Quốc Bảo: 'Đừng đánh giá công chúng thích nhạc sến thấp'

Không hẳn cổ xúy cho trào lưu "đào bới" những ca khúc xưa - sến nhưng Quốc Bảo cũng không ủng hộ cách nhận xét của nhạc sĩ Quốc Trung, anh nói: "Sao phải chê?".

- Anh có thể "phân loại dán nhãn" các dòng nhạc tồn tại ở Việt Nam hiện nay?

- Việc phân loại, dán nhãn các "dòng" ở Việt Nam chỉ mới dừng ở mức sơ sinh, kiểu như những đứa bé lọt lòng mẹ được cho mặc áo hồng nếu là con gái, áo xanh là con trai.

"Dòng" ở đây chẳng nói lên phong cách âm nhạc mà chỉ phân loại theo cảm tính, đầy bất cập và thành kiến. Hơn nữa, đâu phải một ca sĩ chỉ đi một dòng - các nhãn dán lên một nghệ sĩ chắc phải kín hết người.


- Nhiều người phủ nhận sức sống của nhạc thị trường, nhạc sến, còn anh?

- Riêng tôi chưa phủ định nhạc bình dân. Nó có công chúng, có các bài hát hay bên cạnh nhiều bài dở. Tôi cho rằng, nhạc boléro chịu ảnh hưởng của dân nhạc người Chăm. Có chất liệu dân gian, có các tác giả viết đều, lời ca lại nói đúng nỗi niềm của người ta, tại sao mình lại chê? Không có nhạc cấp thấp, chỉ có nhạc dở.

- Sự tồn tại và phát triển của các dòng nhạc được liệt kê cấp thấp như nói ở trên, theo anh có nguy hại cho những dòng nhạc khác?

- Ai làm việc nấy. Không lợi gì và cũng chẳng hại gì. Công chúng nhạc bình dân vẫn có thể nghe các loại nhạc không bình dân. Đâu ai bắt họ chỉ được nghe boléro.

- Nếu những dòng nhạc sến xưa cũ vẫn thịnh hành, anh nghĩ điều này có thể hiện một thị hiếu khán giả đang có vấn đề?


- Không. Đừng bao giờ cho rằng công chúng thấp hơn mình.

- Thực tế là có những ca sĩ đang lận đận trong công danh nhưng bỗng dưng nổi tiếng khi ra một sản phẩm nhạc xưa. Điều đó anh thấy sao?


- Họ tìm ra một lối rẽ để phát triển sự nghiệp, ta phải khen ngợi họ. Mặt khác, chắc gì chúng ta - tạm gọi là những người viết nhạc "cấp cao" - có đủ bài hay cho họ hát.

Nhạc bình dân sẽ tồn tại, có thăng có trầm nhưng không chết


- Từ góc nhìn của mình, anh thấy sao về sức sống của những dòng nhạc như boléro?

- Có một khái niệm gọi là vô thức tập thể, ăn sâu vào gen di truyền. Không cần học, không cần ai quảng cáo người ta vẫn cảm thấy yêu nhạc bình dân, yêu các làn điệu rên rỉ buồn thương. Còn việc liệu có đến lúc chẳng ai nghe boléro nữa không, tôi cho rằng không. Nhạc bình dân vẫn sẽ tồn tại, có thăng có trầm nhưng không chết.

- Nếu có ai đó đề nghị anh sản xuất một album theo dòng nhạc xưa cũ, anh vẫn làm chứ?

- Một nhà sản xuất giỏi luôn tìm được ở người ca sĩ một kho tàng cất giấu và biết cách đan cài những gì đặc sắc của bản thân vào với giọng ca, phong cách người ca sĩ đó. Tôi vẫn nhận lời nếu có thời gian.

- Hiện nay làn sóng ca sĩ Việt kiều trở về Việt Nam và hát những ca khúc xưa đang nở rộ. Theo góc nhìn của anh điều này có làm ảnh hưởng đến tư duy cũng như thẩm mĩ của khán giả cũng như làm cho ca sĩ trong nước chạy theo trào lưu này?

- Người ta hát khi còn có người nghe. Khán thính giả lựa chọn những gì hợp với họ, có cung có cầu, đấy là lành mạnh.

- Theo anh, những thứ chúng ta cần để làm mới nền âm nhạc vốn đang trọng những giá trị xưa cũ hơn mức bình thường như hiện nay?


- Cần học. Cần phát triển tư duy. Cần dũng cảm.

- Những liveshow đều đặn diễn ra của các ngôi sao với thể loại, dòng nhạc xưa cũ như hiện nay, có làm anh bận tâm?

- Tôi nghĩ có cung thì có cầu. Ta đâu có quyền trách người tiêu dùng thích.

- Vậy vấn đề đặt ra cho các nhạc sĩ hiện tại là gì khi những những ca khúc nhạc xưa, sến vẫn đang rất được ưa chuộng?

- Các nhạc sĩ nên làm thế nào để giỏi hơn.

Theo VTC

Tin tức mới nhất