Mỗi dịp năm học mới bắt đầu thường là thời điểm khá khó khăn với nhiều trẻ nhỏ bởi trẻ có thể phải mất nhiều thời gian để làm quen với thời khóa biểu dày đặc sau kỳ nghỉ hè dài ngày, và mỗi quốc gia lại có một truyền thống đặc biệt để giúp trẻ vượt qua thời kỳ chuyển tiếp đó.
Nhật Bản
Năm học mới ở Nhật Bản bắt đầu vào tháng 4 hàng năm. Trong ngày đầu tiên của năm học mới, học sinh Nhật Bản thường chụp ảnh ở cổng trường và tham gia một buổi lễ khai giảng ở nhà thi đấu của trường. Buổi lễ này được gọi là “nyuugakushiki” trong tiếng Nhật, bao gồm nghi thức chào đón học sinh mới với học sinh mặc đồng phục của trường và phụ huynh mặc kimono truyền thống.
Trong dịp này, học sinh Nhật Bản nhận được một chiếc cặp sách mang ý nghĩa biểu tượng cho đất nước này có tên “randoseru” – cặp có thể được mua mới hoặc truyền lại các thành viên trong gia đình và được sử dụng đến khi trẻ học lớp 6. Trong quá khứ, học sinh nữ thường dùng cặp màu đỏ, trong khi học sinh nam dùng cặp màu đen, nhưng ngày nay randoseru đã được thiết kế thành nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau.
Học sinh Nhật Bản đến trường với chiếc cặp truyền thống.
Bữa trưa truyền thống trong ngày đầu tiên đi học thường được các gia đình chuẩn bị cho con trẻ là bữa ăn có cơm trắng ăn kèm sốt rong biển và trứng chim cút với hy vọng mang lại may mắn cho trẻ trong cả năm học.
Ngoài sách vở và một hộp bút chì đặc biệt được biết đến với cái tên “fudebako”, học sinh tiểu học Nhật Bản còn chuẩn bị giấy gấp origami, dụng cụ làm vườn và dép đi trong nhà đến trường bởi giày dép đi bên ngoài không được phép sử dụng trong lớp học.
Ấn Độ
Ngày đầu tiên của năm học mới ở Ấn Độ được biết đến với tên gọi “praveshanotsavam” – có nghĩa là “ngày nhập học”.
Ngày lễ praveshanotsavam ở Ấn Độ.
Trong dịp này, học sinh tiểu học Ấn Độ thường được tặng quà là cặp sách, bóng bay, kẹo và sách giáo khoa. Và bởi năm học mới ở Ấn Độ thường bắt đầu vào cuối mùa xuân và trùng với mùa mưa, một món quà truyền thống dành tặng cho học sinh trong ngày đầu đến trường là một chiếc ô.
Nga
Năm học mới ở Nga bắt đầu vào ngày 1/9 hàng năm và được gọi là “Day of Knowledge”. Trong ngày này, học sinh Nga trong trang phục trang trọng thường tặng các thầy cô giáo một bó hoa tươi nhiều màu sắc và nhận lại từ họ một quả bóng bay.
Ngày đầu tiên đến trường của học sinh Nga.
Học sinh còn được tham gia vào các hoạt động giải trí, xem diễn rối và tự tay rung chuông. Tiếng chuông vang lên báo hiệu cho thời điểm kết thúc của buổi lễ và năm học mới chính thức bắt đầu. Đây là một ngày đặc biệt quan trọng về mặt văn hóa của người Nga, bởi thậm chí nếu nó diễn ra vào thứ bảy, các bậc phụ huynh và học sinh vẫn sẽ tham gia.
Kazakhstan
Buổi lễ khai giảng ở Kazakhstan.
Không giống học sinh người Nga tặng một bó hoa cho thầy cô giáo, học sinh Kazakhstan thường chỉ tặng giáo viên một bông hoa trong ngày đầu tiên của năm học mới. Giáo viên sau đó sẽ tập hợp tất cả những bông hoa nhận được thành một bó hoa – được người Kazakhstan coi là biểu tượng cho sự phát triển và hy vọng với một năm học mới sắp bắt đầu. Trong khi đó, học sinh sẽ nhận được từ cha mẹ những món quà truyền thống như bút chì, kẹo và thậm chí là nến.
Israel
Mái vòm được học sinh lớp lớn dựng nên để chào đón học sinh lớp 2.
Ở Israel, đi học được coi là một điều “ngọt ngào”, đặc biệt với học sinh vào lớp 1. Trong ngày đầu tiên đến trường, học sinh mới sẽ đi dưới một mái vòm do các học sinh lớp lớn tạo nên và liếm các chữ cái bằng mật ong được viết trên một tấm đá. Hành động này có ý nghĩa nhắc nhở học sinh rằng “học hành luôn là một điều ngọt ngào”. Trong buổi lễ, học sinh lớp lớn cũng thả bóng bay nhiều màu để chào đón học sinh mới.
Hà Lan
Trong ngày đầu tiên đến trường cũng như nhiều ngay đi học bình thường khác, trẻ nhỏ Hà Lan thường được cha mẹ đưa đến trường trên chiếc xe đạp truyền thống của đất nước này – “bakfietsen”.
Cha mẹ Hà Lan thường đưa trẻ đến trường bằng bakfietsen.
Khác với xe đạp thông thường, bakfietsen có một cái thùng lớn được gắn trên một hoặc hai bánh xe phía trước người lái. Với người dân Hà Lan, sử dụng bakfietsen để đưa trẻ đến trường chính là cách họ bảo tồn truyền thống văn hóa và cũng là biện pháp họ bảo vệ môi trường và tiết kiệm thời gian tìm chỗ đỗ xe.
Đức
Năm học mới bắt đầu luôn là thời điểm quan trọng và cần sự chuẩn bị chu đáo đối với người Đức. Trong dịp này, học sinh Đức sẽ đến trường với một chiếc túi hình nón có tên “Schultüten” – tiếng Đức có nghĩa là “túi đi học”. Đây là một truyền thống lâu đời đã tồn tại khoảng 200 năm.
Schultüten truyền thống của học sinh Đức trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Schultüten có thể được làm bằng giấy hoặc nhựa, được trang trí đẹp mắt theo sở thích của trẻ và có nhiều kích thước khác nhau. Trong Schultüten, học sinh Đức được cha mẹ chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho ngày đầu tiên đến trường bao gồm đồ dùng học tập, đồ chơi nhỏ và quan trọng nhất là kẹo với quan niệm kẹo sẽ giúp năm học mới của trẻ thêm “ngọt ngào” hơn.
Italia
Trước thềm năm học mới, trẻ nhỏ ở Italia thường được cha mẹ mua cho một bộ trang phục truyền thống để mặc bên ngoài quần áo thông thường trong ngày đầu tiên của năm học. Bộ trang phục đặc biệt này có nhiều màu sắc khác nhau tương ứng với khối lớp của trẻ trong năm học mới. Ở cấp mẫu giáo, bé trai mặc grembiule màu kẻ xanh dương và trắng trong khi bé gái mặc màu kẻ đỏ/hồng và trắng; sau năm lớp 1, trẻ mặc grembiule màu xanh dương đậm.
Grembiule truyền thống được học sinh Italia mặc bên ngoài quần áo thường trong buổi học mới đầu tiên.
Khối lớp của trẻ còn được phân biệt bằng màu sắc của ruy-băng đính trên grembiule; theo truyền thống, ruy-băng màu đỏ cho học sinh lớp 1, màu hồng cho lớp 2, xanh dương cho lớp 3, xanh lá cho lớp 4 và ruy-băng màu trắng, xanh lá và đỏ - 3 màu trên lá cờ Italia cho học sinh năm cuối tiểu học. Ngoài ra, grembiule còn có thể được thiết kế riêng cho từng trẻ.
Pháp
Học sinh Pháp đến trường tiểu học Jules Ferry ở Fontenay-sous-Bois gần thủ đô Paris.
Người Pháp có truyền thống dành cả thời gian trẻ nghỉ hè để chuẩn bị cho năm học mới. Khi năm học mới kết thúc, học sinh Pháp thường đến gặp giáo viên mới và nhận một danh sách những vật dụng cần thiết cho năm học tiếp theo để các bậc phụ huynh có thời gian chuẩn bị đầy đủ.
Theo Trí Thức Trẻ