Tâm sự của người có vợ trúng 5 vé độc đắc

Nhìn khuôn mặt nhăn nheo, bộ quần áo lem luốc, thân hình khắc khổ của người đàn ông này, chẳng ai có thể biết được đó từng là một tỷ phú có trong tay cả chục tỷ đồng.

Tại khu chợ sầm uất nằm trên đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) giữa những ồn ào náo nhiệt, ông Lê Văn Thiệt (52 tuổi, quê An Giang), lặng lẽ kiên nhẫn mời khách để kiếm từng cuốc xe ôm.

Nghe tin vợ rơi vào cảnh “khố rách áo ôm” cũng buồn

Tâm sự cùng người viết, ông Thiệt bảo: “Tui giờ cũng đã già rồi, không con cái nên cũng chẳng ước ao gì nữa cả. Nhiều lúc giữa thành phố xa lạ, mình cũng nhớ ngôi nhà xưa lắm nhưng giờ có về quê thì cũng chẳng muốn ghé qua. Hôm nghe tin từ người bà con cho biết, từ ngày tui đi, bà Tư ăn chơi còn dữ dội hơn nữa, chẳng mấy chốc mà tài sản trong nhà đã bị bà ấy đưa đi cầm cố hết. Giờ bà ấy già rồi và còn thê thảm hơn tôi nữa, ngày nào cũng đi bán vé số dạo. Mọi chuyện dẫu có tiếc nuối thì cũng đã muộn màng rồi”.

Sắp phá sản thì trúng số

Ông đã tặc lưỡi chua xót: “Trời cho” là “trò chơi” mà. Cái gì không phải của mình thì chẳng thể giữ được đâu cô ạ!”. Rồi ông Thiệt kể, vốn sinh ra trong gia đình cũng có chút của ăn của để nên năm 25 tuổi đã lập gia đình. Của hồi môn được kha khá nên đôi vợ chồng trẻ dọn ra ở riêng và xây căn nhà ba tầng tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nhà mặt tiền nên chàng trai trẻ bàn với vợ tận dụng lợi thế đó để kinh doanh. Trong thâm tâm ông Thiệt cũng muốn chứng tỏ với gia đình hai bên cái tài làm ăn của mình.


Ông Thiệt chấp nhận sống tha hương để quên đi nỗi buồn tan nát gia đình vì vé số.

Để làm ăn lớn, ông Thiệt mang cuốn sổ đỏ đến ngân hàng huyện cầm cố để vay vốn làm ăn. Có tiền trong tay, ông đặt mua bốn cái bàn bida chở về nhà, lại sắm thêm mấy bộ bàn ghế nhựa và xe nước mía, lòng đầy hớn hở vì nghĩ mình sắp thành ông chủ.

Theo ông mẩm tính, lúc bấy giờ thanh niên trong huyện đang nghiện trò bida nên chắc chẳng bao lâu mình sẽ nhanh chóng lấy lại vốn rồi kiếm được bộn tiền lời lãi. Nghe hết những kế hoạch của chồng, người vợ Nguyễn Thị Bé Tư (SN 1962) gật đầu cái rụp đồng ý ngay. Từ ngày bắt tay vào kinh doanh, hai vợ chồng ông cũng không gặp khó khăn gì lớn, mọi việc khá suôn sẻ và nhẹ nhàng. Hằng ngày, ông Thiệt chỉ việc ngồi trông xe cho khách, thỉnh thoảng chạy lăng xăng giúp vợ bưng vài ly nước hay lấy đôi ba gói thuốc khi khách yêu cầu. Về khoản chi thu tiền nong, ông giao cho vợ quản lý vì suy nghĩ “đàn bà mà không giữ tiền được thì làm sao giữ được chồng”.

Không ngờ chính vì lòng tin đó mà trong phút chốc ông mất tất cả vợ lẫn gia sản. Một đêm nọ, đang say giấc nồng thì ông bị vợ đánh thức dậy và thông báo sắp phá sản và muốn “đường ai nấy đi”.

Nghe vợ nói ông Thiệt tỉnh hẳn ngủ như có ai đó vừa dội cho một xô nước lạnh vào mặt. bà Tư cầm cuốn vở dày cộm, bên trong ghi chi chít những cái tên của thanh nhiên trong huyện. Lúc này, ông Thiệt mới té ngửa khi biết bấy lâu nay, vợ mình cho các thanh niên này đánh chịu, tiền thu vào chẳng có đồng nào. Bà Tư lại có tính phóng khoáng, thích được nịnh nọt nên chỉ cần được tâng bốc, khen ngợi, bà lại nổi hứng cho ghi chịu, biết thế nên đám trai làng ngày nào cũng lui tới thường xuyên.

Tuy vậy, ông Thiệt vẫn cố găng níu giữ hôn nhân bằng cách bán căn nhà mặt phố để trả tiền ngân hàng. Phần tiền bán nhà còn dư, vợ chồng mưa một căn nhà nhỏ trong hẻm để lấy chỗ chui ra chui vào rồi tìm kế làm ăn. Vì không còn mặt bằng rộng rãi như trước nên bốn cái bàn bida cũng được ông Thiệt bán đi, để lại chiếc xe nước mía cho vợ làm ăn. Mỗi sáng, bà Tư lại nặng nhọc đẩy ra đầu hẻm kiếm từng đồng bạc lẻ. Còn ông Thiệt, từ ông chủ nay bỗng đổi nghề xe ôm, hàng xóm ai thuê gì thì ông chở kiếm đồng ra đồng vào đắp đổi qua ngày.

“Đang ở nhà cao cửa rộng, tự dưng chui vào cái nhà chật ních nên mâu thuẫn giữa hai vợ chồng mỗi ngày càng căng thẳng hơn. Bà xã tui không chịu nổi cực khổ như vậy nên suốt ngày cứ cằn nhằn, đòi chia tay để không phải khổ nữa”, ông Thiệt cay đắng nhớ lại.

Được tiền thì mất vợ

Kể đến đây, ông Thiệt bỗng òa khóc nức nở như đứa trẻ. Đôi mắt đỏ ngầu, ông bảo: “Năm 2009, đang lúc bế tắc nhất thì bà xã tui trúng liền 5 tờ vé số. Cứ tưởng trời cao soi xét, thấy mình khổ nên cho đổi đời, nào ngờ giờ đây tiền cũng không còn đồng nào mà vợ chồng phải “tan đàn xẻ nghé” thế này”.

Chiều hôm ấy đang ngồi “ngáp ruồi” vì trời sắp tối rồi mà chẳng có cuốc xe ôm nào “mở hàng” thì nhận được điện thoại vợ. Ông mệt mỏi bấm máy nghe, trong đầu nghĩ thế nào bà Tư cũng sẽ tuôn một tràng xối xả bài ca: “Có tiền không thì đem về mua gạo thổi cơm” nhưng không ngờ giọng vợ mình hôm ấy ngọt đến lạ lùng. Nghe vợ bảo về nhà gấp vì vừa trúng 5 tờ vé số độc đắc, ông Thiệt bỗng run lên lập cập, hớt hải chạy xe về nhà.

Lúc này, trong căn nhà nhỏ chật hẹp vốn neo người đã tấp nập họ hàng, bà con kéo tới. Bà Tư bảo với ông, đang ngồi bán nước mía thì có thằng cu Tèo được mẹ đẩy xe lăn đến năn nỉ mua mấy tờ vé số. Thấy thương hoàn cảnh cháu bé nên sau một hồi lựa chọn con số ưng ý, bà rút ra 5 tấm vé rồi bỏ vào hộc tiền lẻ. Lúc chiều, đang đẩy xe về chuẩn bị nấu cơm thì mẹ con Tèo chặn lại, mừng rỡ thông báo bà Tư đã trúng giải đặc biệt của công ty xổ số kiến thiết Cần Thơ.

“Khỏi phải nói cảm giác lúc đó, đúng là sướng không thể tả. Xởi lởi trời cho, ki bo trời phạt, ngay đêm đó vợ chồng tôi chở nhau đi mua gạo, mì tôm phân phát cho những người đến chung vui, đồ ăn thức uống cũng dọn ra linh đình. Nhà chật nên hôm sau tui còn cất rạp như đám cưới ấy, mở tiệc, hát hò rộn ràng cũng 2 ngày 2 đêm”, ông Thiệt phấn khởi hồi tưởng. Vì vé số là do vợ mua nên số tiền lãnh giải bà được tự quyền quyết định.

Ông Thiệt cho biết, từ khi trúng số bà Tư liền sắm sửa quần áo là áo lụa, mua xe ua cộ. Cái xe nước mía cũng bị bà cho vào xó bếp, không làm gì ngoài chuyện tô son điểm phấn. Vì vợ chồng không có con nên mỗi chiều bà Tư lại cưỡi xe chạy nhong nhong đi chơi đây đó. Hàng xóm ngày xưa thường gọi bà là “Tư nước mía” nhưng mỗi lần thấy ông Thiệt đi ngang, họ lại xì xầm nhưng cố tình để ông nghe được kiểu “Bà Tư nay đổi tên thành Tư Xả Láng mất rồi ông Thiệt ơi”.

Lại nói về ông Thiệt, mang tiếng là vợ chồng vừa trúng số nhưng ông cũng chẳng thay đổi gì. Thân hình thì ngày càng héo hon hơn vì ngày còn nghèo, hai vợ chồng còn rau cháo cùng nhau mỗi bữa cơm nhưng nay đến giờ cơm cũng chẳng thấy bà Tưng ngó ngàng đến. Buồn bã nên ngày nào ông cũng làm bạn với vài xị rượu ngoài bờ sông, đến tối thì lủi thủi về nhà ngủ một mình. Giọng trầm buồn, ông bảo: “Nhìn cảnh gia đình như vậy tủi thân lắm cô ạ, sống cùng nhà mà cứ như người dưng xa lạ, ngày nào bả cũng đi biền biệt, có hôm thì rủ bạn bè đi du lịch cả tuần mà chẳng nói tui tiếng nào”.

Biết tình cảm vợ chồng đã không còn được mặn nồng như xưa nên ông Thiệt nói chuyện “đường ai nấy đi” với vợ. Bà Tư cũng chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, liền gật đầu đồng ý. Ông bà cũng chẳng cần dắt nhau ra tòa mà cứ lẳng lặng tìm con đường riêng cho mình. Buồn bã, chán nản nên ông Thiệt bỏ lại nhà cửa cho bà Tư, rồi với một ba lô quần áo và chiếc xe máy cũ mèm, ông quyết định rời xa mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm đau buồn. Vì tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay, bà Tư cũng gửi cho chồng 50 triệu để làm “lộ phí”. “Mọi thứ với tui lúc ấy đều như sụp đỏ. Tui chạy xe máy lên Sài Gòn mà nước mắt cứ giàn dụa. Giá như bà ấy ngẫm ra được mọi chuyện cùng tui làm ăn như ngày xưa thì hay biết chừng nào”.

Giữa Sài thành rộng lớn, không một người thân thích để giúp đỡ nhưng một mình ông Thiệt vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau. Dừng chân tại một con hẻm nhỏ trong đường Hồ Học Lãm, ông thuê một căn gác nhỏ che nắng mưa qua ngày. Hằng ngày, cứ 4h sáng, người đàn ông khắc khổ ấy lại dậy sớm, một mình lục đục thổi cơm rồi leo lên chiếc xe máy cũ chạy ra chợ kiếm từng cuốc xe. Ấy vậy mà cũng đã gần 4 năm trôi qua, cuộc sống của ông tuy phải mưu sinh vất vả nhưng tâm hồn thì đã thanh thản hơn xưa rất nhiều.

Theo Đời Sống & Hôn Nhân

Tin tức mới nhất