"Thành phố tội lỗi" cái gì cũng bán tại Myanmar

Mong La là một thị trấn phía đông bắc Myanmar, nổi tiếng với hàng loạt các dịch vụ đánh bạc, mại dâm và buôn bán động vật quý hiếm.

Cứ mỗi năm lại có hàng nghìn khách tham quan vượt qua biên giới tới thị trấn Mong La phía Đông bắc Myanmar. Có một lý do đơn giản, đó là tại thị trấn này, cái gì cũng có, cái gì cũng có thể giải quyết bằng tiền, từ những chai rượu hiếm có đắt tiền nhất thế giới hoặc nguyên một con cá sấu ướp rượu trong một nhà hàng địa phương. Và đó chỉ là một số ít những thứ mà bạn tìm thấy tại thị trấn này, chỉ cần bạn đủ tiền.

Mong La là một khu lãnh thổ rộng 5.000 km2 tại khu vực Tam Giác Vàng, nơi mà những chúa tể buôn ma túy đang làm mưa làm gió. Nơi này cực kỳ nổi tiếng với những hoạt động buôn bán phi pháp như mại dâm, buôn ma túy và nhất là buôn bán động vật quý hiếm. Thử đi vào một khu phố ngẫu nhiên tại đây, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi ánh đèn neon lấp lóe của hàng loạt khách sạn tình yêu, sòng bạc, hộp đêm và khu cờ bạc.

"Thành phố tội lỗi" cái gì cũng bán tại Myanmar - Ảnh 1.

 Mong La là một thị trấn tội lỗi với những ngành công nghiệp dịch vụ bất lương lên ngôi.

Có một điểm đặc biệt nữa, Mong La sinh ra dường như là để phục vụ người Trung Quốc. Tất cả các dịch vụ tại đây đều ưu tiên khách đến từ Đại Lục, với đủ các bảng hiệu đều là tiếng Trung, tiền tệ, mạng di động là của Trung Quốc và thậm chí là đồng hồ cũng được chỉnh theo giờ Bắc Kinh. 

"Thành phố tội lỗi" cái gì cũng bán tại Myanmar - Ảnh 2.

 Mong La dường như sinh ra là để phục vụ người Trung Quốc.

Mặc dù trên lý thuyết Mong La thuộc lãnh thổ Myanmar, tuy nhiên thực tế đây có thể coi là một khu tự trị do Liên minh quân đội dân chủ, một phe phái chính trị đối lập khác làm chủ. Có thể nhìn thấy chiến binh quân đội tuần tra liên tục trong khu vực, tay cầm AK-47, súng ngắn. 

Mong La gần như tách biệt hoàn toàn khỏi Myanmar nhưng thung lũng núi tại đây có thể dễ dàng thâm nhập từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Du khách Trung Quốc được phép tự do đi vào khu vực thị trấn Mong La mà không cần hộ chiếu do quân nổi loạn tại đây có quan hệ khá tốt với chính quyền tỉnh Vân Nam, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã không ít lần yêu cầu đóng cửa biên giới để ngăn người dân đánh bạc.

"Thành phố tội lỗi" cái gì cũng bán tại Myanmar - Ảnh 3.

 Đánh bạc ở khắp mọi nơi.

Tại Mong La, rất nhiều sòng bạc là do dân Trung Quốc làm chủ và thậm chí còn cho phép khách hàng đánh bạc trực tuyến từ Trung Quốc. Những khách hàng đánh bạc sẽ theo dõi thông qua camera quay trực tiếp các xới bạc và trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Thực chất Trung Quốc có thể dễ dàng ngăn chặn nạn dòng du khách này đến với Mong La nhưng vì một số lý do tế nhị, mong muốn ấy buộc phải kiềm chế lại.

Vì nằm ở Tam Giác Vàng, nền công nghiệp ma túy tại đây phải nói là cực thịnh. Mới năm trước thôi Myanmar và Lào đã sản xuất tới 762 tấn ma túy, trở thành khu vực đứng thứ 2 chỉ sau Afghanistan về sản xuất ma túy.

Bên cạnh ma túy và cờ bạc, nạn mại dâm cũng trở thành một ngành công nghiệp tại đây. Tổ đội các cô nàng ăn mặc khêu gợi, chèo kéo khách vào các nhà nghỉ khách sạn biển bảng tiếng Trung với nội dung "các cô gái ngoan ngoãn, vui vẻ và nhiệt tình", rồi cả các... gói dịch vụ quái đản. 

"Thành phố tội lỗi" cái gì cũng bán tại Myanmar - Ảnh 4.

 Ngành mại dâm cực thịnh tại thị trấn Mong La.

Ban ngày tại Mong La có vẻ lành mạnh hơn hẳn, chỉ có các thương gia, lái buôn người Trung Quốc cùng một số phụ nữ địa phương mở các sạp hàng hóa bán rau củ, thịt thà cho tới quần áo, máy móc thiết bị điện, Thế nhưng đây chỉ là bề nổi. Thực chất dưới các sạp rau củ ấy, nếu biết cách nói chuyện, bạn có thể tìm được rất nhiều sản vật thú quý hiếm như da voi khô, ngà voi từ Châu Phi hay da, lông thú, chim chóc quý hiếm. Có du khách cho biết anh ta "hốt" được một cái chân hổ với giá 250USD.

"Thành phố tội lỗi" cái gì cũng bán tại Myanmar - Ảnh 5.

 Rất nhiều động vật quý hiếm được bán la liệt tại đây.

Giống như những quốc gia sống nhờ ngành công nghiệp chợ đen chợ xám, Mong La cũng tràn ngập hàng giả, hàng nhái. Tiêu biểu nhất có thể kể đến một tòa nhà cao tầng được gắn biển là Khách sạn Sheraton, tuy nhiên trên trang web của chuỗi khách sạn Mỹ cho thấy họ chẳng có chi nhánh nào ở khu vực này cả.

Tại thị trấn không quá lớn này có hẳn một nhà máy nhiệt điện, một sở thú, một sân golf. Sự phát triển quá mức này có thể khiến các thành phố, thị trấn khác tại Myanmar phải ghen tị. Tuy nhiên theo Tom Kramer, một chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu về nền kinh tế trong thời buổi xung đột, lợi nhuận thu về từ các công trình hạng mục này ở Mong La chỉ làm lợi cho người đứng đầu tại đây mà thôi.

"Du khách Trung Quốc vẫn đang có chiều hướng tăng lên nhưng nơi này quả thực chẳng có gì tốt. Nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Một khi chính phủ Trung Quốc quay lưng với Mong La sẽ là một dấu chấm hết cho thị trấn bất lương này", Tom Kramer chia sẻ.

Theo Kênh 14/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao