Thiên tài vật lý Stephen Hawking qua đời-1
Nhà khoa học Stephen Hawking (Ảnh: BBC)

“Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin người cha đáng kính của chúng tôi đã qua đời hôm nay. Ông là nhà khoa học lỗi lạc và là nhân vật xuất chúng với những công trình và di sản sống mãi trong nhiều năm”, RT hôm nay 14/3 dẫn thông báo của Lucy, Robert và Tim - các con của nhà khoa học Stephen Hawking.

Thông báo của gia đình nhà khoa học Stephen Hawking cũng dành những lời khen ngợi cho “lòng dũng cảm và sự bền bỉ” của ông và nói rằng “sự lỗi lạc và khiếu hài hước của ông” đã truyền cảm hứng cho người dân trên toàn thế giới.

“Ông từng nói, 'vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là căn nhà cho những người bạn yêu thương'. Chúng tôi sẽ nhớ ông mãi mãi”, các con của nhà khoa học Hawking cho biết.

Bệnh tật, ngồi xe lăn vẫn nghiên cứu khoa học

Thiên tài vật lý Stephen Hawking qua đời-2
Hawking vẫn đam mê nghiên cứu khoa học dù bệnh tật và ngồi xe lăn (Ảnh: Getty)

Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford, Anh. Năm 21 tuổi, ông bị chẩn đoán mắc bệnh teo cơ và các bác sĩ nói ông chỉ còn hai năm để sống. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, Stephen Hawking đã theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đạt được thành công lớn trong sự nghiệp.

Trong hơn nửa thế kỷ, Stephen Hawking phải chống chọi với căn bệnh Xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) khiến ông không thể đi lại như người bình thường. Nhà khoa học này gần như bị liệt toàn thân và phải sử dụng xe lăn, giao tiếp qua thiết bị hỗ trợ đặc biệt. Ông phải sử dụng máy tính gắn trên xe lăn để có thể giúp ông giao tiếp với mọi người.

Bệnh tật không phải là rào cản cho sự nghiệp khoa học của Stephen Hawking. Ông đã xuất bản cuốn sách Lược sử Thời gian vào năm 1988 và bán được hơn 10 triệu bản. Ông cũng dành phần lớn thời gian tìm kiếm lời giải cho các bí ẩn của không gian vũ trụ.
 

Thiên tài vật lý Stephen Hawking qua đời-3
Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do cho nhà khoa học Stephen Hawking năm 2009 (Ảnh: AFP/Getty)

Stephen Hawking từng tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu về khoa học tự nhiên và là giáo sư chuyên về vật lý tại Đại học Oxford trước khi học tiến sĩ tại Cambridge. Ông có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, nghiên cứu hố đen, thuyết tương đối và hấp dẫn lượng tử.

Vượt ra ngoài dự đoán của các bác sĩ về khả năng sống sót của những người mắc hội chứng teo cơ, Stephen Hawking vẫn kéo dài cuộc sống của ông cho tới tận bây giờ và nhiều người cho rằng có thể ông đã chiến thắng hội chứng này. Tuy vậy, sau ca phẫu thuật vì căn bệnh viêm phổi, Stephen Hawking không thể nói như người bình thường và ông phải dùng tới thiết bị hỗ trợ để giao tiếp.

Theo Dân Trí