Quy luật ngầm và mánh lới làm siêu mẫu

Làng mẫu của Trung Quốc không thiếu những quy luật ngầm để đưa tên tuổi người mẫu trở thành siêu mẫu, cũng như những chiêu trò để trở thành một người mẫu đẳng cấp thế giới.

Mặc dù khái niệm người mẫu đã xuất hiện ở Trung Quốc gần 3 thập niên, thế nhưng ở đất nước này, những "ma nơ canh" biết đi vẫn chưa thực sự được chú ý. Phải đến cuối năm 2008, khi xuất hiện thông tin một nữ người mẫu ở Lệ Giang đột tử, lúc này công chúng và truyền thông mới thực sự chú ý đến ngành nghề tuy cắm gốc rễ khá lâu nhưng chưa thực sự được xã hội để mắt.

Ra nước ngoài hành nghề phi pháp

30 năm làng mẫu Trung Quốc, có không ít những người mẫu đã tìm đường ra với làng thời trang quốc tế đầy sôi động và nhiều màu sắc. Ấy vậy nhưng, để trở thành những siêu mẫu nổi tiếng thế giới như người mẫu Đỗ Quyên (Du Juan) không phải nhiều. Thậm chí từ khá lâu đã xuất hiện nhiều tình trạng người mẫu Trung Quốc đổ xô ra các sàn diễn thời trang nước ngoài nhưng một tấm visa lao động chính quy cũng không có.

Quy luật ngầm và mánh lới làm siêu mẫu! - 1
Tìm đường ra các sàn diễn thế giới lao động chui cũng là một cách
để người mẫu Trung Quốc nuôi mộng nổi tiếng.


Quy luật ngầm và mánh lới làm siêu mẫu! - 2
Dù vậy, vẫn có những người mẫu Trung Quốc bám trụ
 và thành danh tại sàn catwalk quốc tế.


Họ đành phải chấp nhận "làm việc chui", lao động phi pháp với thu nhập hạng bét tại các sàn diễn quốc tế. Trong số đó, một vài người mẫu đã hành nghề mại dâm hoặc làm người mẫu ảnh để tồn tại nơi đất khách quê người. Tại một số nước phát triển ở châu Âu hay Mỹ, các tạp chí ảnh và những buổi trình diễn thời trang, cuộc thi tìm kiếm người mẫu lớn nhỏ xuất hiện nhan nhản không kém ở Trung Quốc.

Đối với những người mẫu sống ở nước ngoài từ 1 - 2 năm, ít nhất họ cũng có cơ hội một đến hai lần được lên tạp chí hoặc góp mặt tại các buổi trình diễn thời trang trên. Sau đó trở về nước, những người mẫu này lôi các tạp chí có hình họ trên đó hoặc tên tuổi từ các show diễn thời trang từng có mặt để "hù dọa" giới thời trang trong nước rằng, tôi là người mẫu đẳng cấp quốc tế.

Đây cũng là một cách thành danh bằng việc đánh đổi có vẻ đáng nể của một số người mẫu mang mác "quốc tế", đã và đang áp dụng ở Trung Quốc, hòng tiến thân và có địa vị nhất định trong nghề. Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết đó chỉ là một lớp mạ vàng không mấy tự hào, để đến khi bị phát hiện cũng đủ khiến sự nghiệp của họ xuống dốc không phanh.

Nhãn hiệu thời trang cũng nổi tiếng "chui"


Tương tự cách làm trên, một số nhãn hiệu thời trang của Trung Quốc đại lục sử dụng chiêu đăng ký nhãn mác ở nước ngoài hoặc Hồng Kông. Một thời gian sau, họ mang thương hiệu trở về đại lục kinh doanh và nghiễm nhiên được "tiếng thơm" là sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài hoặc từ Hồng Kông. Ngoài ra, một số nhãn hiệu thời trang còn liều lĩnh hơn, mời những người mẫu tự do là người nước ngoài làm việc ở Trung Quốc, tham gia các buổi diễn thời trang của họ, để đánh bóng và nâng tầm tên tuổi show diễn với cái mác là show diễn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quy luật ngầm và mánh lới làm siêu mẫu! - 3
Một số nhãn hiệu thời trang Trung Quốc thuê người mẫu tự do,
 bỏ tiền tổ chức những show diễn gần địa điểm diễn ra sự kiện tuần lễ thời
trang quốc tế để  được thơm lây.

Những nhãn hiệu này còn tiến xa hơn khi tự bỏ tiền túi, vươn xa tới các sự kiện thời trang quốc tế, như tuần lễ thời trang Paris, Milan... để biểu diễn. Trên thực tế, theo thông tin của những người thạo tin tiết lộ, những buổi trình diễn của các nhãn hiệu thời trang trên không hề có tư cách hay thuộc một trong các sự kiện thời trang của những tuần lễ thời trang thế giới như Paris, New York  hay Milan hoặc Tokyo. Đơn giản đó chỉ là những buổi trình diễn mang tính một sự kiện họp báo nhỏ, giới thiệu bộ sự tập của cá nhân, được tổ chức tại một nhà hát hay thậm chí là một hộp đêm gần khu vực diễn ra tuần lễ thời trang uy tín trên.

Mánh lới của những kẻ mưu lợi là chụp ảnh và ghi hình những show diễn trên, sau đó "tuồn" về Trung Quốc. Từ đó tự tung hê sản phẩm của mình từng có mặt/tham gia những tuần lễ thời trang danh giá thế giới: "Người Trung Quốc không phải ai cũng có điều kiện ra nước ngoài, thế nhưng chỉ cần đến một trong các địa điểm có các sự  kiện thời trang trên, người ta sẽ biết ngay nhãn hiệu đó không hề có danh quốc tế gì cả", một người mẫu từng tham gia một hoạt động ngụy tạo thời trang quốc tế tâm sự.

Như vậy, để đạt được thành công và danh lợi một cách nhanh chóng, các nhãn hiệu thời trang không ngừng nghĩ ra đủ chiêu trò, thủ đoạn giả danh hòng qua mặt người tiêu dùng. Giới người mẫu cũng cùng một suy nghĩ bốc đồng như trên, khi trong đầu họ luôn thường trực giấc mộng thành danh nổi tiếng chỉ sau một đêm.

Quy luật ngầm để trở thành người mẫu nổi tiếng


Nữ người mẫu Giả Ni Ni từng châm biếm trên blog cá nhân khi nói về những tuyệt chiêu nổi tiếng của các giới siêu người mẫu. Ni Ni có viết: "Trong giới người mẫu này, nếu muốn làm một người tốt không hề dễ, thế nhưng muốn trở thành một người mẫu đỉnh cao thì còn khó gấp ngàn lần hơn. Ngoại trừ việc đứng sau bạn có một công ty quản lý sừng sỏ và lắm chiêu trò. Ngoài ra bạn còn cần có sự trợ giúp của một tập đoàn truyền thông và báo chí hùng hậu. Điều này có nghĩa là, sẽ có rất nhiều các nhà thiết kế được thấy bạn xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí, lập tức tự khắc bạn sẽ được họ mời tham gia các show trình diễn của họ, may mắn hơn còn làm vedette trong các show của những nhà thiết kế này. Thế nhưng điều đó không có gì đáng để bàn, hiệu quả cũng chỉ là làm thật ăn giả mà thôi".

Quy luật ngầm và mánh lới làm siêu mẫu! - 5
Không có đại gia, người dựa lưng thì ít nhất người mẫu phải có tiền
 mới mong nổi tiếng.

Ni Ni dẫn ra một quy luật ngầm để trở nên nổi tiếng của giới siêu mẫu: "Còn nếu không thì bạn nhất định phải có một anh bồ thực sự có năng lực và tiềm lực làm chỗ dựa, cũng như bàn đạp làm bệ phóng. Người này nhất định phải là người hoạt động trong nghề (tất nhiên không phải là một mẫu nam). Anh ấy chắc chắn phải là người có năng lực, có thể giúp bạn hoạch định chiến lược, từ đó giúp bạn đi từng bước theo như sách lược đã đặt ra.

Nếu như không thành công với cách này, bạn nhất định phải có tiền. Có tiền rồi thì ra nước ngoài "ưỡn ẹo" một thời gian rồi về nước, vậy là có danh với ánh hào quang là người mẫu quốc tế rồi. Có ai biết bạn ở nước ngoài ngày ngày ăn trứng rồi đổ xô đi casting khắp nơi và trượt vỏ chuối ầm ầm, để rồi khóc ròng đến nỗi lấy nước mắt mà rửa mặt luôn. Ấy thế mà về nước lại thành hay, bỗng dưng có cái mác siêu mẫu quốc tế. Bấy nhiêu cách trên nếu không thành công thì chuyển nghề thôi, hoặc tốt nhất tìm anh  nào giàu giàu mà cưới cho nhanh".


Như vậy, theo những gì người mẫu Ni Ni dẫn ra ở trên, để trở thành siêu  mẫu và nổi tiếng, một người mẫu không chỉ có sắc vóc và năng lực cũng như sự kiên trì trong giới người mẫu vốn luôn sôi động và có tính đào thải khốc liệt. Và để không bị cuốn vào vòng xoáy bị đào thải khi tên tuổi còn chưa kịp tỏa sáng, những người mẫu phải tìm mọi cách để trở nên nổi tiếng nhanh nhất có thể, họ phải dựa vào hai yếu tố tối quan trọng, đó chính là tiền tài và quyền lực.

Có tiền, người mẫu tự ra nước ngoài chịu khổ một thời gian, cố gắng bám trụ các sàn diễn, dù nhục nhã đến mấy cũng vẫn phải chịu. Đổi lại, khi về Trung Quốc sẽ được đón chào không khác một ngôi sao quốc tế.

Có quyền lực (từ bồ, đại gia, công ty quản lý, truyền thông báo chí...), tên tuổi của người mẫu dễ dàng lên như diều gặp gió. Điều này thì không cần phải bàn cãi, những yếu tố trên chính là bàn đạp và có sức mạnh vạn năng trong không chỉ làng giải trí nói chung mà cả làng thời trang nói riêng.

Hơn nữa, trong đoạn viết trên, Giả Ni Ni cũng nói một cách khinh  miệt dành cho địa vị thấp kém của giới người mẫu nam, họ chỉ như những con tốt thí trong giới thời trang mà không hề có "miếng" dù có tiếng tăm là siêu mẫu hay không.

Theo ông Lý Tiểu Bạch, giám đốc điều hành cuộc thi người mẫu New Silk Road, cái nôi đào tạo và giới thiệu hàng loạt các tên tuổi siêu mấu cho làng thời trang Trung Quốc, đã chỉ ra tình trạng hiếm hoi các tên tuổi siêu mẫu ở Trung Quốc: "Trở thành siêu mẫu giống như một lối đi vô cùng hẹp, nó chẳng khác gì việc leo núi, càng trèo lên đến đỉnh cao thì càng còn ít người, tất nhiên thu nhập của họ cũng khá lên theo. Có thể nói có sự khác biệt rất lớn ở đây, thậm chí còn cách nhau gấp 10 lần".

Theo Khám phá

Tin tức mới nhất