Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai năm học 2021-2022 diễn ra ngày 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra vấn đề tâm lý học sinh bị ảnh hưởng ra sao khi phải học online trong thời gian dài.

Ông cho rằng đại dịch đang ảnh hưởng đến cả tâm, sinh lý và kiến thức học sinh. Đây là một trong các vấn đề mà Chính phủ, ngành giáo dục cần suy nghĩ dù theo ông, chưa thể đưa ra giải pháp ngay lập tức.

Thủ tướng: Các cháu học online thời gian dài ảnh hưởng tới tâm lý-1
Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành Hội nghị toàn quốc Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Hỗ trợ tâm lý trẻ em trong dịch

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành giáo dục và địa phương cần quan tâm việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng tâm lý học sinh ra sao.

"Ngày nào cũng máy tính, không được giao lưu, tiếp xúc với xã hội cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu", Thủ tướng khẳng định.

Vì vậy, ông đề nghị khi học sinh trở lại trường bình thường, thầy, cô giáo quan tâm các cháu để đảm bảo mỗi ngày đến trường là một ngày vui, bù lại những thiệt thòi trong quá trình thực hiện chống dịch.

Với những học sinh đang phải học trực tuyến, việc này càng cần được quan tâm.

Thủ tướng đánh giá rất cao nhiều trường lớp, thầy cô đã có chương trình vừa học vừa chơi để học sinh hứng thú với học hành, chấp hành việc giãn cách xã hội, đặc biệt tìm ra biện pháp giảm căng thẳng cho các em.

"Các trường cũng xem xét có giáo viên tâm lý học để hướng dẫn qua đường dây nóng, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, nhất là trong đại dịch", Thủ tướng nói.

Bên cạnh vấn đề tâm lý, Thủ tướng đặt câu hỏi về vấn đề dinh dưỡng cho học sinh khi các cháu trong độ tuổi đang phát triển nhưng gia đình gặp khó khăn do bố mẹ mất việc, không có thu nhập, dẫn chất lượng bữa ăn bị ảnh hưởng. Ông đề nghị ngoài chính sách hỗ trợ chung, cần có chính sách đặc thù.

Địa phương có chính sách hỗ trợ các trường bổ sung dinh dưỡng, bữa ăn bán trú hoặc hỗ trợ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để giúp học sinh phát triển thể chất tốt hơn.

"Các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra lại hệ thống trường bán trú chăm nuôi, nghiên cứu thấu đáo, khoa học, phát triển hệ thống này phù hợp với địa phương", Thủ tướng nói.

Theo ông, tại một số địa phương, vấn đề này chưa được quan tâm. Trong bối cảnh học sinh khó khăn, việc thực hiện hệ thống bán trú rất cần thiết cho miền núi, đặc biệt với con em dân tộc thiểu số.

Thủ tướng: Các cháu học online thời gian dài ảnh hưởng tới tâm lý-2
Thủ tướng đề cập việc hỗ trợ học sinh, sinh viên gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Không để học sinh thất học vì dịch

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương quan tâm vấn đề phụ huynh ở vùng dịch, gia đình khó khăn có tiền đóng học phí không. Từ kiểm tra thực tế, ông nhận thấy các cháu là con em công nhân mất việc, ở khu nhà trọ đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cũng cần có câu trả lời thấu đáo cho vấn đề gia đình có con nhỏ ở nhà học trực tuyến lâu ngày có ảnh hưởng công việc của bố mẹ không, hay họ phải mang các cháu đi làm khi trường mầm non không mở cửa.

Theo Thủ tướng, hiện tại, phụ huynh ở những nơi giãn cách xã hội đều mong muốn có câu trả lời khi nào các cháu được trở lại trường học bình thường. Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới đảm bảo an toàn trường học, gắn với tiêm vaccine.

Theo người đứng đầu Chính phủ, những cháu tiêm đủ 2 mũi sẽ đến trường cùng các biện pháp chống dịch khác như cách một số nước đang áp dụng. Nhà nước làm tất cả có thể để học sinh được tiêm vaccine sớm nhất.

Ông nhấn mạnh bên cạnh tiêm vaccine, các trường, địa phương cần có biện pháp khác để đảm bảo an toàn, chống dịch Covid-19, để học sinh trở lại trường an toàn.

Những địa phương không có dịch, thuộc vùng xanh, chủ động phương án cho các em trở lại trường. Các trường có biện pháp kiểm soát, sàng lọc, phòng chống dịch phù hợp.

"Dù có vaccine và biện pháp phòng chống dịch, chúng ta vẫn không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hay thỏa mãn với những gì đã làm được", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm không thể chủ quan vì biến chủng này khác.

Với vùng đỏ và vàng, tức là những nơi dịch đang diễn biến phức tạp, trước mắt, học sinh vẫn phải học trực tuyến. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể về chương trình dạy học phù hợp.

Bên cạnh đó, ông lưu ý lãnh đạo các địa phương cần lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ học sinh khó khăn, không có phương tiện học online, nhằm đảm bảo sự công bằng trong học tập, không để học sinh thất học.

"Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ khi ngày tựu trường, các cháu không được đến trường mà chỉ được gặp thầy cô, bạn bè qua máy tính. Đây là thiệt thòi lớn của các cháu nhưng cũng là điều tích cực để chuyển đổi số", ông Phạm Minh Chính khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ nói thêm đối với học sinh, sinh viên gia đình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch cần phải triển khai miễn, giảm học phí, đảm bảo các em không thất học sau dịch bệnh vì nghèo.

Ngoài ra, trước tình trạng trường lớp đóng cửa, thu nhập của giáo viên, đặc biệt tại trường mầm non tư thục chịu ảnh hưởng, Thủ tướng đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ họ.

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10.

Nghị định nêu rõ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố. Tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

Theo Zing