Theo Heritage Daily, phát hiện này cho thấy những ngọn đồi trong khuôn viên LSU là công trình nhân tạo lâu đời nhất từng được biết đến ở Bắc Mỹ.
Các gò đất tương tự có thể phổ biến khắp đất nước nhưng đã bị phá hủy qua nhiều thế kỷ, nhưng các gò trong LSU vẫn còn nguyên, xuất hiện giữa sân trường như những ngọn đồi nhỏ xanh mướt cỏ, nằm trong khuôn viên đầy cây xanh.
Những ngọn đồi trong sân trường đại học ở Mỹ thật ra là những gò đất mang tính nghi lễ của người tiền sử - Ảnh: LSU
Các nhà nghiên cứu của trường đã quyết định thu thập các mẫu lõi trầm tích để tìm hiểu các ngọn đồi lạ lùng này làm bằng cái gì, và phát hiện ra bên trong không chỉ là đất mà còn có nhiều lớp tro từ sậy, mía bị đốt cháy.
Rùng mình hơn, có cả dấu vết của xương cốt lâu đời bị thiêu cháy, cho thấy những gò đất này có thể được người cổ đại sử dụng cho mục đích nghi lễ. Nhưng là xương cốt của con người hay động vật, loài nào... thì vẫn còn là câu đố, bởi những mẩu xương cháy dở này đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
Phân tích đồng vị carbon phóng xạ cho thấy gò đất cổ xưa nhất Mound B trong LSU bắt đầu tận 11.000 năm trước.
Rễ cây được phát hiện trong các lớp trầm tích cho thấy Mound B và có thể là cả khu vực xung quanh bị bỏ hoang khoảng 8.200 năm trước, khi địa cầu trải qua một sự kiện khí hậu lớn khiến nhiệt độ trung bình giảm xuống chỉ còn 1,67 độ C trong vòng 160 năm.
Sau đó, khoảng 7.500 năm trước, một gò đất mới - Mound A - được người dân xây dựng bên cạnh, chếch về phía Bắc. Gò này được sử dụng cho tới 6.000 năm trước.
Đặc sắc hơn, đỉnh của 2 gò đất tạo thành một đường thẳng hàng với ngôi sao khổng lồ đỏ Arctutus, khoảng 6.000 năm trước từng mọc lên khoảng 8,5 độ về phía Đông Bắc trên bầu trời đêm. Vào thời điểm đó nó là một trong những vì sao sáng nhất được nhìn thấy từ Trái Đất.
Nghiên cứu sơ bộ vừa được công bố trên American Journal of Science, tuy nhiên nhóm LSU vẫn sẽ tiếp tục phân tích, tìm hiểu để xác định xem nhóm dân cư nào đã xây nên các gò đất và những ý nghĩa sâu xa của việc xây dựng là gì, dạng nghi lễ nào đã được tiến hành.
Theo Người Lao Động