Phiên tòa ly hôn hy hữu

Dù không đăng ký kết hôn nhưng người vợ đệ đơn ly hôn ra tòa với mong muốn chấm dứt hoàn toàn cuộc hôn nhân bắt đầu bằng sự vội vã, bồng bột

Dãy ghế đương sự trong phòng xét xử vụ án "Ly hôn, tranh chấp về quyền nuôi con" duy nhất một người ngồi, đó là nguyên đơn. Khu vực bên dưới không một ai liên quan tham dự.

Vỡ mộng

Theo chị T.T.S (SN 1982, quê Bến Tre) - nguyên đơn - trình bày, năm 2001, chị chân ướt chân ráo đến TP HCM kiếm sống. 19 tuổi, không có kinh nghiệm hay trình độ, tay nghề, chị được một quán cà phê nhận vào làm phục vụ, mức lương hằng tháng chỉ đủ trả tiền nhà trọ và sống tằn tiện qua ngày. Vài tháng sau, chị quen, yêu rồi dọn về sống chung với anh M.T.D (SN 1982).

Ngồi một mình trong phòng xử án, chị S. nhớ lại ngày xưa, anh D. luôn xuất hiện ở quán cà phê với vẻ ngoài như một công tử lắm của nhiều tiền. Hy vọng có nơi nương tựa, thoát cảnh nghèo, chị gật đầu ngay khi anh ngỏ lời. Hai người sống chung nhưng không tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn. Sau một thời gian chung sống, chị mới biết anh D. không giàu có như chị nghĩ, mà ở nhà thuê, việc làm không ổn định.

Phiên tòa ly hôn hy hữu-1
Minh họa: KHỀU

Lỡ rồi nên đành chấp nhận. Một năm sau, con gái chị chào đời. Gánh nặng kinh tế gia đình, nuôi dạy con nhỏ khiến hai anh chị ngày một áp lực, căng thẳng.

Đến năm 2015, chị choáng váng khi nhận hung tin chồng bị bắt quả tang trong lúc tham gia buôn bán ma túy. Với hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, anh D. lĩnh án tù chung thân.

Chuông báo hiệu buổi xét xử bắt đầu, chị ngưng câu chuyện đang kể, lật đật bước lên ghế đương sự. Trình bày với HĐXX, chị S. cho biết chị đơn phương làm đơn ly hôn vì kiệt sức khi vừa nuôi con ăn học vừa nuôi chồng ở tù. Chị thực sự hối hận vì sự lựa chọn bồng bột thời trẻ…

Quyết nuôi con ăn học

"Tôi nhận thấy tình cảm vợ chồng giữa hai bên không còn. Do vậy, tôi làm đơn ly hôn, đề nghị tòa án chấp thuận cho tôi và anh D. chấm dứt quan hệ vợ chồng" - chị S. trình bày.

Vị chủ tọa thông báo người chồng đang chấp hành án ở trại giam nên sau khi thụ lý vụ án, tòa án đã tống đạt văn bản tố tụng theo luật định. Tuy nhiên, anh D. nhất định không nhận văn bản do tòa án tống đạt, cũng không chịu ký biên bản. "Chúng tôi tiến hành lấy lời khai nhưng anh D. nhất quyết không đồng ý ly hôn với chị. Chúng tôi muốn nghe lại một lần nữa nguyện vọng của chị, từ đó có cách xem xét kỹ lưỡng hơn" - chủ tọa nói với chị S.

Như biết trước kết quả, chị bình tĩnh trả lời: "Tôi chỉ mong quý tòa chấp thuận nguyện vọng ly hôn. Tôi không muốn chờ đợi một người chồng trong vô vọng".

Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ, tòa án xác định chị S. và anh D. sống chung từ năm 2001 nhưng không đăng ký kết hôn. Do đó, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quan hệ hôn nhân trong trường hợp này. HĐXX tuyên bố pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng giữa hai đương sự.

Phiên tòa nhanh chóng kết thúc. Chị S. ngơ ngác đứng giữa tòa nhìn khắp lượt HĐXX. Thấy vậy, vị chủ tọa trấn an: "Chị an tâm về đi. Do không đăng ký kết hôn nên vợ chồng chị chỉ cần chấm dứt quan hệ trên thực tế. Hai người có thể tự xử lý. Chị làm đơn xin ly hôn nhưng lại vắng mặt suốt quá trình giải quyết vụ việc nên chúng tôi buộc phải mở phiên tòa".

Nghe xong, người vợ thở phào nhẹ nhõm. Năm nay, con gái chị vừa tròn 18 tuổi. Chị S. bộc bạch con gái và gia đình hoàn toàn không hề biết chị gửi đơn ly hôn ra tòa án. Chị âm thầm làm mọi việc vì không muốn con tủi thân hoặc lo lắng cho ba mẹ.

Nghe hỏi về dự định tương lai, S. nói ly hôn không phải vì chị muốn lấy chồng khác mà đơn giản chị không còn tình cảm. "Con gái đã vào đại học. Bây giờ, tôi toàn tâm toàn ý chăm sóc con gái. Tôi quyết tâm dạy dỗ con ăn học đến nơi đến chốn. Có như vậy, nó mới không đi vào vết xe đổ mà cha mẹ lâm vào" - chị S. tâm sự.

Theo điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 điều 14 của luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại điều 15 và điều 16 của luật này.

Theo Người Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/phap-luat/phien-toa-ly-hon-hy-huu-20201023223804846.htm?fbclid=IwAR1f8UEM3zPEq48We26vnV9assCdlxlvFcBscd6Hn1iyPP7gY0dW-Fd-ZUk

ly hôn

Tin tức mới nhất