Cộng đồng KOC, KOLs (người tiêu dùng chủ chốt, người có ảnh hưởng) đang xôn xao về một phiên livestream trên TikTok ngày 2/3. Phiên livestream này kéo dài khoảng 12 tiếng, với doanh thu được cho biết là gần 72 tỷ đồng.

Trong phiên livestream này, Quyền Leo cùng vợ là Nguyễn Lan Anh và nhiều KOL, KOC khác (Long Chun, Ngọc Nguyễn) cùng tham gia để bán các mặt hàng đồ gia dụng, đồ mẹ và bé... Trước đó, Quyền Leo - Lan Anh được nhiều người biết đến với kênh TikTok có các nội dung xoay quanh cuộc sống gia đình.

Kết thúc phiên livestream, con số 72 tỷ đồng nhận về nhiều ý kiến. Đa phần đều bất ngờ với mức doanh thu lớn. Số khác thì đặt dấu hỏi về tính xác thực của con số "khủng" này.

Phiên livestream thu 72 tỷ đồng của cặp đôi Việt: Hoa hồng có thể ra sao?-1
Nhóm livestream gây xôn xao (Ảnh: Chụp màn hình).

Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, chị Lê Khánh Linh - giám đốc một công ty agency, người thường xuyên kết nối với các KOL, KOC TikTok - cho rằng đây là phiên livestream đánh dấu cột mốc của gia đình Quyền Leo.

Nói về doanh thu 72 tỷ đồng, chị Linh cho hay tính xác thực của con số này khó để kiểm chứng, chỉ người trong cuộc mới biết. Tuy nhiên, hiệu ứng thì mọi người đều thấy.

Về giá bán, phiên livestream trên không có quá nhiều ưu đãi "khủng". Thậm chí, một vài mặt hàng bán trên livestream có giá cao hơn trên các sàn thương mại điện tử khác. Bên cạnh đó, các sản phẩm có trong phiên livestream cũng không quá đặc biệt, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và mua ở những địa điểm khác.

Dẫu vậy, phiên livestream này vẫn nhận được hiệu ứng truyền thông tốt khi có sự tham gia của nhiều TikToker nổi tiếng, được quan tâm hiện tại.

Ngoài ra, việc livestream liên tiếp trong 11-12 giờ đồng hồ được coi là khoảng thời gian đủ dài để níu chân người xem và kích cầu, tăng doanh thu. Trên thực tế, không nhiều TikToker có khả năng livestream liền trong khoảng thời gian từ 8 tiếng trở lên.

Bên cạnh đó, một vài người cho rằng việc livestream trong thời gian dài sẽ thu hút được lượng người hâm mộ nhất định. Tuy nhiên, có nhiều người nói họ không thể xem livestream quá 30 phút vì cảm giác đau đầu do âm thanh quá lớn. Những người này gần như chỉ xem cho biết, không chốt mua hàng vì bị "loạn".

Chị Khánh Linh nói thông thường, khi các KOC, KOL hợp tác với nhãn hàng sẽ đưa ra mức cát-xê và hoa hồng tùy vào từng nhãn.

Trên thực tế, mặt hàng đồ mẹ và bé có mức hoa hồng tương đối thấp, vì chủ yếu KOC, KOL làm việc trực tiếp với nhãn hàng, không qua trung gian. Với mặt hàng bỉm trẻ em, mức hoa hồng phổ biến cho KOC, KOL chỉ dao động 3-5%.

"Những KOC, KOL nào tự tin vào doanh số livestream của họ thường sẽ không cần cát-xê mà yêu cầu nhãn hàng trả hoa hồng cao. Tùy vào độ lớn của từng thương hiệu, KOC, KOL sẽ đưa ra mức yêu cầu hoa hồng cụ thể, không có con số chính xác, thông thường từ 10-15%", chị Linh nói.

Dựa vào con số này, theo ước chừng, chủ kênh trên sẽ nhận về mức hoa hồng khoảng 9-10 tỷ đồng hoặc hơn thế, trên doanh thu gần 72 tỷ đồng, chưa tính phần trăm số đơn hàng bị hủy sau phiên. Con số này được ước tính trong trường hợp doanh thu 72 tỷ đồng là thông báo chính xác.

Ngoài số tiền hoa hồng nhận được, sau mỗi phiên livestream bùng nổ, chủ kênh TikTok sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ nền tảng.

Ví dụ, nếu trở thành "con cưng của TikTok", chủ kênh sẽ nhận được nhiều mã khuyến mại, mã ưu đãi vận chuyển cho người xem của kênh. Từ đó, những phiên livestream tiếp theo, khách hàng sẽ có nhiều mã ưu đãi, tăng tỷ lệ chốt đơn từ đó tăng doanh thu.

Hiện tại, vì mức hoa hồng hấp dẫn, không ít bạn trẻ đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức để học cách livestream trên TikTok nhằm kiếm tiền từ affiliate (tiếp thị liên kết - hình thức marketing dựa trên hiệu suất, là cách để các doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm của mình dựa trên nền tảng internet).

Tuy nhiên, trên thực tế, livestream trên TikTok không chỉ toàn màu hồng. Để đạt số mắt xem từ 500 trở lên, chủ kênh phải là người có sức ảnh hưởng, được biết đến từ trước đó. Ngoài ra, tỷ lệ hủy đơn trên sàn thương mại TikTok khá cao do đa phần người mua đều chốt đơn nhanh vì giá rẻ, sau này dễ đổi ý.

Chưa kể, thời gian livestream trên TikTok thường kéo dài từ 3 tiếng trở lên, yêu cầu người livestream có sức khỏe tốt, hoạt ngôn, có khả năng tổ chức phiên livestream hợp lý, hiệu quả.

Do vậy, chuyên gia đưa lời khuyên mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định học hỏi để trở thành streamer, thay vì chỉ nhìn những "màu hồng" được quảng cáo trên mạng xã hội.

Theo Dân Trí