Phiên dịch viên đặc biệt khi lấy lời khai đối tượng câm điếc bẩm sinh phạm tội

Không ít điều tra viên đã gặp phải tình huống dở khóc dở cười khi lấy lời khai đối tượng câm điếc bẩm sinh phạm tội.

Truy tìm thủ phạm trong một vụ án đã là cuộc đấu trí cân não giữa lực lượng công an và một “cái bóng” chưa rõ, nhưng đến khi xác định được thủ phạm lại là đối tượng câm điếc bẩm sinh, chưa từng học qua trường lớp thì công việc còn gian nan vất vả không kém.

Phiên dịch viên đặc biệt khi lấy lời khai đối tượng câm điếc bẩm sinh phạm tội-1
Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm lấy lời khai Đỗ Văn Trọng với sự tham gia của 2 phiên dịch và người giám hộ

Thuê phiên dịch 11 triệu đồng để lấy lời khai

Chia sẻ về vụ việc đối tượng Đỗ Văn Trọng (SN 1985) trú tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội trộm cắp điện thoại vào tháng 7-2018 mà Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm vừa kết thúc điều tra vào tháng 1-2019, Trung tá Lê Đức Hùng, điều tra viên Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm cho hay, sở dĩ vụ án này có quá trình điều tra dài vì Đỗ Văn Trọng có bệnh án tâm thần nên phải chờ kết quả giám định tâm thần tại thời điểm xảy ra vụ án thì mới xác định được Trọng có tội hay không dù trước đó, đối tượng này đã có 2 tiền án.

Đỗ Văn Trọng là một người câm điếc bẩm sinh và chưa từng học qua bất cứ trường lớp nào nên cách anh ta sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cũng hoàn toàn… bản năng. Trình độ văn hóa là 0/12 nên việc hỏi đáp thông qua giấy bút là hoàn toàn không thể. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện lệnh tạm giữ hình sự Đỗ Văn Trọng, cán bộ thụ lý vụ việc trộm cắp tài sản mà đối tượng này thực hiện đã phải nhờ sự giúp đỡ từ nhân viên của Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng. Và trong “ca khó” này, công ty trên đã phải cử 2 nhân viên cùng tham gia.

Lý giải về điều này, các điều tra viên cho biết, Trọng bị câm điếc bẩm sinh nên cần có người cũng câm điếc bẩm sinh như anh ta thì mới có thể hiểu được ngôn ngữ ký hiệu Trọng sử dụng. Sau đó, người phiên dịch đã học qua trường lớp truyền tải lại với người bình thường hiểu ngôn ngữ ký hiệu để cung cấp cho cơ quan công an.

Vũ Hương Giang, nhân viên Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng cho hay đã phiên dịch cho khá nhiều người câm điếc bẩm sinh phạm tội và lần nào cũng phải đi cùng với Đỗ Hoàng Thái Anh - một người câm điếc bẩm sinh.

Trung tá Lê Đức Hùng cho biết, mỗi lần nhờ cậy đến sự trợ giúp của phiên dịch, Cơ quan CSĐT CAQ đều phải trả thù lao 500.000 đồng/giờ. Trung bình mỗi lần làm việc khoảng 2 giờ. Từ khi bị tạm giữ, tạm giam và đến khi kết thúc điều tra, có vụ phải 6 lần nhờ phiên dịch ngôn ngữ hỗ trợ cơ quan công an, điều đó đồng nghĩa với việc điều tra viên phải tự thanh toán số tiền 11 triệu đồng vì nó không nằm trong bất cứ “hạng mục” nào của quá trình điều tra. “Đây cũng là khó khăn với chúng tôi” - điều tra viên Đội Điều tra tổng hợp bày tỏ.

Phiên dịch viên đặc biệt khi lấy lời khai đối tượng câm điếc bẩm sinh phạm tội-2
Bị cáo Bùi Mạnh Cường sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong phiên tòa xét xử cuối năm 2016

Gian nan tìm người giám hộ

Trong vụ án Đỗ Văn Trọng, Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm còn may mắn vì Trọng sống với gia đình nên có mẹ là người giám hộ, có mặt đầy đủ trong các cuộc lấy lời khai. Còn trong một vụ án trộm cắp tài sản, giết người xảy ra tại Đồng Nai vào năm 2011, các điều tra viên ngoài việc phải đối diện với đối tượng “5 không” -  không nghe, không nói, không đọc, không viết, không được học ở trường khuyết tật ngày nào, thì đối tượng cũng không có người giám hộ.

Ở vụ việc này, trong quá trình cạy cửa nhà dân để trộm cắp tài sản, đối tượng Nguyễn Văn Đức (SN 1982) trú tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai đã gây ra cái chết của anh Nguyễn Văn T (trú tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Đức từng có nhiều tiền án, tiền sự; đã rời khỏi địa phương từ nhiều năm nay không rõ tung tích.

Cùng tham gia tố tụng, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM tại thời điểm đó phân tích, vì Đức vừa bị điếc, vừa bị câm, không biết chữ nên buộc phải có người phiên dịch trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thế nhưng vì Đức không đi học tại trường câm điếc nên việc phiên dịch “ký hiệu” của người phiên dịch chưa chắc đã đảm bảo đúng 100% “ký hiệu” của bị cáo về hành vi phạm tội của mình, mà có thể chỉ có bố mẹ hoặc người thân của đối tượng mới hiểu được các “ký hiệu” đó.

Theo vị luật sư này, cơ quan chức năng cần phải mời người thân của Đức đến làm người giám hộ. Tuy nhiên, Đức đã bỏ nhà đi nhiều năm nay và người thân nhất thời gian gần đây lại là cô người yêu nghi vấn “đồng phạm” đã bỏ trốn.

Suôn sẻ hơn nếu nghi phạm có học

Trong số những vụ án do người câm điếc phạm tội thì có lẽ vụ án Bùi Mạnh Cường giết bé gái 11 tuổi xảy ra tại Hải Phòng năm 2016 thu hút sự chú ý của dư luận hơn cả. Cường là người câm điếc bẩm sinh, không nghe được, chỉ vì mâu thuẫn giữa Cường với cháu N.Y.N., Cường đã đang tâm ra tay sát hại cháu bé.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hải Phòng thời điểm đó nhớ lại, trong thời gian mới được triệu tập sau khi xảy ra vụ án, Cường luôn tỏ ra bình thản và trong ngày diễn ra đám tang của nạn nhân, Cường vẫn sang nhà viếng vì là hàng xóm cùng thôn, cách nhà nhau khoảng 200m.

Trong quá trình xác minh, điều tra, qua rà soát hàng chục đối tượng có biểu hiện nghi vấn sau khi cháu N. bị sát hại tại nhà riêng vào tối 14-5-2016, Ban chuyên án đã đưa Cường vào “tầm ngắm”. Đáng chú ý, cũng vào tối 14-5, Cường bất ngờ bị thương ở bàn tay phải. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một đối tượng câm, điếc bẩm sinh như Cường khó có khả năng gây án. Đặc biệt, sau khi vụ án xảy ra, diễn biến tâm lý của Cường vẫn bình thường.

Ngày 20-5-2016, đối tượng Cường một lần nữa được triệu tập đến cơ quan công an để làm việc. Các điều tra viên thụ lý vụ án đã may mắn hơn trong việc lấy lời khai đối với Cường vì Cường đã đi học ngôn ngữ ký hiệu của cô Nguyễn Thị Th. - một giáo viên dạy khiếm thính ở một trường ở TP Hải Phòng. Cô Th. còn nhận Cường làm con nuôi nên để ghi lời khai của Cường, cô Th. đã được mời đến hỗ trợ. Là người đã dạy dỗ Cường nhiều năm, trước sự việc nghiêm trọng này, bà Th. đã đồng ý hỗ trợ lực lượng công an trong việc lấy lời khai của Cường.

Gặp lại người mẹ thứ hai đã nhiều năm nuôi nấng, dạy dỗ mình, Cường vẫn rất bình tĩnh, không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, trước những chứng cứ và quá trình đấu tranh của lực lượng điều tra thông qua sự trợ giúp “phiên dịch” của bà Th., Cường đã bật khóc và khai nhận tất cả, rất rõ ràng, phù hợp với các dấu vết để lại hiện trường.

Cường khai, tối 13-5-2016, Cường đi qua ngõ nhà cháu N.Y.N, gặp cháu đứng ở cổng, hai bên có xích mích, sau đó Cường bỏ về. Tối hôm sau Cường đạp xe đến nhà cháu N., trèo tường vào nhà, thấy cháu bé đang ngồi ở cửa xem ti vi, Cường tiến sát lại thì bị N. đuổi ra. Cường ra ngoài, nhặt một hòn gạch bê tông, quay lại bất ngờ đập 4 phát vào đầu bé gái. Khi ra tay sát hại cháu N., thấy chiếc điện thoại trong túi quần N. rơi ra, Cường đã lấy đút vào túi quần mình. Nhưng khi Cường trèo tường ra ngoài, chiếc điện thoại đã rơi lại ở bên trong vườn nhà nạn nhân.

Cuối năm 2016, dù là người câm điếc bẩm sinh nhưng do hành vi giết người đặc biệt nghiêm trọng Bùi Mạnh Cường đã bị TAND TP Hải Phòng tuyên phạt 18 năm tù giam.  

Trọng bị câm điếc bẩm sinh nên cần có người cũng câm điếc bẩm sinh như anh ta thì mới có thể hiểu được ngôn ngữ ký hiệu Trọng sử dụng. Sau đó, người phiên dịch đã học qua trường lớp truyền tải lại với người bình thường hiểu ngôn ngữ ký hiệu để cung cấp cho cơ quan công an.

Trung tá Lê Đức Hùng (Điều tra viên Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm)

Theo ANTD


phiên dịch viên tội phạm

Tin tức mới nhất