Phim kinh dị Việt thất bát

Năm 2016, dòng phim kinh dị Việt liên tục khiến người xem cảm thấy hoang mang bởi hàng loạt những tác phẩm có chất lượng thấp thay phiên nhau ra rạp.

Điện ảnh Hollywood trong năm 2016 ghi nhận hàng loạt các bộ phim kinh dị thành công. Có thể kể đến The Conjuring 2, Lights Out, The Shallows hay Don’t Breathe với thắng lợi vang dội tại phòng vé hồi mùa hè vừa qua.

Song, tình cảnh của các tác phẩm cùng thể loại đến từ điện ảnh Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

Kể từ đầu năm, lần lượt Ám ảnh, Bệnh viện ma, Ma nữ báo thù, Mặt nạ máu, Phim trường ma, hay mới nhất là Cô hầu gái trình làng khán giả. Nhưng tất cả vẫn chưa thể chinh phục công chúng nước nhà vì nhiều lý do khác nhau.

“Chết” với cùng một mô-tip

Theo khoản 2, Điều 9 trong Nghị định 54 của Luật Điện ảnh, tất cả nội dung thể hiện sự dung thứ với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái đều bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

Nội dung các bộ phim kinh dị Việt Nam chưa hay một phần bởi bị bó buộc bởi quy định và luật lệ. Ảnh: Galaxy.

Có lẽ chính quy định ấy đã khiến nhiều nhà làm phim Việt Nam tự bó buộc bản thân trong mẫu cốt truyện mở đầu bằng các hiện tượng ma quái, nhưng khi hạ màn thì hé lộ rằng kẻ chủ mưu của mọi chuyện lại chính là con người.

Bên cạnh Cô hầu gái, 5 bộ phim kinh dị Việt Nam còn lại trong năm 2016 đều đi theo mô-típ ấy. Sự lặp đi lặp lại cùng một dạng cốt truyện khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Chưa kể, kịch bản của nhóm tác phẩm đều còn mắc nhiều lỗ hổng về mặt logic, khiến đoạn kết giật gân trở nên phi lý, gượng ép và khó chấp nhận.

Để có thể ra rạp, Ám ảnh đã phải trì hoãn suốt 8 tháng trời để chỉnh sửa lại nội dung sao cho phù hợp với yêu cầu của Cục Điện ảnh. Hậu quả là phần đầu và phần kết bộ phim không tương thích, khiến tác phẩm “chết thảm” giữa dịp Tết Nguyên đán 2016.

Thuộc dòng giật gân nên “Ám ảnh” bỗng trở thành món lạ trong mùa Tết 2016 khi thị trường vốn chỉ chuộng các bộ phim hài. Song, tác phẩm chưa thực sự “tròn vị” vì nhiều lý do.

Bệnh viện ma gây chú ý nhờ bộ đôi Trấn Thành - Hari Won, chọn chủ đề tội phạm đa nhân cách nhằm gây ra bất ngờ ở cuối phim. Song, chi tiết không được xây dựng kỹ lưỡng, khiến người xem cảm thấy nhà làm phim đơn thuần chỉ muốn gây sốc mà không chịu đầu tư cho kịch bản.

Tương tự là trường hợp của Phim trường ma. Phim có cấu tứ khá ổn, nhưng lại chọn cách kể chuyện nhập nhằng, cố gắng biến mọi thứ trở nên phức tạp để rồi không tìm ra được lối giải thích tương xứng.

Cô hầu gái có sự tham gia thực hiện của ê-kíp nước ngoài, rất muốn thoát ra khỏi mô-típ ấy, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở mức lưng chừng. Kịch bản phim còn để lộ ra khá nhiều lỗ hổng đáng tiếc, khiến nội dung chưa thực sự tương xứng với phần hình ảnh và âm thanh vượt trội.

Có phần hiệu ứng hình ảnh và âm thanh ấn tượng, nhưng “Cô hầu gái” chưa thể đạt đến mức xuất sắc bởi phần cốt truyện còn khá lủng củng.

Khi phim kinh dị muốn biến thành phim… hài nhảm

Có một sự thật rằng phim hài vẫn là thể loại dễ hút khách nhất đối với điện ảnh Việt Nam, với hàng tá danh hài sẵn sàng bước chân lên màn ảnh rộng, dù là sắm vai chính hoặc chỉ là vai khách mời (cameo) rất nhỏ.

Nắm bắt được điều đó, một số tác phẩm kinh dị cố gắng thêm thắt yếu tố hài hước để câu khách. Bệnh viện ma có Trấn Thành, Thu Trang, Tiến Luật. Đến Mặt nạ máu, khán giả được gặp Hoài Linh và Tấn Beo, còn Phim trường ma thì có Lê Khánh, Lê Dương Bảo Lâm cùng Mạc Văn Khoa.

Khi chưa tìm ra lời giải cho phần nội dung, một số bộ phim kinh dị Việt Nam quyết định chiêu mộ các danh hài để câu khách. Ảnh: Lotte.

Tuy nhiên, ngôn ngữ hài kịch sân khấu và hài điện ảnh tương đối khác nhau. Nếu như những ngôi sao không khéo léo chuyển mình, chính họ có thể làm hỏng cả bộ phim.

Nhưng xét cho cùng, hài hước cũng chỉ là “chất phụ gia” trong các bộ phim kinh dị. Với nhóm tác phẩm năm nay, nó đôi lúc gượng gạo, kém duyên, và được lồng ghép thiếu hợp lý, cho thấy rõ mục đích câu khách của nhà làm phim.

Phim kinh dị mà lại chẳng gây sợ hãi

Những năm gần đây, dòng phim kinh dị của điện ảnh Việt Nam có nhiều tiến bộ về mặt hình ảnh, dù chậm chạp. Song, cả năm bộ phim kinh dị trước Cô hầu gái đều có chất lượng hình ảnh kém, chưa cho thấy sự đầu tư ở giai đoạn hậu kỳ.

Nhiều phân đoạn kinh dị còn giả tạo, khiến người xem không sợ mà còn thấy buồn cười. Như ở Bệnh viện ma, phim sử dụng khá nhiều kỹ xảo để hù dọa khán giả nhưng lại không đạt hiệu quả vì phần xử lý đồ họa còn khá kém cỏi.

Không có nhiều bộ phim kinh dị Việt Nam có phần hiệu ứng hình ảnh và âm thanh vượt trội như Cô hầu gái. Ảnh: CJ.

Các bộ phim kinh dị Việt Nam hiện chỉ biết lạm dụng thủ pháp gây giật mình (jump scare) một cách bừa bãi mà chẳng cần quan tâm đến nội dung cốt truyện.

Cũng ở Bệnh viện ma, cứ mỗi lần nhân vật mới xuất hiện, tác phẩm cố gắng gây sợ hãi bằng cách cho họ bất thình lình hiện ra. Lặp đi lặp lại điều đó khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, và loạt chi tiết rốt cuộc cũng chẳng mang ý nghĩa gì.

Ngoài ra, các nhà làm phim còn “thỏa sức” đưa vào nhiều chi tiết ma mị, rùng rợn vào tác phẩm, để rồi sau đó chuyển cảnh và cho thấy tất cả hóa ra chỉ là giấc mơ. Đôi lúc, mô-típ ấy được sử dụng quá tùy tiện, khiến mạch phim trở nên dài dòng và chẳng đóng góp được gì cho nội dung.

Khán giả Việt Nam giờ được thưởng thức nhiều bộ phim kinh dị ngoại cùng lúc với thị trường Bắc Mỹ. Điều đó khiến họ ngày một trở nên khó tính hơn khi theo dõi các tác phẩm cùng thể loại của điện ảnh nước nhà. Nếu các nhà làm phim kinh dị Việt không chịu khó đầu tư hơn cho “đứa con tinh thần”, chúng sẽ chỉ mau chóng chìm vào quên lãng.

Theo Zing


phim kinh dị thất bát hài sợ hãi Việt Nam

Tin tức mới nhất