Phát hiện sinh vật lạ cực hiếm ở Nghệ An

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) vừa phát hiện loại cá cóc lạ, toàn bộ thân có những nốt sần nhỏ, sống ở độ cao 500 m so với mực nước biển.

Ngày 2/8, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, vừa phát hiện loại cá cóc lạ, sống ở độ cao 500 m so với mực nước biển.

Trước đó, cuối tháng 7/2014, trong lúc làm việc tại khu vực tiểu khu 101 (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) các cán bộ khu bảo tồn đã phát hiện một loại cá cóc lạ. Qua quan sát, loài cá cóc này có hình dạng giống thằn lằn màu nâu sẫm.

Phát hiện sinh vật lạ cực hiếm ở Nghệ An
Loại cá cóc lạ được phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Đây là một loài lưỡng cư sống cả trên cạn và dưới nước. Chiều dài thân khoảng 8-11 cm, đầu rộng, tuyến mang tai gồ cao, phình rộng. Giữa sống lưng của cá có gồ nổi kéo dài tiếp nối với đuôi hai bên sườn và có nhiều khối u tròn lồi khá lớn chạy từ chi trước đến gốc đuôi.

Toàn bộ thân con cá cóc này có những nốt sần nhỏ. Phía mặt dưới bụng có những nếp nhăn nằm ngang xếp thẳng hàng nhau. Chi trước có 4 ngón, chi sau có 5 ngón. Mặt dưới các ngón và rìa phía dưới của đuôi nhọn dài có màu cam.

Theo các cán bộ tại Khu bảo tồn thiên nhiên, loài cá này thường sống ở những nơi ao tù, nước đọng. Ở đây người dân bản địa đã đặt tên cho một số ao mang tên là ao cá cóc vì có rất nhiều loài cá này sinh sống. Khu vực phát hiện ra loài cá cóc này có độ cao trên 500 m so với mực nước biển.

Được biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là nơi cư trú của nhiều loại động thực vật quý hiếm của Việt Nam cũng như thế giới. Trong đó, có 74 loài loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, có 58 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007).

Theo Nld

Tin tức mới nhất