Phim điện ảnh đề tài ấu dâm Hope: Phẫn nộ xong rồi, còn điều gì đọng lại?

Hope - bộ phim làm dấy lên sự phẫn nộ với nạn ấu dâm một thời gian dài đã để lại nhiều bài học về cách đối mặt và vượt qua cả những nỗi đau tinh thần lẫn thể xác.



Ấu dâm vẫn luôn là một đề tài vô cùng nhạy cảm mà dư luận thường e ngại mỗi khi nhắc đến, đặc biệt trong tâm thức người Việt. Giữa muôn vàn những vấn nạn xã hội cướp giết hiếp ngày ngày đầy rẫy khắp các mặt báo, dường như ít ai dám tưởng tượng đến việc hủy hoại một đứa trẻ đang xảy ra xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. Càng ít nhắc đến, càng e sợ, người ta càng dần quên đi sự nghiêm trọng từ những hậu quả mà ấu dâm để lại cho chính nạn nhân và gia đình người bị hại. Vô hình chung, động thái hờ hững, không quan tâm đúng mức đến vấn đề này lại trở thành sự dung túng cho những kẻ phạm tội vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.


Những hình ảnh đau lòng về hậu quả nạn ấu dâm được thể hiện trong phim điện ảnh Hope.

Phải đến cuối năm ngoái, hàng loạt các trường hợp trẻ em bị lạm dụng phơi bày mới như hồi chuông cảnh tỉnh các bậc làm cha mẹ. Bộ phim Hope được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội đã ép người xem phải đối mặt với một trong những vụ án ấu dâm đau lòng nhất lịch sử Hàn Quốc. Phẫn nộ có, sợ hãi có, nhưng đọng lại sâu sắc nhất có lẽ là cách các nhân vật vượt qua nỗi đau sau sự kiện khủng khiếp ấy xảy ra.

Hiểm họa luôn rình rập

Nếu chỉ nhìn ở bề ngoài, rất khó để phân biệt được một người có mắc chứng ấu dâm hay không. Đó có thể là một công nhân viên chức mẫn cán, một người bạn thân của gia đình, một ông lão hàng xóm hay thậm chí là một người làm công tác sư phạm. Trong Hope, kẻ thủ ác vốn từng bị bắt bởi tội lạm dụng trẻ em, sau khi được thả ra lại tiếp tục tìm con mồi khác. Và điều đáng sợ hơn cả là hắn chỉ sống cách nhà nạn nhân vài cây số. Tất bật chạy theo những lo toan cơm áo gạo tiền, người cha vội vã đến công sở, bà mẹ mải mê tiết kiệm từng đồng để vun vén gia đình mà không biết rằng, cô con gái nhỏ một mình đến trường kia đang từng bước rơi vào cạm bẫy của tên biến thái.

Vẫn hiểu rằng cuộc sống còn quá nhiều gánh nặng, một đứa trẻ cần không gian để tự lập và trưởng thành hơn là được bảo bọc trong lồng kính, nhưng chính sự thiếu quan tâm từ người thân đã phần nào tạo nên tấn bi kịch không ai muốn xảy ra này. Có bao giờ bạn thực sự hiểu lời con em mình nói, thắc mắc về những vết trầy trên người con từ đâu hay chỉ nghĩ do trẻ con nghịch ngợm? Đã bao giờ bạn dạy dỗ chúng phải cảnh giác với người lạ và tự bảo vệ bản thân mình?

“Trên thế giới có biết bao đứa trẻ, tại sao điều này lại xảy ra với con tôi?” Câu hỏi thắt lòng của mẹ So-won cũng là tiếng lòng của biết bao bà mẹ có con bị lạm dụng. Ta không thể lường trước được khi nào điều tồi tệ xảy ra với “Hy Vọng” của gia đình mình, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh và bảo vệ con trước hiểm họa luôn rình rập kề bên. Bởi nếu chờ đến lúc tự hỏi câu “tại sao” kia, mọi thứ sẽ trở thành quá muộn.

Cuộc chiến không nước mắt

Thay vì trực tiếp đi sâu vào tình tiết So-won bị cưỡng bức, đánh đập dã man ra sao, đạo diễn chọn cách bóp nghẹt trái tim khán giả khi mô tả những tổn thương thể xác mà So-won phải chịu đựng. Một đứa trẻ xinh đẹp, hồn nhiên như thế đáng lẽ phải nhận được sự yêu thương, bao bọc của mọi người xung quanh, chỉ trong chớp mắt bỗng trở thành một cái xác không hồn với vết thương lòng không bao giờ lành lại được.

Đúng như cái tên mang nghĩa Hy Vọng của mình, nếu bố mẹ vật nài trong cơn đau đớn và cố che giấu việc con gái bị lạm dụng, thì việc đầu tiên sau khi tỉnh dậy, So-won lại muốn báo cảnh sát. Em là minh chứng cho việc dù bị vùi dập, đối xử tàn bạo ra sao thì hy vọng cũng không bao giờ dập tắt. Sự dũng cảm của em thắp lên niềm tin rằng kẻ xấu cần phải trừng trị, và những mầm non của tương lai phải được lớn lên trong một môi trường an toàn, trong sạch.

Tuy nhiên đời không như mơ, đáp lại hành động cứng cỏi đó lại là những phán xét hẹp hòi của dư luận, là sự khát máu của báo giới. Thay vì xót xa, bảo vệ So-won, họ lao tận đến bệnh viện để chụp ảnh, bới móc đời tư, thậm chí đặt ra câu hỏi liệu một đứa trẻ 8 tuổi có biết nói dối. Từng bước từng bước, chính xã hội đã thờ ơ quay lưng về phía em đang tiếp tục cắt sâu vào nỗi đau chưa lành, chỉ vì em là nạn nhân của một kẻ ấu dâm, và dám lên tiếng chống lại hắn.

Nếu không trực tiếp trải qua, chẳng một ai có thể hiểu được cho những nỗi đau về cả thể xác lẫn tâm hồn mà So-won đang cay đắng nuốt lại. Em mang một cơ thể đầy khiếm khuyết cùng bóng đen tâm lý đến mức không dám lại gần bố của mình. Trong thực tế, rất nhiều nạn nhân ấu dâm cũng phải im lặng chịu đựng tổn thương như thế, nhẹ thì không bao giờ có được một tình yêu hạnh phúc bình thường, nặng thì thậm chí dẫm vào vết xe đổ mà trở thành một kẻ ấu dâm.

Cuối phim, sau bao nỗ lực của gia đình, bạn bè, So-won quay trở lại cuộc sống hàng ngày. Mọi người bảo bọc em, cho em hiểu được rằng sau chuyện kia, mình vẫn là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Bố So-won bỏ cả công việc, khoác lên mình bộ đồ hóa trang thú bông chỉ mong được ở gần con gái hơn. Giây phút em ôm cổ bố, ngăn ông không lao vào giết kẻ đã hủy hoại mình thực sự làm bất cứ trái tim sắt đá nào cũng phải rung động. Bao nỗi nghẹn ngào, bức bối suốt hai tiếng dày vò của phim cứ thế vỡ òa ra, như tia nắng lấp lánh hiếm hoi sau bao ngày mưa giông mù mịt.

Xem phim, ta hiểu được một điều bức thiết mà đơn giản, cần bao nhiêu sự bao dung, chở che với những mảnh đời bất hạnh, thì cần bằng ấy tiếng nói mạnh mẽ phản đối của dư luận trước nạn ấu dâm đang trở nên vô cùng nhức nhối. Có người từng nói: “Cách trả thù tốt nhất là sự tha thứ.” Nhưng trước khi được tha thứ, kẻ thủ ác cần phải trả giá cho tội lỗi của mình thay vì được nhởn nhơ làm hại thêm bất kì một đứa trẻ nào khác. Bởi không ai dám tưởng tượng rằng, một ngày nào đó chuyện tồi tệ này lại xảy đến với chính những người thương yêu trong gia đình mình.

Theo Saostar


phim điện ảnh HOPE ấu dâm

Tin tức mới nhất