Thiếu vắc xin dịch vụ: Bộ Y tế lên tiếng

Thời gian qua, dư luận không khỏi lo lắng trước thực trạng thiếu vắc xin dịch vụ trên phạm vi cả nước.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết vắc xin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ.

Tại hầu khắp các điểm tiêm chủng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đồng loạt xảy ra tình trạng "cháy" vắc xin dịch vụ, đặc biệt là các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, thủy đậu...

Nhiều phụ huynh phải xếp hàng từ 4h sáng để mua vắc xin. Nhiều người đổ lỗi do các điểm tiêm chủng thiếu trách nhiệm, không lên kế hoạch dự trù vắc xin...

Cảnh người dân Hà Nội xếp hàng từ mờ sáng để chờ mua
vắc xin dịch vụ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế: "Vắc xin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ về Việt Nam".

Ông Đạt cho biết thêm, khác với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu.

Do vắc xin không thể để lâu, theo đó chỉ khi các cơ sở tiêm chủng đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng và các hãng mới bắt tay vào sản xuất.

Điều này khiến độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên đến khi vắc xin về cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng, gây ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc xin.

Trước thực trạng trên, ông Đạt cho rằng người dân không nên quá lo lắng, các phụ huynh có thể đưa con đi tiêm vắc xin miễn phí thay cho vắc xin dịch vụ.

"Việt Nam luôn có đủ các loại vắc xin có khả năng phòng bệnh tương tự như các loại vắc xin dịch vụ và hiện đang được tiêm miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc. Tất cả vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều đã được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn", ông Đạt khẳng định.

Ông Đạt cho biết thêm, Bộ Y tế đang tích cực làm đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắc xin phòng bệnh do rota virus và vắc xin phòng bệnh do phế cầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Căn cứ vào tình hình vắc xin dịch vụ hiện tại, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho hay, đã chỉ đạo các Sở Y tế căn cứ vào lượng vắc xin hiện có để thu gọn lại còn một số điểm tiêm, tránh tình trạng tiêm mũi 1 nhưng lại không có mũi 2, 3 hoặc tiêm nhầm mũi, đồng thời phải tuyên truyền để người dân tập trung vào các điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí cho đủ mũi.

Ông Phu dẫn chứng, qua giám sát dịch sởi, ho gà... thời gian qua cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc là do không được tiêm, hoãn tiêm hoặc chờ tiêm. Điều này rất nguy hiểm, vì chỉ cần chậm 1-2 tháng là trẻ đã mắc bệnh rồi.


Theo VietNamNet

Tin tức mới nhất