Phim kiếm hiệp Trung Quốc càng làm lại càng thảm họa
Không biết bao giờ màn ảnh Trung Quốc mới chịu buông tha nguyên tác của Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh.
Như một truyền thống của ngành điện ảnh Trung Quốc, mỗi năm người ta lại thấy một vài phim kiếm hiệp chuyển thể từ truyện Kim Dung được các nhà làm phim mến tặng khán giả.
Phim kiếm hiệp làm lại dày đặc
Trong 14 truyện của Kim Dung viết trong suốt sự nghiệp sáng tác, cuốn nào cũng phải một vài lần được xào xáo, hết ngoại truyện, rồi đến cải biên, rồi lại remake (làm lại).
Không chỉ riêng Kim Dung, nhiều phim kiếm hiệp, võ hiệp chuyển thể từ các nhà văn như Cổ Long, Ôn Thụy An, Lương Vũ Sinh… cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Tân Thần Điêu Đại Hiệp của Vu Chính.
Dù điện ảnh Trung Quốc đã có những tiến bộ về công nghệ làm phim trong thời gian gần đây, thể loại này vẫn nhận về chê nhiều hơn khen. Lộc Đỉnh Ký năm 2020 “đội sổ” với số điểm 2,5/10 trên Douban trong khi bản Anh Hùng Xạ Điêu ra mắt đầu năm nay thì nhận được vỏn vẹn 4,7 điểm với hơn 2.700 lượt bình chọn.
Điện ảnh nói chung không hiếm chuyện phim chuyển thể hiện đại không hay bằng các bản phim kinh điển. Tuy nhiên, phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung ngày nay dở đã thành trào lưu.
Nhìn lại lịch sử phim truyền hình và chiếu rạp Trung Quốc, tại sao điện ảnh của một quốc gia với vô tận cảm hứng làm phim lại cứ đâm đầu vào lối mòn như thế?
Thật vậy, phim làm lại chiếm một nửa thị trường phim truyền hình trong nước. Trong số đó, đề tài cổ trang là một trong những thể loại nổi bật. Top 6 phim kiếm hiệp được làm lại nhiều nhất, phim Kim Dung đã chiếm tới 5.
Anh Hùng Xạ Điêu bản mới.
Anh Hùng Xạ Điêu được làm lại 12 lần trong vòng 38 năm, Ỷ Thiên Đồ Long Ký được làm đi làm lại sau 6 thập kỷ, Tiếu Ngạo Giang Hồ được làm lại 8 lần, Lộc Đỉnh Ký làm lại trên dưới 7 lần.
Chọn lấy đề tài quen thuộc tin chắc khán giả sẽ quan tâm là khẩu quyết nhiều nhà sản xuất lựa chọn. Không riêng gì Trung Quốc, xu hướng chuộng phim thương hiệu, làm lại cũng đang phổ biến tại Hollywood.
Sự nổi tiếng của Kim Dung – người được coi như “minh chủ võ lâm” trong thể loại kiếm hiệp giống như một vé bảo hiểm giảm thiểu độ rủi ro của người làm phim tại Trung Quốc.
Chỉ cần nghe tiếng “phim kiếm hiệp Kim Dung” là tự khắc họ có ngay một bộ phận khán giả, thế hệ những người lớn lên với các tác phẩm kinh điển của thập niên 70, 80.
Anh Hùng Xạ Điêu (2003) với dàn diễn viên Lý Á Bằng, Châu Tấn để lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc mà sau này nhiều phim remake không làm được.
Bóp méo nguyên tác, kỹ xảo 3 xu
Một trong những lý do đầu tiên khiến khán giả la ó đối với các phim làm lại thời gian gần đây là việc xuyên tạc nguyên tác. Bởi ai cũng biết câu chuyện sẽ diễn ra thế nào, nên thường khi làm lại, các nhà làm phim sẽ phải thay đổi biến tướng câu chuyện cho mới mẻ hơn.
Dù đạo diễn ôm mộng làm phim võ hiệp lớn đến đâu, thực tế là không phải ý tưởng nào của họ cũng sẽ được người xem đón nhận.
Ví dụ, trong thế giới của Kim Dung, Trương Vô Kỵ không có khí phách anh hùng, cả nể, thiếu quyết đoán lại càng khiến anh ta gần gũi với độc giả vì hết thảy chúng ta suy cho cùng, cũng mềm yếu lắm thay.
Còn các phiên bản mới xây dựng nhân vật này khôn ngoan, nghĩa hiệp, mười phần hoàn hảo đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của nhân vật.
Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ (2018) thì mạnh dạn cải biên hẳn phim võ hiệp thành phim thanh xuân vườn trường. Tất nhiên, chẳng có gì ăn nhập với nhau.
Trong khi đó, bàn tay vàng trong làng cải biên Vu Chính thì xúi Dương Quá tán tỉnh Lý Mạc Sầu trong Tân Thần Điêu Đại Hiệp (2014).
Nếu những thay đổi trong kịch bản phim làm lại đóng góp xây dựng cho một nội dung hoàn chỉnh đã đành, đằng này sự non tay của ê-kíp khiến tổng thể các bộ phim thế này rơi vào dạng “dở ông dở thằng”.
Một mặt cố gắng lôi kéo thế hệ khán giả cũ, mặt khác thêm thắt một vài chi tiết mới mẻ, khoác cho nhân vật cái áo mới, tô son dặm phấn những mong hài lòng người xem trẻ tuổi.
Cũng không thể mong đợi gì hơn: Phim truyền hình trước đây do người làm nghệ thuật quay, nhưng bây giờ lại do người làm kinh tế quay. Vì vậy hầu hết tác phẩm không có nội hàm.
Nhiều đạo diễn, biên kịch ngày nay không tìm hiểu thấu đáo nguyên tác mà đã vội vàng chạy theo cơn sốt làm phim. Rất khó để làm phim hay, phim nghệ thuật khi mà áp lực tiền bạc, giá trị bị thổi phồng trong thời đại hiện tại.
Đó là chưa kể dù có tiến bộ công nghệ vượt bậc, nhưng nhiều phim kiếm hiệp chuyển thể ngày nay kỹ xảo cực kỳ cẩu thả. Lại nói, cảnh Quách Phù chém tay Dương Quá trong Tân Thần Điêu Đại Hiệp trông giả như thể coi khán giả là kẻ ngốc.
Các ngoại cảnh khi nhân vật bay lên cao, cháy nổ, chiến đấu… giống như sinh viên ghép video bằng phần mềm miễn phí. Kỹ xảo của Hiệp Khách Hành (2017) đạo diễn Trương Kỷ Trung cũng tệ như vậy.
Hậu quả của xu hướng “mỹ nam”
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, xu hướng nữ tính hóa nam giới trên màn ảnh Trung Quốc xảy ra rất rõ ràng. Cùng với sự phát triển của mỹ phẩm và ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc, hình tượng nam giới trên phim chạy theo tiêu chuẩn vẻ đẹp mới: mặt nhỏ, da trắng, môi đỏ, lông mày sắc nét.
Điều này ảnh hưởng cả đến tạo hình của các nhân vật anh hùng võ hiệp – vốn được khắc họa nam tính, bụi bặm. Ngay cả những nam nhân hành tẩu giang hồ lâu năm, dãi nắng dầm sương nhưng cứ lên phim là phải quần áo xúng xính mặt không tì vết.
Tằng Thuấn Hy trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký (2019) có mặt trái xoan, đôi mắt to, làn da trắng, cặp chân mày chuẩn vẻ đẹp nam giới Trung Quốc hiện đại. Vẻ đẹp non nớt của Thuấn Hy không cứu lại diễn xuất nhạt nhòa một màu của nam diễn viên.
Nói đến đây phải nhắc đến hạn chế diễn xuất của các diễn viên so với thế hệ đàn anh, cha chú từng chinh phục trái tim khán giả. Họ mới là những người truyền tải hết nội tâm nhân vật, không ngại lăn lộn lột tả đúng khí phách giang hồ trong nguyên tác Kim Dung.
So với những phiên bản Trương Vô Kỵ trước của Đặng Siêu, Lương Triều Vỹ hay Tô Hữu Bằng, Vô Kỵ của năm 2019 là bình hoa di động trong làn sóng đề cao thẩm mỹ quá mức của người Trung Quốc.
Một “tiểu thịt tươi” trên màn ảnh có thể vỗ về con mắt của khán giả nữ trẻ, nhưng cái phần lớn khán giả muốn xem là một câu chuyện logic, lôi cuốn, cải biên thì cũng phải làm cho tới nơi tới chốn.
Rốt cuộc, chẳng có thứ gì gọi là lời nguyền cho phim chuyển thể tiểu thuyết kiếm hiệp. Không phải cứ phim nào cũng càng làm càng dở, chất lượng phim phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm và cái tầm của ê-kíp thực hiện.
Nếu tiếp tục làm phim với thái độ chộp giật, cẩu thả như hiện nay, thì dù có là nguyên tác Kim Dung đặt vào tay đi nữa thì khán giả vẫn sẽ quay lưng.
Theo Zing
-
1 giờ trướcBên lề họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, NSND Xuân Bắc nói chưa chắc chắn sẽ tham gia Táo Quân 2025.
-
3 giờ trướcKhông phải NSƯT Quốc Khánh, Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân là một Đại tá và từng là "sếp" của NSND Tự Long tại Nhà hát Chèo Quân đội.
-
7 giờ trước20 năm sau thành công của "Kính vạn hoa" bản truyền hình, diễn viên Vũ Long chọn cuộc sống kín tiếng. Anh có tổ ấm hạnh phúc, luôn đặt vợ con lên hàng đầu.
-
10 giờ trướcĐường đua phim Tết năm nay thực chất chỉ là cuộc đua của Trấn Thành và Thu Trang bởi hai phim "Bộ tứ báo thủ" và "Yêu nhầm bạn thân" anh đều tham gia với các vai trò khác nhau.
-
11 giờ trướcNgười đẹp này đang trở thành tâm điểm chú ý bởi visual cuốn hút đánh bại cả cánh mày râu.
-
13 giờ trướcGong Yoo tiếp tục chứng minh đẳng cấp khi trở lại với “Squid Game 2”. Dù thời lượng xuất hiện không nhiều, anh vẫn chiếm trọn sự chú ý nhờ phong thái bí ẩn và diễn xuất tinh tế.
-
14 giờ trướcKhông chỉ trung thành nguyên tác, loạt phim “Nhím Sonic” còn khéo léo kết hợp yếu tố hoài niệm, kỹ xảo mãn nhãn và thông điệp nhân văn. Đó là lý do thương hiệu này chinh phục khán giả ở mọi lứa tuổi.
-
1 ngày trướcỞ vòng bình chọn 2 của VTV Awards 2024, hạng mục Diễn viên nam/nữ ấn tượng đem đến cho khán giả nhiều bất ngờ.
-
1 ngày trướcNam diễn viên đóng vai tổng tài 25 tuổi cầu hôn cô lao công trong "Mẹ lao công học yêu" là người này.
-
1 ngày trướcClip NSND Xuân Bắc vào vai "Nam Tào" luyện tập cho "Táo Quân 2025" vừa được NSƯT Chí Trung chia sẻ khiến người hâm mộ phấn khích.
-
1 ngày trướcDù đã lên tiếng giải thích về hành động của mình nhưng mỹ nam Squid Game 2 vẫn bị chỉ trích.
-
1 ngày trướcTrang phục của nhân vật em gái Trấn Thành mặc trong phim kinh dị Thái Lan đang chiếu ngoài rạp Việt bị chỉ trích khiến Uyển Ân phải lên tiếng trên trang cá nhân.
-
1 ngày trướcTrong "Không thời gian" tập 21, vì những vướng mắc ở quá khứ, bà Hồi buộc phải ngăn cản tình yêu của con gái dù rất đau lòng.
-
1 ngày trướcCuối năm nay, phim Việt thất thế ngay tại sân nhà, nhường chỗ cho phim ma Thái Lan chiếm lĩnh bảng xếp hạng phòng vé. Đáng tiếc nhất là dự án "Kính vạn hoa: Bắt đền con ma" lại gây thất vọng lớn về chất lượng, doanh thu cũng lẹt đẹt.
-
2 ngày trướcSự trở lại của dàn nghệ sĩ quen thuộc ở Táo Quân 2025 như Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long sau một năm vắng bóng được khán giả mong chờ. Chương trình năm nay có thêm một số diễn viên mới.
-
2 ngày trướcKhán giả cho rằng nội dung về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là điểm cộng lớn cho phim trong bối cảnh rối ren.
Tin tức mới nhất
-
3 giờ trước
Hay nhất 2sao
-
8 ngày trước
-
8 ngày trước