Thời điểm Gangnam Style thống trị toàn cầu, không ít ý kiến tranh luận đã nổ ra. Một số quan điểm khi đó cho rằng nền âm nhạc Hàn Quốc đã đến thời bùng nổ. Nhưng với cộng đồng fan Âu Mỹ, đây lại là cú sốc, sự khó chịu khi một MV như vậy có thể vượt qua hàng loạt tên tuổi nổi bật nhất nhất lúc bấy giờ.
Justin Bieber, Lady Gaga hay Katy Perry, ba trong số những siêu sao từng cạnh tranh quyết liệt trên YouTube đều bị Psy dễ dàng vượt qua và bỏ ở khoảng cách rất xa.
Trong hai năm 2012 và 2014, Gangnam Style là MV đầu tiên đạt được cột mốc một rồi hai tỷ lượt xem. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi. Một làn sóng những nghệ sĩ mới ở châu Á lẫn quốc tế bắt đầu xem YouTube là mặt trận quan trọng để hoạt động và gia tăng sức ảnh hưởng.
Vào ngày 11/07, Psy chính thức chia tay vị trí ông hoàng YouTube để nhường lại cho Wiz Khalifa và Charlie Puth - hai chủ nhân của bản hit See You Again. Nhưng phải đến vài ngày sau, khi nam rapper ra mắt MV, công chúng mới nhận ra Psy đã không còn sức hút với khán giả quốc tế.
Thua cả Mỹ Tâm
Mỹ Tâm và Psy là hai trong số nghệ sĩ solo nổi tiếng, đại diện cho nền âm nhạc Việt Nam và Hàn Quốc. Nhưng với sự phát triển của Kpop, sẽ thật khập khiễng nếu đặt hai tên tuổi này cạnh nhau.
Psy có một giai đoạn huy hoàng mà chính anh cũng xem đó như một giấc mơ, khi Gangnam Style trở thành siêu hit toàn cầu, được hàng triệu người săn đón và đứng trên những sân khấu lớn nhất.
Nhưng qua thời gian, YouTube, vốn là một công cụ giải trí mang tính xu hướng, đã làm nhiệm vụ sàng lọc, thay thế và không ngừng tìm kiếm những cái tên mới.
MV tối giản của Mỹ Tâm bất ngờ gây sốt. Nguồn: YouTube.
Họ đến từ khắp các quốc gia, với mọi độ tuổi, giới tính, sức ảnh hưởng để góp vào những con số đổi ra tiền cho YouTube. Vào ngày 16/07, nữ ca sĩ Mỹ Tâm đột ngột cho ra mắt MV Đâu chỉ riêng em.
Không cần báo trước, sản phẩm này ngay lập tức được lan truyền mạnh mẽ và vượt cả Psy - cũng ra MV Love trong cùng thời điểm, với có số lượt xem gấp 2,7 lần ông hoàng YouTube một thời.
Tính đến hôm nay, Đâu chỉ riêng em đạt 5,6 triệu lượt xem, trong khi Love vừa tròn con số 2 triệu. Rapper Hàn Quốc thực hiện MV theo phong cách cheocoraphy từng là trào lưu, cùng những dòng chữ "What is love" được dịch thành nhiều ngôn ngữ xuất hiện trong MV.
Điều đó cho thấy, ngay cả khi Psy với dụng ý làm hài lòng khán giả ở nhiều quốc gia, chưa kể còn có sự xuất hiện của giọng ca Taeyang nhóm Big Bang, anh vẫn không thể đạt được thành công như mong đợi.
Kết cục được dự báo từ trước
Sau Gangnam Style, Psy luôn làm ra những MV tương tự để duy trì sức hút. Anh mất đi tinh thần của một rapper thực thụ mà thay vào đó là đề cao tính giải trí và chọc cười khán giả.
Gentleman được ra mắt vào năm 2013, ngay lúc Psy đang tận hưởng những thành quả từ sức ảnh hưởng của mình. Nhờ đó, Gentleman đã được đón nhận nhiệt liệt, được chứng nhận là MV đạt 100 triệu, 200 triệu, 300 triệu lượt xem nhanh nhất thời điểm đó, cùng tổng lượt xem hiện tại là 1,095 tỷ.
Psy có lẽ đã ngủ trên chiến thắng, chìm đắm trong giấc mơ mà không chịu thức tỉnh để tìm những ý tưởng đột phá hơn. Bằng chứng là không lâu sau, ngoài Daddy và Hangover vẫn đạt số lượt xem tương đối trên 200 triệu, loạt MV tiếp nối của anh chỉ hoay hoay ở 70 triệu lượt xem.
Psy giảm sức hút khi MV ra mắt cách đây một tuần chỉ đạt hai triệu lượt xem. Ảnh: YouTube.
Nếu lập danh sách thống kê các sản phẩm hot nhất mang tên Psy, sự chênh lệch sẽ càng rõ ràng: Gangnam Style - 2,9 tỷ, Gentleman - 1,095 tỷ, Hangover - 299 triệu, Daddy - 286 triệu, New Face - 62 triệu, I Luv It - 52 triệu và Love - 2 triệu lượt xem.
Thành tích giảm dần từ đỉnh cao cho đến chạm đáy đã chứng minh những ba điều rằng: Psy thật sự ăn may, Gangnam Style chỉ là trào lưu và YouTube không phải là tất cả.
Năm 2012, Kpop công nhận kỷ lục lượt xem trong 24 giờ đầu tiên với I Got A Boy của SNSD - 3,5 triệu, tiếp đến là Bang Bang Bang - 3,7 triệu, Blood, Sweat and Tears - 6,3 triệu.
Và trong năm 2017, Kpop đã có bước tiến dài tại hạng mục này khi As If It's You Last của Black Pink đạt 13,3 triệu, phá kỷ lục 10,9 triệu từ Not Today của BTS hồi đầu năm.
Tại Việt Nam, Sơn Tùng không hề thua kém khi Nơi này có anh được phát hành vào ngày 14/2 đã cán mốc 6 triệu, vượt thành tích của Lạc trôi với 5 triệu lượt xem ngày đầu tiên.
Ngoài ra, cũng không hiếm những MV của Vpop như Nơi này có anh, Lạc trôi, Bống Bống Bang Bang, Yêu là tha thu, Gửi anh xa nhớ, Em chưa lấy chồng đạt số lượt xem hàng chục triệu.
Trong số đó, nhạc phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể đang là MV nhạc Việt Nam phổ biến nhất YouTube với 226 triệu lượt xem - một con số không dễ đạt được với những nghệ sĩ Hàn Quốc.
Những ví dụ trên không phải là bằng chứng chống lại Psy, mà ngược lại, còn là dấu hiệu đáng mừng cho việc cán cân YouTube đã bắt đầu nghiêng trục sang thị trường châu Á.
Anh là người tiên phong, đã có công lôi kéo sự tập trung của khán giả và nhắc nhở họ rằng, YouTube chính là kênh quảng tuyệt vời để lan toả sức ảnh hưởng của nghệ sĩ nội địa ra thế giới.
Theo Zing