Sự thụt lùi khó hiểu của lứa Công Phượng

U23 Việt Nam đã không thua trong trận giao hữu thứ ba. Nhưng kết quả hòa 2-2 và một lối chơi kém thuyết phục trước đội bóng trẻ hơn vẫn không giúp người hâm mộ có thêm hy vọng.

Cerezo Osaka chỉ mang đến Việt Nam các cầu thủ 17-19 tuổi. Trong số này, chỉ có 6 gương mặt thi đấu nhỏ giọt ở J.League 2 mùa giải năm nay. Phần còn lại thuộc dạng tiềm năng, tức là tương lai xa và có thể, năm 2016 tới đây họ cũng chưa chắc được sử dụng.

U23 Việt Nam đa phần là những cầu thủ sinh năm 1994, 1995 và nếu xét về tuổi, họ nhiều hơn đối thủ 3-4 tuổi. Thậm chí, có người hơn đội quân dự bị của Cerezo Osaka 5 tuổi. Khoảng cách ấy đủ nói lên rất nhiều điều, trong đó, mấu chốt nhất là sự thắng thế về kinh nghiệm cũng như sự già dặn trải nghiệm.

Nhưng thực tế trên sân cho thấy, người tạo ra sự chủ động về thế trận và cách tổ chức lối chơi lại là… đội trẻ Cerezo Osaka. Họ chơi đĩnh đạc, máu lửa và không cho thấy cảm giác thua về tuổi tác với U23 Việt Nam. Nhiều người bảo, trình độ của bóng đá Nhật cao quá nên đội bóng của thầy Miura khó đá!

Sự thụt lùi khó hiểu của lứa Công Phượng
Cerezo Osaka chủ động trong các tình huống tranh chấp tay đôi.


Điều này đúng, nhưng để thuyết phục thì không. Năm ngoái, U19 Việt Nam dưới bàn tay của thầy Giôm gặp U19 Nhật Bản được xem là đối thủ ngang tuổi. Tất nhiên, U19 Nhật Bản mạnh hơn đội bóng trẻ, đối thủ của U23 Việt Nam hôm nay. Nhưng U19 Việt Nam, cũng với Công Phượng, Đông Triều, Xuân Trường, Văn Toàn lại đủ khả năng thi đấu ngang ngửa, dẫn bàn trước. Trận thua 2-3 ấy, đến giờ người hâm mộ còn nhớ.

Công Phượng ngày hôm đó thi đấu từng bừng, đột phá nhiều cú khiến đối thủ toát mồ hôi, còn HLV đội bạn tái mặt vì sợ thua. Cuối trận, trong lúc nguy nan và áp lực, tiền đạo HAGL còn bản lĩnh thực hiện cú panenka ghi lại nụ cười khâm phục của ông thầy Graechen.

Công Phượng của U23 Việt Nam hôm qua cũng thi đấu nỗ lực, chứng tỏ được trách nhiệm khi mang chiếc băng “captain” trên tay. Tuy nhiên, U23 Việt Nam lại không thể hiện được nhiều trước Cerezo Osaka.

Sự thụt lùi khó hiểu của lứa Công Phượng
Công Phượng thi đấu chững chạc trong lần đầu mang băng đội trưởng U23 Việt Nam.


Đến đây, người ta cần phải đặt câu hỏi: chuyện gì đang xảy ra, khi đội bóng già dặn hơn vài tuổi lại lép vế trước đối thủ “đàn em” về tuổi đời? U19 Việt Nam khiến U19 Nhật Bản hốt hoảng, còn U23 Việt Nam bị dàn binh trẻ 17-19 tuổi của một CLB đang thoái trào đá cho… suýt chết?

Công bằng mà nói, U23 Việt Nam hiện nay quá yếu. Thậm chí, họ còn là những nhân tố hay nhất trong lứa tuổi. Nói không quá, nếu U19 Việt Nam năm ngoái được bổ sung các cầu thủ tốt của U23 hiện nay, chưa chắc họ đã chịu về nhì trước U19 Nhật Bản!

Vấn đề chính của “đội chủ nhà” hôm qua suy đi xét lại vẫn là sự thiếu ổn định trong cả nhân sự lẫn lối chơi. Nhà cầm quân Nhật Bản tiếp tục thử nghiệm đội hình, tiếp tục lắm ghép những con ốc trái cựa để thi đấu. Người ta thấy ngạc nhiên khi Thanh Hiền từ cánh được kéo vào trung lộ, Đông Triều, Hữu Dũng cắm chốt ở giữa sân thay vì chân chuyền Lương Xuân Trường. Trên hàng công, HLV Miura cũng đột ngột sử dụng 3 mũi tấn công với bộ đôi Văn Toàn – Công Phượng ở hai cánh, giữa là Tuấn Tài.

Cách bố trí ấy khiến đội hình U23 Việt Nam phần nào bị “dát mỏng”, khiến lợi thế về tuổi tác của họ không tạo ra khác biệt trước hàng thủ chơi áp sát, giàu tinh thần và sức trẻ của Cerezo Osaka. Trong suốt 90 phút thi đấu, đội bạn vẫn nhiều cơ hội ăn bàn và nếu bình tĩnh hơn chút nữa, chưa chắc đội bóng của HLV Miura có thể san bằng cách biệt.

Một trận đấu không thua về tỷ số, U23 Việt Nam xem chừng cũng có “tiến bộ”. Nhưng một trận đấu với đội bóng kém tuổi hơn hẳn, sự tiến bộ ấy không đồng nghĩa với hy vọng. Mong là sau đợt tập huấn, HLV Miura sẽ tìm được đội hình ổn định để U23 Việt Nam không còn cảnh thử nghiệm khi bước vào giải chính thức.


Theo Zing


Tin tức mới nhất