Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)

Không ít diễn viên, nhân viên hậu đài hay người làm phục trang… chấp nhận cảnh chật vật mưu sinh để bám trụ đến cùng.

Diễn viên 15 năm theo kịch: Bán bánh kẹo, ở trọ 2 triệu đồng/tháng

Chúng tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu đời sống nghệ sĩ kịch với diễn viên Hồng Trang. Cô là một trong những trường hợp khá đặc biệt: Từng nhận huy chương Bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc, từng đoạt Quán quân Cười xuyên Việt 2016 (phiên bản nghệ sĩ), có hơn 15 năm diễn xuất nhưng tên tuổi lại rất khiêm nhường. 

Gặp Hồng Trang tại quán cà phê kịch nơi cô làm "bà bầu" tối thứ 4 hằng tuần, chúng tôi bất ngờ bởi sự giản dị của cô. Hồng Trang có vóc dáng nhỏ nhắn, không son phấn, không chải chuốt. Nếu tình cờ gặp cô đâu đó trên đường, thật khó có thể nghĩ đây là nghệ sĩ, là người nổi tiếng…

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-1Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-2

Nhớ lại hành trình từ cô sinh viên tốt nghiệp ngành phát thanh, cho đến khi rẽ ngang sang ngành diễn viên, Hồng Trang nói động lực lớn nhất của cô là "làm mọi thứ vì vui". Thời còn học khóa diễn xuất tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, cô từng dẫn MC đám cưới với cát-xê 30.000 đồng để đóng học phí.

Trước khi có tên tuổi nhờ cuộc thi Cười Xuyên Việt, thu nhập của Hồng Trang tại sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cũng khá bấp bênh, tháng ít show chỉ kiếm được vài triệu đồng.

Nhiều lần, gia đình cô gọi về quê làm việc gì đó an nhàn, thay vì chật vật bám trụ tại Sài Gòn nhưng cô chưa bao giờ muốn từ bỏ. Đến bây giờ, nữ nghệ sĩ vẫn ở nhà thuê. Mỗi tháng cô chia tiền phòng với 2 người em, mỗi người 2 triệu đồng bao gồm cả điện, nước…

"Tôi sống đơn giản, chưa bao giờ nghĩ phấn đấu làm nghề vì danh tiếng hay tiền bạc. Tính tôi kỳ vậy đó. Có khi được mời đóng chính trong những dự án lớn, là cơ hội lớn đấy nhưng kịch bản, vai diễn mà không hợp là tôi cũng không nhận", Hồng Trang nói.

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-3
Căn gác để đồ trong phòng trọ của Hồng Trang.

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-4
Nữ nghệ sĩ bán hàng online kiếm thêm thu nhập.

Ngày trước, khán giả mê kịch biết đến Hồng Trang từ những vai phụ và chuyên đúp vai (đóng thế cho người khác). Chẳng hạn, cô từng đúp vai của Thu Trang trong Chuyện Tình Bangkok, vai của Thùy Dương trong Họa hồn

Sau khi đoạt Quán quân Cười Xuyên Việt, Hồng Trang cũng không vội vã chạy show, mà khiêm tốn làm trợ diễn cho nhiều thí sinh ở các chương trình truyền hình. 

"Nhiều người thấy tôi thua thiệt vì chuyên đóng đúp vai. Tôi thấy đây là… chuyện bình thường, không có gì phải chạnh lòng, tủi thân. Nếu người đóng vai chính bận việc thì tôi vui vẻ đóng thế. Chuyện trợ diễn cũng vậy, ai cần giúp thì tôi hỗ trợ.

Người ta hỏi tại sao tôi có kiến thức, có kinh nghiệm hơn một số đàn em như Lê Dương Bảo Lâm, Khả Như… mà tôi không ngồi ghế giám khảo, lại đi phụ diễn cho thí sinh làm gì cho uổng? Nhưng tôi thấy không sao cả.

Người ta cần những người thu hút khán giả về lượt view, chứ không cần tôi. Mỗi người có một vị trí, tôi muốn giành giật cũng không được", Hồng Trang tâm sự.

Tháng 10/2022, Hồng Trang bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Cô từng mang rổ bánh kẹo bày bán ngay ở sân khấu sau mỗi suất diễn. Nhắc về chuyện này, cô cười bảo: "Tính tôi ngại mời mọc, không muốn mọi người mua vì thấy tội nghiệp nên sắp tới còn gì tôi rao bán hết là nghỉ".

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-5
Hồng Trang và nhóm Kịch Đời.

Bản thân còn thiếu trước hụt sau nhưng Hồng Trang lại "đèo bồng" thêm chức danh "bà bầu". 10 năm qua, cô dành tâm huyết gây dựng nhóm Kịch Đời để nuôi dưỡng đam mê cho các diễn viên trẻ.

ghệ sĩ bảo, nhiều lần cô muốn "bỏ ngang" vì quá vất vả nhưng cuối cùng lại không nỡ. Đến nay, đều đặn vào tối thứ Tư hằng tuần, Hồng Trang và nhóm Kịch Đời vẫn diễn tại một quán cà phê ở quận 1 (TPHCM), giá vé 150.000 đồng bao gồm cả tiền nước. 

Thời buổi sân khấu gặp nhiều khó khăn, "ế" khách là chuyện bình thường. Song, Hồng Trang coi nhẹ chuyện lời lãi. "Hiếm khi nào có suất diễn lời hoặc hòa vốn. Tùy theo vở, tùy số lượng diễn viên mà tôi bù lỗ. Ít thì bù khoảng vài trăm nghìn đồng, nhiều thì 2 triệu đồng mỗi suất. Nhưng tôi không bận lòng.

Thời giờ ai cũng khó khăn mà. Ngoài sân khấu Idecaf, hầu như sân khấu kịch nào ở TPHCM cũng chật vật. Tôi chỉ dàn dựng kịch cà phê, quy mô nhỏ, lỗ chút ít cũng không sao, xem như hôm đó mình đi chơi, đi ăn uống cũng mất nhiêu đó tiền. Mình được vui, được làm nghề, là quan trọng nhất", Hồng Trang nói.

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-6
Một buổi diễn kịch tại quán cà phê của nhóm Kịch Đời.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nữ nghệ sĩ kể cô gặp nhiều bạn trẻ chật vật mưu sinh, xin được vào nhóm kịch nhưng cô áy náy vì không thể giúp được nhiều người.

Nghệ sĩ chia sẻ: "Tôi làm quy mô nhỏ, không thể hỗ trợ tất cả các em. Có em diễn viên trẻ tội lắm, theo tôi cũng vài năm nay. Diễn không quá xuất sắc nhưng yêu nghề. Sau khi mẹ mất vì Covid-19 thì em ra Phú Yên mưu sinh, thi thoảng được tôi xếp vai diễn trong vở mới thì lại bắt xe lửa từ Phú Yên vào Sài Gòn, diễn xong lại về. Tôi không thấy mình khổ, vì có nhiều người khổ hơn tôi nhiều".

Với Hồng Trang, cô chấp nhận quy luật thoái trào, xem đó là chuyện bình thường. Nghệ sĩ bộc bạch: "Bây giờ người ta ít xem kịch hơn vì có nhiều sự lựa chọn phù hợp với quỹ thời gian của họ. Một vở kịch trung bình kéo dài 3 tiếng, thêm thời gian đi lại nữa là 4 tiếng.

Được mấy khán giả chịu khó duy trì điều này? Nhưng ít người xem nhưng không phải không có. Có khán giả vẫn ở lại kịch thì chúng tôi cứ làm thôi. Với những người mê kịch, được tương tác với diễn viên ở không gian gần gũi sẽ tạo cho họ cảm xúc nhiều hơn là xem phim. Thử hỏi, người ta vẫn thương, vẫn thích sân khấu thì tại sao mình không tiếp tục?".

"Quái kiệt" một thời lui về làm phục trang, mưu sinh ở tuổi 75

Hỏi thăm một số người quen, chúng tôi tìm gặp nghệ sĩ Bo Bo Hoàng. Cuộc trò chuyện với "quái kiệt" một thời bắt đầu trong một chiều mưa rả rích…

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ năm 4 tuổi, Bo Bo Hoàng đã bước lên sân khấu diễn. Xuyên suốt cuộc trò chuyện, bà nói với về 70 năm tuổi nghề của mình bằng tất cả sự tự hào.

Vai bé Bo Bo trong vở "Tiếng trống sang canh", vai cô gái điếm trong tuồng "Tiếng súng một giờ khuya", vai Cám trong "Tấm Cám"… là những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp của Bo Bo Hoàng. 

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-7
Những hình ảnh kỷ niệm trong chặng đường 70 năm hoạt động nghệ thuật của Bo Bo Hoàng.

Ngày nay nhắc đến bà, khán giả vẫn ưu ái gọi là "quái kiệt" của sân khấu. Nói về danh xưng đặc biệt này, bà giải thích: "Tôi thấy báo đài hay gọi mình là "quái kiệt" - đây chính là một niềm vinh hạnh dành cho tôi.

Từ xưa, "quái kiệt" chính là cách để nói về một nghệ sĩ sân khấu có tài năng xuất chúng, biến hóa khôn lường qua từng vai diễn từ đào thương đến đào lẳng, đào độc… đều nhập vai thật ngọt". 

Ở tuổi xế chiều, Bo Bo Hoàng giã từ nghiệp diễn nhưng không nguôi tình yêu với nghề. Bà chuyển sang làm phục trang, mũ mão cho các sân khấu kịch, đoàn nghệ thuật… Mặc dù tuổi cao sức yếu, Bo Bo Hoàng vẫn làm việc không ngơi tay.

"Tôi không còn nhớ rõ mốc thời gian mà mình gắn bó với công việc này. Chỉ nhớ là hồi còn trẻ, tôi tự mày mò và sáng tạo từng chiếc mão, trâm cài để đi diễn. Nhiều đồng nghiệp cảm thấy thích thú rồi ngỏ ý mua lại. Cứ vậy, tôi có thêm nghề tay trái lúc nào không hay. Còn bây giờ, nghề này là 'chén cơm' nuôi sống tôi ở tuổi xế chiều", Bo Bo Hoàng nói.

Trong căn phòng chỉ rộng chừng vài mét vuông chất đầy những món đồ dành cho sân khấu, Bo Bo Hoàng chăm chút, nâng niu từng chiếc mão, đôi hài, xem như báu vật của mình. Ngày ngày, người nghệ sĩ U80 vẫn cần mẫn làm ra từng món đồ với niềm vui là được nghệ sĩ mang lên sân khấu biểu diễn.

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-8Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-9

Bà kể, có hôm nhiều đơn hàng, bà phải "ngồi lì" từ sáng đến tối để làm, dù lưng đau nhức, chân tê cứng nhưng vẫn phải ráng để hoàn thành kịp giao cho khách.

"Làm công việc này cũng như làm nghề diễn, đồng lương bấp bênh chứ không ổn định. Tháng nào được nhiều đơn hàng thì dư giả, có tháng lại chẳng thấy ai đặt hàng. Tuy nhiên, đừng ai nghĩ tôi khổ! Tôi thấy mừng cho mình vì vẫn có việc để làm, tự lo được cho bản thân.

Người ta lựa chọn sống an nhàn, thụ hưởng tuổi già, còn tôi lại thích làm lụng suốt ngày như thế. Tôi không đòi hỏi gì nhiều, gia đình 'đủ ăn đủ mặc', không nợ nần là mừng rồi. Nhờ trời thương, sức khỏe tôi vẫn tốt để có thể làm cái này cái kia", bà nói thêm.

Vất vả là vậy nhưng Bo Bo Hoàng cho biết công việc này mang đến cho bà nhiều giá trị. Bà có sự gắn kết với sân khấu - nơi mà mình đã cống hiến cả thanh xuân. Dù giờ đây chỉ có thể đứng sau tấm màn nhung nhưng bà vui vì được trở thành một mảnh ghép đặc biệt ở hậu kỳ.

"Hầu như các nghệ sĩ ở sân khấu kịch đều sử dụng phục trang do tôi làm. Tuy ở hậu kỳ nhưng tôi thấy công việc của mình được trân trọng. Mọi người thường xuyên hỏi thăm và quan tâm tôi", Bo Bo Hoàng tâm sự. 

Tuy đã lui vào cánh gà nhiều năm nhưng khi nhắc về những khó khăn, biến động của sân khấu kịch hiện nay, Bo Bo Hoàng bày tỏ sự thấu hiểu. Bằng sự quan sát thầm lặng, bà đồng cảm với những khó khăn mà các sân khấu kịch phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.

"Hoạt động sân khấu bây giờ không mấy dễ dàng đâu. Không chỉ người chủ chịu lỗ mà các diễn viên cũng chẳng khá giả. Nhìn thấy mà đứt ruột!", Bo Bo Hoàng nói. Dù thế, bà luôn có niềm tin rằng sân khấu vẫn sẽ tồn tại theo một cách nào đó. Chỉ là cách thức hoạt động sẽ thay đổi để phù hợp với sự tân tiến của thời đại…

Nhân viên hậu đài làm shipper, ăn ngủ cùng sân khấu

Khi sân khấu rơi vào cảnh đìu hiu, nỗi lo lắng không chỉ dành cho bầu show, diễn viên mà còn cả những nhân viên hậu đài. Để hiểu thêm về đời sống những người đứng sau ánh đèn sân khấu kịch, chúng tôi hẹn gặp anh Danh Dương (SN 1990) - nhân viên hậu đài, hỗ trợ cảnh trí tại các sân khấu kịch.

"Nói làm hậu đài là vậy, chứ tôi lo âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, đạo cụ rồi còn luôn làm diễn viên quần chúng. Tôi cũng từng đóng kịch Ngày xửa ngày xưa. Nghề này là vậy, đứng sau ánh đèn sân khấu, anh em cùng nhau quán xuyến nhiều thứ mới tạo nên được vở diễn hay. Coi vậy chứ cũng không cực mấy, quen rồi", anh Dương nói. 

Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh (Kỳ 2)-10
Anh Dương đang phụ trách khâu âm thanh của sân khấu kịch.

Anh Dương đã gắn bó với sân khấu được hơn 14 năm, một khoảng thời gian tương đối dài, đủ để anh xem sân khấu là nhà.

Anh kể: "Khi còn nhỏ, tôi rất thích đi coi kịch, coi múa rối, sau đó dấn thân vào nghề luôn. Học cấp 3 xong thì tôi đi làm diễn viên múa rối, sau đó mới tham gia kịch, rồi làm quần chúng cho các vở diễn. Vài năm gần đây, tôi mới đảm nhận công việc hậu đài. Không được qua trường lớp đàng hoàng, tôi học chỗ này một ít, chỗ kia một ít nên cũng lắm gian truân".

14 năm qua, người đàn ông này đã quen với cuộc sống đi sớm, về khuya, sáng sớm lên sân khấu tập dượt, đến khi vở diễn kết thúc thì 12h đêm anh mới về được đến nhà.

Ngồi nghỉ ngơi sau khi chạy thử vở diễn Long Lân Quy Phụng cho Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long, gương mặt anh nhân viên hậu đài lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn cười hạnh phúc khi nhìn thấy hệ thống âm thanh, ánh sáng hoạt động trơn tru.

Anh Dương nói, thời gian anh gắn bó với sân khấu nhiều hơn ở nhà. Công việc của anh không phải chỉ ngồi một chỗ mà luôn luôn vận động, buông việc này, bắt việc kia. Ngoài lo đèn, nhạc, anh còn đảm nhận việc thay đổi cảnh trí, chuẩn bị đạo cụ. Thậm chí có lúc người đàn ông 33 tuổi này còn phải đóng vai quần chúng hay múa phụ họa cho vở diễn. 

Dẫu vậy, anh chưa bao giờ có ý định tỏa sáng trên sân khấu vì đã quen với bóng tối ở hậu đài. Khi nhắc đến tình hình heo hút của sân khấu kịch những năm gần đây, chàng nhân viên hậu đài thoáng buồn, kể về những nỗi lo khi suất diễn lưa thưa, khán giả đến xem không được nửa rạp.

Cũng chính vì các vở diễn không liên tục, khán giả không phải lúc nào cũng đông nên thu nhập cho nhân viên hậu đài như anh Dương cũng bấp bênh.

Thời điểm dịch Covid-19, các sân khấu "đóng băng", anh gần như thất nghiệp, kinh tế của gia đình hao hụt nặng. Ngày ngày, người đàn ông này rong ruổi đi giao thức ăn, bán hàng, kiếm "đồng ra đồng vào" lo cho cuộc sống. 

Tuy nhiên, đó cũng là lúc anh nhớ nghề da diết. Anh luôn tâm niệm, khi thoát khỏi những biến động, anh chắc chắn sẽ quay về, tiếp tục gắn bó với sân khấu.

"Trên đời này có nghề nào sung sướng đâu, phải học hỏi không ngừng mới khá hơn. Tôi làm âm thanh kỹ thuật, thiết bị mỗi ngày một tân tiến nên không biết trau dồi khó lòng mà thành thạo. Nhưng không cố gắng thì cuộc sống sẽ thế nào? Có được công việc đã là may mắn lắm rồi", anh Dương khẳng định.

Anh nói làm nghệ thuật, miễn mình thấy hài lòng là đủ. Dù biết theo nghề này phải chạy đôn chạy đáo quanh năm, khó lòng mà giàu có nhưng người đàn ông này vẫn bình thản: "Âu cũng là cái duyên của mình, trót ăn cơm Tổ nên sống với nghề này".

***

Để một vở kịch sáng đèn trên sân khấu là tâm huyết của rất nhiều người, từ bầu show, diễn viên đến nhân viên hậu đài, người làm phục trang…

Trước sự đổi thay của thời cuộc, có sân khấu buộc phải đóng cửa, có nghệ sĩ phải làm thêm nhiều công việc để mưu sinh, hay cũng có những người chuyển nghề vì không bám trụ được. Dẫu vậy, bộ môn kịch nói này vẫn có một sức hút kỳ lạ với những ai đã trót yêu nó…

Đã theo nghề, sướng hay khổ cũng phải… chấp nhận!

NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM - cho biết thực trạng người làm trong lĩnh vực sân khấu có mức sống chật vật đến từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.

Ông Giàu cho rằng đã theo nghề, thì việc ý thức phấn đấu, nỗ lực là điều cần thiết. Mặc dù sân khấu kịch thành phố từng trải qua 2 năm đìu hiu vì Covid-19, song nay đã có những dấu hiệu tích cực. 

NSND Ngọc Giàu đưa ra quan điểm: "Nhà nước có thể hỗ trợ được chúng ta rất nhiều thứ nhưng không thể đem khán giả đến cho chúng ta được. Bản chất của sân khấu là sống bằng khán giả, vậy nên không thể nói tôi đam mê sân khấu nên tôi khó khăn rồi đòi hỏi được cái này, cái kia.

Sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chỉ là sự tương thân, tương ái, còn nghề mình đã chọn thì mình phải chấp nhận, sướng hay khổ thì mình phải chịu".

"Bản thân tôi quan niệm nếu có những nghệ sĩ khó khăn, đồng nghiệp có thể chung tay hỗ trợ về tình cảm hay vật chất, tạo điều kiện cho họ trong công việc, giúp cuộc sống họ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điều này khó có thể lâu dài được. Chính vì thế, bản thân mỗi nghệ sĩ phải ý thức phấn đấu, cố gắng phát triển.

Tất nhiên, nghề nghiệp của mình thì không có gì gọi là hy sinh. Sân khấu có sự sòng phẳng, bởi không ai bắt chúng ta phải theo nghề này", ông nói thêm.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/van-hoa/san-khau-buong-rem-nghe-si-ban-hang-online-hau-dai-di-giao-banh-20230523105624227.htm?fbclid=IwAR1Gwy2x1fU8W-lZuJYiwDkpGfkxfznCJyRmmKHSvNm5uNCLGA5ZcY6m7GQ

nghệ sĩ

Tin tức mới nhất