Tài xế vụ ôtô khách đâm xe cứu hỏa: Tôi không còn cách nào khác

Sau va chạm, tài xế Mạnh kẹt trong buồng lái, dù bị thương nhưng anh vẫn ân cần hỏi thăm từng hành khách có mặt trên xe.


"Nếu tôi phanh gấp xe khách đã lật, số thương vong sẽ rất nhiều": "Tình huống quá nhanh, nếu tôi đánh lái mạnh hoặc phanh gấp, chắc xe đã lật. Trên xe có 40 khách, số thương vong sẽ rất nhiều", tài xế xe khách kể lại phút giây va chạm xe cứu hỏa.

Ba ngày sau khi xảy ra tai nạn với xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân, tài xế ôtô Đỗ Hùng Mạnh (38 tuổi, điều khiển ôtô khách Hải Hà) đã xuất viện trở về nhà riêng thôn Mỹ Điền, xã vùng biển Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Dù bị thương nặng ở bàn chân trái, Mạnh vẫn tự di chuyển sinh hoạt trong nhà bằng đôi nạng mà không cần ai phụ giúp. Tinh thần anh đã dần ổn định.

Ở địa phương, hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, Mạnh là lao động chính, lương lái xe hàng tháng vừa đủ phụ giúp cho vợ nuôi 3 con đứa con nhỏ.


Căn nhà tài xế Mạnh sống cùng vợ và 3 con nhỏ. Ảnh: Nguyễn Dương.

Kẹt ở buồng lái, tài xế vẫn hỏi khách có ai bị thương

Tài xế Mạnh kể trước khi xảy ra va chạm khoảng vài giây, anh chỉ nhìn thấy xe cứu hỏa lao thẳng ra giữa đường, cách phương tiện anh điều khiển vài mét nên vội đạp phanh, đánh lái sang phải.

“Vụ việc xảy ra quá nhanh, tôi không còn cách nào khác, chỉ biết đạp nhẹ phanh, đánh lái để hạn chế va chạm mạnh nhất có thể. Nếu phanh gấp, có thể xe lật, hành khách sẽ gặp nguy hiểm hơn”, anh Mạnh nói.

Sau va chạm, bản thân bị mắc kẹt trong buồng lái, choáng và đau nhức khắp người. Trong phút giây định thần, anh quay sang hỏi hành khách: "Có ai bị làm sao không...?". Nhưng may mắn chỉ vài người bị thương nhẹ.

Nhận định về cách xử lý của tài xế xe cứu hỏa, anh Mạnh nói cách sang đường của tài xế đó quá nhanh và thiếu quan sát, gây bất ngờ cho người người điều khiển phương tiện khác.


Va chạm khiến anh Mạnh bị thương ở chân Trái. Ảnh: Nguyễn Dương.

“Nếu là lái xe cứu hỏa, tôi sẽ dừng lại 5 đến 10 giây và quan sát, khi nào thấy đủ điều kiện an toàn mới ra. Còn trong lúc di chuyển ngược chiều, tôi sẽ điều xe đi vào làn khẩn cấp, nếu đi vào làn trong cùng sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện khác”, tài xế Mạnh nói.

10 năm lái xe khách nhưng chưa một lần xảy ra tai nạn

Chia sẻ với Zing, ông Đỗ Hồng Hải (43 tuổi, chủ nhà xe Hải Hà), cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra ông đến phối hợp với lực lượng chức năng xử lý hiện trường, đưa những người bị thương đi cấp cứu.

Trước mắt, nhà xe đã hỗ trợ các nạn nhân phí điều trị, gia đình các nạn nhân cũng không đòi hỏi về việc đền bù.

Nhận xét về tài xế Mạnh, ông chủ hãng xe khách Hải Hà, cho hay nam tài xế đã có thâm niên lái xe hơn 10 năm cho công ty. “Mạnh là tay lái cứng, tôi rất tin tưởng và giao phương tiện cho cậu ấy. Ở công ty, cậu ấy luôn chấp hành các nội quy, đi trên đường chưa từng xảy ra các vụ tai nạn, ít khi bị lực lượng chức năng xử phạt”, ông Hải nói.


Cả hai phương tiện đều hư hỏng nặng sau va chạm. Ảnh: Phi Hùng.

Ông cũng nghe tài xế Mạnh kể lại do xe cứu hỏa sang đường quá bất ngờ, nên không kịp xử lý tình huống. Nếu phanh gấp sợ xe lật, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì trên xe có 40 hành khách.

Cần xem xét trách nhiệm cả 2 bên

Liên quan đến vụ xe cứu hỏa đâm ôtô chở khách trên cao tốc Pháp Vân, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng đây là vụ tai nạn nghiệm trong, để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải đánh giá lỗi của các bên.

Đối với xe cứu hỏa, dù là xe ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ thì cũng phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.

Trong vụ việc này, xe cứu hỏa là xe chủ động đi từ đường nhỏ vào đường ngược chiều trên cao tốc không quan sát kỹ tình trạng các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường, cho xe chuyển hướng vào đường cao tốc với tốc độ cao, chuyển hướng vuông góc đường làm phương tiện ngược chiều khó phán đoán hướng đi, vi phạm Điều 4, điều 15 Luật giao thông đường bộ và Khoản 2 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT.

Đáng lẽ ra, xe cứu hỏa phải đi vào phần làn đường khẩn cấp dành cho xe cứu nạn, cứu hộ, xe đi làm nhiệm vụ. Nhưng đã đi sang phần đường ngược chiều bên mà không chủ động giảm tốc độ, quan sát tình huống, chuyển hướng đột ngột gây cho xe khách khó xử lý tình huống.

Đối với xe khách, nếu có căn cứ xác định, xe khách đi trên cao tốc không chủ động giảm tốc độ khi đến ngã ba và đi trên đường cao tốc trong tình trạng trời mưa, trơn trượt thì có dấu hiệu vi phạm điều 12; Luật giao thông đường bộ và Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT "khi đến đường giao nhau không giảm tốc độ, hoặc dừng lại một cách an toàn".

Từ những nhận định trên, theo quan điểm của luật sư, vụ việc tai nạn giao thông có dấu hiệu lỗi hỗn hợp. Do đó, cần phải xem xét trách nhiệm từ hai phía.

Theo Zing


tai nạn giao thông

Tin tức mới nhất