Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân

"Táo Kinh tế" Quang Thắng cho biết, anh bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân

Có lần, tôi ngồi phỏng vấn Quang Thắng ở vệ cỏ trước Nhà hát lớn Hải Phòng, 2 anh em ngồi trên nền bê tông lát đường, duỗi thẳng chân, thi thoảng vui tay bứt bứt lá cỏ cười đùa. Kẻ hỏi cứ hỏi, người trả lời cứ nói mà không e ngại bất kỳ ánh mắt nào của người qua lại.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-1

Còn mới đây nhất, trong một căn nhà ở phố Long Biên, Hà Nội, cảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp ngôi sao làng hài phía Bắc, đó là hì hụi ăn dở cốc mì tôm. Quang Thắng cười hề hề đon đả: Mấy đứa tìm nhà anh khó không? Làm gì mà khó mấy? Ăn luôn mì anh pha nhé? Ăn đê? Nào để pha luôn...!

Quang Thắng: Uống thuốc an thần, stress nặng vì Táo quân

Kể ra 2 câu chuyện nhỏ để thấy, khác với nhiều ngôi sao showbiz, Quang Thắng mộc mạc, dễ gần và thật thà. Ngồi nói chuyện với anh rất vui - đương nhiên rồi, vì như nhiều người vẫn khẳng định: Riêng Quang Thắng, nhìn mặt đã thấy buồn cười!

Nhưng sự thật, đằng sau khuôn mặt dễ gây cười đó, vốn luôn có nhiều nỗi niềm chôn dấu. Và đây là lần đầu tiên anh trải lòng những câu chuyện như vậy…

- Trong suốt 15 năm qua, kịch bản Táo quân năm nào khiến anh nhớ nhất?

Tôi có thâm niên 15 năm tham gia Táo quân, trọn vẹn rồi đấy. Tôi diễn từ những ngày đầu tiên luôn. Tôi có sở thích đặc biệt là sưu tầm kịch bản Táo quân từ những năm đầu tiên đến giờ và hiện đang giữ 3, 4 kịch bản gốc luôn. Hàng hiếm đó. Tôi giữ để sau này già xem lại.

Còn mùa Táo quân nhớ nhất, là năm tôi vào vai Táo Quy hoạch. Nhớ là vì tôi phải học nhiều lời nhiều, rồi chạy show nhiều quá nên bị stress. Về sau đầu trống rỗng, không nhớ được thoại. Hồi đó, Bắc với Lý (Xuân Bắc và Công Lý – PV) vào hùa trêu nữa nên càng bốc hỏa. Thế là tôi tức, bức xúc định bỏ không đóng Táo quân nữa.

Mà lúc đó, cộng thêm cảnh xa nhà, xa vợ nên tôi bị căng thẳng thần kinh, khiến phải đi mua thuốc an thần uống. Cái thuốc này tôi được Chiến Thắng mách, loại thuốc dành cho học sinh học nhiều quá bị căng não. Uống vào cho não giảm căng thẳng xuống.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-2

Mà tôi nghĩ, thực ra các bạn ấy chưa chắc đã hơn tôi nhưng cứ cậy tuổi trẻ, cậy khôn hơn nên tôi tức. Ví dụ như khi không thuộc lời, các bạn ấy nói luôn là “cứ từ từ nhớ, để về học sau”, kiểu như thế thì có ai nói gì đâu, nhưng lại hùa vào nói kiểu “Thắng Vẹo học ngu thế, mãi mà không thuộc lời”.

Tại sao lại tập trung nói 1 mình tôi? Những người khác quên thì sao? Có người quên luôn tại sân khấu, bỏ hẳn đoạn nọ đoạn kia nhưng có ai nói gì đâu?

Nhưng cuối cùng tôi lại nghĩ “ơ bọn nó trêu mà sao mình lại không đóng nữa. Kệ chứ”. Cộng thêm đạo diễn Đỗ Thanh Hải khuyên bảo nên tôi xuôi.

- Bây giờ nghĩ lại chuyện định bỏ Táo quân vì bị anh em trêu chọc, anh có thấy mình trẻ con?

Không phải tôi trẻ con, mà đến tận bây giờ vẫn nghĩ xem là tại sao họ nói thế nhỉ? Khi mà chân mình đang lấm bê bê, sao không lo bản thân đi mà lại lo cho người khác? Mình trách các bạn ấy là vì thế chứ tính tôi xuề xòa cho qua thôi. Tôi cũng không phải là con người thâm thù.

- Đó là lần giận dỗi lâu nhất của Quang Thắng?

Lâu đấy! Cũng không hỏi nhau một thời gian khá dài.

- Cuối cùng làm sao để hóa giải?

Thì sau khi làm tốt công việc, trong buổi liên hoan Táo quân, Đạo diễn Đỗ Thanh Hải giảng hòa. Hải bảo “không vấn đề gì cả ngon lắm rồi” nên thôi đấy.

À mà lúc tập tôi mới quên thôi chứ vào diễn rồi thì chưa bao giờ quên. Những năm gần đây tôi lại “chấp hết”. Chính các bạn ấy còn bảo sao ông này bây giờ thuộc nhanh thế nhỉ?

Mà đúng ra năm đó cũng không phải do tôi kém mà vì kịch bản quá khó, vào tay ai cũng khó cả thôi. Ở vai Táo Quy hoạch, phải thuộc nhiều con số đo đạc cụ thể, diện tích cụ thể, bao nhiêu nhà bỏ hoang, bao nhiêu sào đất, héc-ta các thứ… Ai mà nhớ nổi.

- Theo đánh giá của anh, trong dàn Táo quân, ai là người có lối diễn tốt nhất?

Nếu xét về góc độ nghề nghiệp thì Công Lý là người diễn giỏi nhất. Tôi nể phục diễn xuất của Công Lý. Một người cầm trịch được cả dàn Táo quân trên sân khấu từ đầu đến cuối như thế không phải đơn giản. Bạn ấy phải thuộc tất cả các lời để dẫn dắt câu chuyện.

Thực ra, đạo diễn từng muốn để cho người này, người kia dẫn dắt rồi, nhưng người ta không kham nổi. Toàn bị gẫy chương trình ở khúc này khúc kia. Nên từ đấy để Lý gánh vác. Vai Bắc Đẩu dẫn dắt hết cả chương trình.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-3

- Thẳng thắn và ưu ái Công Lý như vậy, anh không sợ mất lòng những người khác?

Đây là nhận xét của cá nhân tôi, chứ không bắt mọi người phải theo, phải yêu Công Lý như mình. Công Lý có mặt được cũng có mặt không được so với xã hội. Có những thứ ở Lý được với người này, nhưng với người khác lại chưa được.

- Xuân Bắc – người diễn xuyên suốt Táo quân cùng cổ Đẩu Công Lý thì sao?

Tôi cũng quý Xuân Bắc vì bạn ấy nhanh nhẹn, năng động. Nhưng vì không thân nên không hiểu hết được.

-Quang Thắng đã bao giờ bị đồng nghiệp xem thường?

Nhiều chứ. Cả những người không bằng tôi cứ vẫn xem tôi thường mà. Người ta bảo “ông chỉ là thằng hề thôi”.

Thường thì những người diễn chính kịch rất coi thường người đóng hài kịch. Thế nhưng tôi chỉ nói một điều là, các bạn ấy nhầm. Diễn hài đâu đơn giản. Mỗi người một cái duyên. Đâu phải ai cũng làm cho người khác cười được.

Thực ra trong nghề diễn viên, cái tôi của họ rất lớn. Họ đều xem thường người khác, không ai chịu ai. Chẳng ai nói rằng tôi yếu hơn ông hay ông giỏi hơn tôi, mà lúc nào cũng nghĩ tôi phải là nhất, tôi phải thế nọ, tôi phải thế kia.

Tôi ở trong nghề nhiều năm bao nhiêu kinh nghiệm nhưng thấy cái gì của người khác được là mình phải học. Tôi không bao giờ vỗ ngực với những cái được của mình. Tính tôi nhún nhường nên nhiều khi thiệt thòi.

- Câu nói thể hiện sự xem thường khiến anh bức xúc nhất là gì?

“Ôi cái thằng này từ quê lên nhoi kinh đấy”- đó, người ta xem thường tôi là dân địa phương, mà cứ địa phương là mặc nhiên ở nhà quê. Kiểu nhà quê lên Hà Nội mà cứ nhoi nhoi lên để nổi tiếng.

Trong lòng tôi trước giờ không bao giờ đặt sự nổi tiếng nên hàng đầu, chỉ biết rằng mình là người làm được việc, được mọi người yêu quý, thế thôi!

Còn lại mọi thứ khác, tôi bỏ ngoài tai hết. Những việc đấy không bao giờ tôi để trong lòng. Tôi ấm ức làm cái gì? Suy nghĩ nhiều mệt ra, đầu óc còn phải làm việc khác chứ. Giờ cứ nghĩ tới những câu đấy rồi học nhiều lời thoại vào nữa, đôi khi còn bị thần kinh.

Tôi chứng minh bằng vai diễn của mình thôi. Thanh minh làm gì? Thanh minh sao được với miệng thiên hạ? Tốt nhất là chứng minh bằng công việc. Thấy mình vui vẻ hòa đồng, làm tốt công việc được giao mọi người sẽ hiểu điều họ từng nghĩ về mình là sai.

Anh Quốc Khánh cho tôi ở nhờ khi không có nhà ở 

- Vân Dung bảo Quang Thắng có mấy cái nhà Hà Nội rồi, nhưng lúc nào cũng bảo không có tiền, phải đi xe máy, xa khách lên Hà Nội, kêu nghèo kể khổ…

Ới giời, đấy là vì bạn Dung buôn nhà, buôn chung cư cao cấp nên lúc nào cũng nghĩ ai đều giống mình đấy mà! Bạn Dung cứ làm như các diễn viên cùng nghề đều có khả năng buôn bán nhà như bạn ấy vậy!

Ông trời cho mỗi người một cái lộc. Ví dụ cho Vân Dung lộc buôn nhà, tôi được lộc bạn bè chẳng may có làm sao thì nhiều người giúp đỡ, cho anh Khánh (NSƯT Quốc Khánh - PV) khả năng cả ngày có thể ngủ li bì mà không mỏi mệt còn đêm thì tỉnh như sáo, cho Công Lý tài diễn giỏi nhưng uống rượu cũng khó ai sánh… Ông trời kẻ ô rồi, người ngồi ô này, người ngồi ô kia.

Mà tôi còn thừa biết bạn Vân Dung mù công nghệ, ít đọc báo chí lắm, gần như tất cả các báo, bạn ấy chẳng đọc gì, ngoài tờ Mua&Bán để bạn ấy buôn bán nhà. Vân Dung say mê tiền, nên cứ bị trêu là một người “đầy mặt tiền” là như thế.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-4

- Quang Thắng “kháy” Vân Dung, ngược lại Vân Dung cũng uất Quang Thắng. Ai đời, lên nhà bạn chơi còn lừa con trai Vân Dung thả điện thoại của mẹ vào chậu nước để xem nó… bơi như cá vàng!

Tính tôi vui tươi, trẻ trung, không thể ngồi yên một chỗ được. Hôm đó đến nhà Vân Dung tập chương trình, tôi thấy cậu con trai bạn ấy thông minh, kháu khỉnh, chưa ai lừa được nên tôi thử.

Tôi lừa nó chui vào ruột chăn xong kéo khóa lại, cu cậu cứ bùng nhùng trong chăn không thể nào ra được, khóc thét trong đấy. Vân Dung phát hoảng, chạy vào xưng xỉa lên bảo “em không nghĩ anh đùa cháu đến mức như thế này”.

Tôi mới chém lại “thế là còn nhẹ đấy, xem điện thoại đâu đi, hình như lúc nãy nó bơi như con cá vàng ấy”.

Nhìn cái mặt xót của của Vân Dung tôi phì cười ra. Số là tôi xúi con trai Vân Dung thả điện thoại vào trong chậu nước để xem nó bơi đẹp như cá vàng. Cu cậu thích chí làm theo nhưng chẳng thấy nó bơi gì cả, còn điện thoại của Vân Dung… dĩ nhiên, hỏng mất rồi.

- Số đông khán giả luôn nghĩ anh thân thiết với Vân Dung nhưng ít ai biết, sự thật anh thân và hiểu Quốc Khánh nhất?

Đúng vậy, trong nhóm Táo quân, tôi thân nhất với anh Quốc Khánh, sau đó đến Tự Long và một vài người nữa. Anh Quốc Khánh là người đã nâng đỡ tôi từ những ngày đầu tiên khi tôi chập chững từ Hải Phòng lên Hà Nội học trường Sân khấu – Điện ảnh, khoảng năm 1999.

Năm 2000, tôi bắt đầu được đóng chung với anh Khánh. Lúc ấy tôi không có nhà cửa trên Hà Nội, dù họ hàng cũng rất đông, nhưng nghề của tôi đi sớm về khuya nên không muốn làm phiền. Do đó tôi về nhà anh Khánh ở.

Ở lâu cùng mới thấy đó đúng là một người anh thật sự. Tôi có nhiều cái sốc nổi, bộp chộp nhưng anh ấy thì sâu lắng, biết nghĩ xa. Có những lời anh Khánh khuyên răn, khiến tôi phải giật mình nhìn lại xem bản thân sống thế đã đúng chưa rồi khắc phục. 

Những điều anh nói quá sát đối với tôi, như cách một người anh khuyên người em trai. Thế là tôi thân với anh từ đó.  

- Trong một lần phỏng vấn Quốc Khánh, tôi được biết, căn phòng anh ấy ở chỉ rộng khoảng 10m2, đến gường tủ, bàn ghế đều phải làm mỏng theo diện tích phòng thì 2 anh em sinh hoạt trong căn phòng đó thế nào?

Chắc ít ai biết rằng tôi và anh Khánh từng ngủ trên cái giường rộng 1m2. Có những lúc thấy chật chội kinh khủng nhưng anh Khánh không bao giờ nói một câu. Nhà tuy bé nhưng tấm lòng của anh ấy cực kỳ rộng mở.

Anh ấy đỡ tôi bao nhiêu năm, sau đó tôi mới tìm nhà trọ, thuê nhà nghỉ để ở vì không muốn phiền toái anh ấy.

Khi ở cùng anh Khánh, có lần đánh răng rửa mặt xong, anh Khánh vào sau quên tắt đèn nên tôi nhắc. Anh ớ người, chạy ra, đáng lẽ phải tắt đèn thì lại bật máy bơm. Tôi thấy đèn vẫn sáng bảo “thế ông không tắt đèn à?”. Lúc ấy anh mới kêu lên “thôi chết rồi, già lẩm cẩm rồi, bảo tắt đèn lại bật máy bơm”.

Mình thấy nhiều lúc gây phiền hà quá, làm đảo lộn nhiều nếp sinh hoạt của gia đình anh ấy, nên đi tìm chỗ khác.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-5

- Cho đến bây giờ Quốc Khánh vẫn cứ vò võ một mình, có bao giờ Quang Thắng cảm thấy xót xa cho ông anh trong những ngày lễ Tết hay lúc ốm đau?

Có chứ. Tôi là người ở sát anh ấy nhất. Thời ông bà (bố mẹ NSƯT Quốc Khánh – PV) còn sống, năm nào tôi cũng đến chúc Tết. Hồi đấy tôi chưa lấy vợ, tôi vẫn thường nhắc “có khi anh phải lấy vợ đi”, anh Khánh nói lại luôn “mày vội cứ lấy trước”, thế rồi tôi lấy trước thật.

Đầu năm ngoái khi mẹ anh Khánh còn sống (bà mất vào cuối năm), khi tôi đến nhà thăm và “chúc bà sang năm khỏe hơn năm ngoái nhé”. Bà bảo “vâng, anh chúc Tết tôi khỏe mạnh, để tôi còn sức chăm ông Ngọc Hoàng”!

Tôi nghe câu đấy xong thật sự thấy xót quá. Tôi cũng trách anh Khánh cứ thích cuộc sống một mình để bà cụ tuổi cao rồi vẫn cứ phải lo lắng, chăm sóc. Tất nhiên, mẹ anh ấy cũng chẳng cần chăm anh ấy đâu, nhưng người mẹ nào chẳng thấy con mình nhỏ bé.

Nhưng thôi, ông trời kẻ ô cả rồi, chẳng biết thế nào mà nói.

Nhớ vợ, 2h đêm bắt container về Hải Phòng 

- Điểm đặc trưng nhất về con người Hải Phòng trong Quang Thắng là gì?

Là sự thật thà và lòng nhiệt tình. Trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày, bạn bè nhờ cái gì mà làm được là tôi hết lòng. Nếu không làm được việc cho bạn, tôi cứ cảm thấy có gì đó sai sai, áy náy trong lòng.

- Với câu hỏi này, tôi cần anh thật thà. Có thông tin, vợ anh bị đuổi việc vì sinh con thứ 3, cũng bởi Quang Thắng rất muốn có con trai?

Điều này là đúng. Vì thời điểm đó quy định khá nghiêm ngặt nên tôi phải chịu thôi. Thật ra, trong dòng họ, tôi cũng bị áp lực sinh con trai nối dõi. Đợt đó bố tôi bị ngã gẫy xương cổ đùi, tưởng là không qua khỏi, bố gọi tôi vào bảo cố gắng đẻ đứa con trai. Mà lúc đó mình có 2 bé gái rồi, nên đành phải chấp nhận làm trái với quy định.

Tôi đi xa nhiều nên tình cảm dành cho các con được tôi rất quý trọng. Tôi ít khi mắng con, gần như không bao giờ đánh nhưng vẫn phải nghiêm khắc để các con không nhờn. Được cái, tôi chỉ cần lừ mắt là các con sợ.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-6

- Quang Thắng có sợ vợ không?

Sợ thì không sợ, mà nể nhau, biết cách chiều chuộng, tôn trọng, nhún nhường nhau. Cái lỗi lớn nhất của tôi là đi xa gia đình nhiều quá. Nên khi về nhà tôi luôn muốn chiều vợ chiều con. Tôi có thể vào bếp nấu nướng, rửa bát, không nề hà bất cứ điều gì.

Vợ tôi ở nhà quản lý 3 đứa con, cơm nước chợ búa tối tăm mặt mày nên tôi rất muốn chia sẻ. Về đến nhà vợ bảo “đi chợ” là đi luôn và ngay. Tôi không bao giờ nghĩ mình là diễn viên thì không được ra chợ đâu.

Tôi đi chợ, mặc cả tưng bừng phấn khởi luôn. Mua từng miếng thịt mớ rau đều mặc cả ngon lành. Nếu hôm đấy vợ bảo mệt, tay đang nẻ, kêu rửa bát là tôi làm luôn, không nề hà việc gì. Mà nói thẳng luôn là tôi nấu ăn ngon hơn cả vợ.

- Người đàn ông bận rộn như anh thời gian đâu mà học nấu ăn?

Tôi làm rất nhiều chương trình về ăn uống như “Ở nhà chủ nhật”, “Vào bếp vối người nổi tiếng”, “Ẩm thực độc đáo”... nên có cơ hội đi khắp cả nước, ở đâu có món ăn ngon là tôi đến nêm nếm xem cách họ chế biến như thế nào.

Có thể những cái đó nó ngấm vào mình, đến khi về nhà được vận dụng nấu ăn cho vợ con sau nhiều ngày xa cách nên có thể nấu được đậm đà, thả được cái hồn vào bữa cơm đấy.

Quang Thắng: Tôi bị coi thường là thằng nhà quê nhoi lên Hà Nội, uất ức muốn từ bỏ Táo quân-7

- Nhiều người bảo nghệ sĩ hài mang tiếng cười đến cho khán giả, nhận về sự nổi tiếng và những phút giây thăng hoa nghệ thuật. Thế nhưng có những nỗi buồn, có những giọt nước mắt mà không phải ai cũng nhìn thấy được. Điều này có đúng không?

Thường là như vậy. Những nghệ sĩ hài thường trong sâu thẳm họ đều rất buồn, thì họ mới làm được người khác cười.

Như chị Vượng (NSƯT Minh Vượng – PV), tôi coi như chị gái của mình. Bao nhiêu năm tích lũy bây giờ chỉ để chữa bệnh, một mình lọm khọm. Anh Quốc Khánh cứ 1 mình đi về đêm hôm. Vân Dung không phải không có nỗi buồn nhưng không nói ra. Hoặc cả Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, ai nấy đều cũng có nỗi buồn riêng.

- Còn nỗi buồn của anh? Có phải là một người đàn ông dù nấu ăn rất ngon, rất thích nấu ăn cho vợ con nhưng vẫn phải ngồi trong căn nhà lạnh lẽo cách xa Hải Phòng hàng trăm km, xì xụp ăn cốc mì tôm?

Nỗi buồn của cá nhân tôi có cái tâm sự được, nhưng cũng có những cái không thể chia sẻ cùng ai. Mọi người cứ nghĩ nghệ sĩ hài lúc nào cũng vui vẻ, được tung hô, đâu phải vậy.

Tôi cũng ra đường, đi chợ, làm việc như bao người, rồi về nhà ăn cốc mì tôm xong lại chuẩn bị đi làm tiếp. Tôi vẫn nhớ trước kia đi tập Táo Quân, các bạn ấy tập xong được về nhà, còn tôi có được về đâu. Hồi ấy đã làm gì có xe ô tô đâu.

Tập xong phóng xe máy từ Đài truyền hình VN về nhà trọ xa trung tâm, đi qua cầu Chương Dương lúc 2-3 giờ đêm vắng tanh, lắm hôm mưa phùn nữa, nghĩ tủi thân cay đắng lắm, nước mắt trực trào ra. Lúc ấy nghĩ mình khổ quá và thật sự nhớ nhà, nhớ vợ con.

Cũng là đồng nghiệp mà các bạn ấy tập xong được về chăn ấm đệm êm còn mình cứ thui thủi ngoài đường giữa mùa đông lạnh lẽo.

Có những hôm nhà trọ hết phòng, mà 4 giờ sáng mới có chuyến xe đầu tiên về Hải Phòng, thế giờ mình chơi với ma à? 2-3 giờ đêm, phòng thì không có, đêm hôm lạnh lẽo, làm gì trong 1-2 tiếng đấy bây giờ?

Thế là tôi lại lấy xe máy phóng xuống chợ đầu mối dưới Cầu Giấy xem họ mua bán rau cỏ thế nào. Đến lúc nhìn đồng hồ thấy 4 giờ kém 15 lại phóng từ đấy về, vào trong bến gửi xe, lên ô tô ngủ một giấc cho đến khi về tới Hải Phòng để kịp sáng hôm sau họp giao ban.

Tính tôi không muốn để cho công việc xảy ra chuyện gì, hay để lỡ hẹn chuyện gì.

- Thời gian xa nhà còn nhiều hơn lúc đoàn tụ. Tuổi thơ của các con lớn lên thiếu vắng sự gần gũi của bố rất nhiều. Vợ và các con anh có thông cảm cho sự thiếu vắng đó?

Cho đến tận bây giờ, tôi không dám có lời hứa nào với gia đình, với vợ tôi. Thế nhưng bất cứ lúc nào tôi rảnh, nhớ vợ, tôi bảo về, thì lúc đó kể cả là 2 giờ sáng không còn xe khách nữa tôi cũng ra quốc lộ bắt xe Container để về.

Vợ tôi rất nể tôi ở điều đó. Đã bảo về là về, không có chuyện “em ơi không còn xe đâu, sáng mai anh về sớm nhé”. Tôi sẵn sàng về nhà lúc 2-3h sáng, hôm sau tôi lại đi làm sớm.

- Thường thì sau một cuộc hôn nhân đủ dài, hoặc khi đã nhiều tuổi một chút người ta sẽ rất ít thể hiện tình cảm với nhau, nhưng tôi vừa nghe thấy anh nói đến 2 từ nhớ vợ!

Tình cảm vợ chồng là chuyện riêng tư, tôi không muốn chia sẻ cho mọi người biết.

Mình không thể nói hay về gia đình mình đâu. Có những gia đình khác họ còn hay hơn cơ. Thế nên chuyện đấy xin phép mọi người được giữ làm chuyện riêng, giấu trong lòng thôi.

Theo Trí Thức Trẻ


quang thắng

Tin tức mới nhất