Tận mắt thấy hỗn hợp hạt tiêu trộn đá và vỏ cà phê ngâm pin

Cơ quan điều tra khẳng định, đã thu hồi toàn bộ hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi ngâm pin cùng số tiêu đấu trộn, sản phẩm chưa được bán ra thị trường.

Chủ trì cuộc họp, Chánh VP UBND tỉnh Đắk Nông Ngô Xuân Lộc cho biết, đã xin phép ý kiến Bộ Công an cung cấp thêm thông tin về vụ việc.

Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh thông tin về vụ việc: ngày 15/4, Công an tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra hành chính và phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, chủ cơ sở, ở thôn 3, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) đang có hành vi pha trộn hỗn hợp gồm vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ kích thước từ 0,5-3mm, bột pin và nước (gọi tắt là hỗn hợp), sau đó sấy khô và đóng bao.


Các mẫu vật được đưa đến buổi họp báo

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ được 21,265 tấn hỗn hợp đã sấy khô, đóng bao. Ngoài ra, phát hiện thu giữ 3,998 tấn đá sỏi kích thước từ 0,5-3mm, 300kg vỏ cà phê, 40 lít dung dịch màu đen, 1 cối trộn bê tông, 192kg lõi pin, 35kg vỏ pin được đập dập.

Sau khi phát hiện vụ việc, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Phước điều tra, xác minh.

Căn cứ lời khai của các đối tượng, hồ sơ, ngày 23/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, giữ người trong trường hợp khẩn cấp 5 đối tượng là Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985), Phan Thị Dung (SN 1962), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Ngưỡng (SN 1976).


Vỏ cà phê thu giữ tại cơ sở bà Loan

Ngày 24/4, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 5 đối tượng trên về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh của cơ quan CSĐT Công an tỉnh đều được Viện KSND tỉnh phê chuẩn.


Mẫu đá sỏi bị thu giữ

Kết quả điều tra xác định, Loan và Bảo đều khai nhận bán 3 tấn hỗn hợp cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Ngưỡng; Thơ và Tuấn  sau đó bán lại cho Phan Thị Dung (giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước).

Sau khi mua 3 tấn hỗn hợp trên, Dung đã cho sử dụng một phần trộn vào hồ tiêu, đóng vào 360 bao để vào kho (tổng khối lượng là 9 tấn). Dung khai nhận là để làm tăng trọng lượng hồ tiêu. Phần hỗn hợp còn lại, khi nghe được thông tin cơ sở của Loan bị phát hiện, Dung đã cho pha trộn với vôi, phân lân và phân heo, rồi mang ra giấu ở vườn cao su, mục đích để tẩu tán, tiêu hủy nguồn chứng cứ.


Mẫu bột pin và hỗn hợp nước pin cơ sở bà Loan dùng ngâm vỏ cà phê, sỏi

Công an tỉnh Đắk Nông đã thu giữ 9 tấn hồ tiêu có trộn hỗn hợp và 11 tấn hỗn hợp pha trộn với vôi, phân lân, phân heo nêu trên; tiến hành thu mẫu và gửi Viện khoa học hình sự, Bộ Công an để giám định.

Theo thượng tá Phạm Thanh Bình, đến thời điểm hiện tại, hỗn hợp do Bảo và Loan làm ra đã được phát hiện, ngăn chặn và thu giữ; chưa được tiêu thụ ra ngoài thị trường và hoàn toàn không phải dùng làm nguyên liệu chế biến thành sản phẩm cà phê bột hoặc tiêu bột để bán cho người tiêu dùng.


Hỗn hợp sau khi ngâm pin tại cơ sở bà Loan

Lỗ hổng lớn trong quản lý

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi, có hay không cơ sở bà Loan sản xuất hỗn hợp từ 2016 mà cơ quan chức năng không biết?

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh trả lời, quá trình điều tra xác định cơ sở bà Loan bắt đầu sản xuất hỗn hợp từ tháng 1/2018 rồi bán cho Dung để trộn vào hồ tiêu.


Mẫu hồ tiêu được đấu trộn hỗn hợp mua của cơ sở bà Loan

Quá trình điều tra đã có tài liệu chứng minh, Dung mua với tổng khối lượng hỗn hợp là 3 tấn. Dung đã trộn vào hồ tiêu với tỷ lệ 18,34% trong tổng số 9 tấn hồ tiêu bị thu giữ.

“Hỗn hợp mà Loan, Bảo sản xuất, trong danh mục không biết gọi tên gì. Cơ quan điều tra đang tiếp tục lấy mẫu giám định, điều tra, chứng minh để trả lời” - Đại tá Quy thông tin.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, ông Ngô Xuân Lộc thừa nhận, qua vụ việc này thể hiện lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý, giám sát.


Ông Ngô Xuân Lộc khẳng định, tỉnh Đắk Nông sẽ điều tra, xử lý nghiêm vụ việc

Ông Lộc nói rằng, đến thời điểm có thể khẳng định hỗn hợp bị bắt chưa được sử dụng để sản xuất cà phê hay mặt hàng nào khác.

Ông Lộc cũng cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và sẽ tiếp tục thông tin đến báo chí.

Theo Vietnamnet


thực phẩm bẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cà phê

Tin tức mới nhất