người già và trẻ em là những nạn của đợt nắng nóng.
 
Công ty Đô thị Karachi cũng đã lập trại quản lý bên ngoài những nghĩa trang nhằm ngăn chặn tình trạng nâng giá chi phí chôn cất và thực hiện các nghi lễ tiễn đưa người đã khuất. Chính phủ quốc gia Nam Á đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
 
Người dân quốc gia Hồi giáo Pakistan đang vật lộn với nhiệt 45 độ C trong 6 ngày qua, gần chạm mốc 47 độ C từng ghi nhận tại Karachi hồi tháng 6/1979.
 
Người dân đang thiếu nước nghiêm trọng.
 
Trong khi đó, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc người dân thiếu kiến thức về sốc nhiệt như cách phát hiện các triệu chứng và điều trị là nguyên nhân góp phần khiến nhiều người thiệt mạng. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi tình trạng mất điện khiến các thiết bị làm mát ngừng hoạt động và gián đoạn việc cung cấp nước.
 
Trong khi đó, chính phủ Pakistan như đang đứng trên đống lửa và bị chỉ trích dữ dội. Người dân cho rằng, Chính phủ đã không chuẩn bị và ứng phó tương xứng với tình hình thời tiết khắc nghiệt.
 
Cậu bé trong tình trạng sốc nhiệt, say nắng.
 
Ngày 25/6, ngay tại quốc hội các nghị sĩ cũng chỉ trích Thủ tướng Nawaz Sharif do không có biện pháp dẫn đến cắt điện lặp đi lặp lại và tình trạng thiếu nước ở khu vực nắng nóng, khiến tình hình càng thêm tồi tệ.
 
Người dân nằm la liệt chờ tại bệnh viện.
 
"Đợt nắng nóng bất thường này đã bộc lộ ra rất nhiều điều từ những nhà quản lý, mà trong hoàn cảnh bình thường nó đã bị che đậy và không bộc lộ ra", Khalid Rahman - Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách ở thủ đô Islamabad (Pakistan) nói.
 
Chính quyền Pakistan đỗ lỗi cho nhau, trong khi người dân nằm chờ chết.
 
Trong khi đó ông Khawaja Muhammad Asif - Bộ trưởng điện-nước của Pakistan, cho rằng Chính phủ không phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu điện nước ở Karachi khi mà đây là chuyện thường ngày trong thời gian dài chứ không phải mới đây, vào những ngày nắng nóng.
"Chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm giải trình, nhưng không đúng khi đổ lỗi cho chúng tôi về mọi điều", ông nói tại Quốc hội.
 
Tình trạng thiếu điện, nước dẫn đến ngày càng nhiều người thiệt mạng.
 
Ông Rahman cho rằng, chính phủ có thể xử lý tình hình bằng cách lập kế hoạch khẩn cấp cũng như phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cho công chúng về ảnh hưởng của nắng nóng và lập một số trung tâm cấp cứu.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất