Thực hư chuyện giẫm đạp chữa bách bệnh của “Cô Phú Bồ Tát”

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, bà Phạm Thị Phú (Sông Công, Thái Nguyên) không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về y khoa cũng như chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Thực hư phương pháp chữa bệnh bằng giẫm đạp

Những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ cách chữa bệnh bằng cách giẫm đạp lên chỗ đau của bà Phạm Thị Phú, ở phố Cò, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Đặc biệt, cộng đồng mạng cũng chia sẻ, bà Phú có biệt tài chữa khỏi 100% các ca ung thư, chữa bệnh không mất tiền và không bắt bệnh nhân phải uống bất cứ loại thuốc nào.

Câu chuyện giẫm đạp chữa bệnh của bà Phú đã được phản ánh từ năm 2006. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người lại bức xúc về cách chữa bệnh kỳ quái của người đàn bà mang danh “Cô Phú Bồ Tát” này.

Theo chính quyền địa phương, chuyện người dân đi chữa bệnh "đông như trảy hội" là hoàn toàn có thật.

 Việc giẫm đạp lên người bệnh được bà Phú lý giải là phương pháp truyền năng lượng vào cơ thể người bệnh (Ảnh cộng đồng mạng chia sẻ).
Việc giẫm đạp lên người bệnh được bà Phú lý giải là phương pháp truyền năng lượng vào cơ thể người bệnh (Ảnh cộng đồng mạng chia sẻ).

Trao đổi với phóng viên về phương pháp chữa bệnh đặc biệt này, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định, chữa bệnh theo phương pháp giẫm chân hay truyền năng lượng chữa bách bệnh nêu trên là không có căn cứ.

Theo ông Hướng, đây là chiêu bài lừa đảo của "lang vườn" nhằm kinh doanh thu lợi, lợi dụng lòng tin mù quáng của những người đang mang trong mình trọng bệnh.

“Có thể bà Phú đang mắc bệnh hoang tưởng, tâm lý bất ổn nên cho rằng, mình có thể chữa được bách bệnh bằng phương pháp thần bí”, ông Hướng cho hay.

Theo GS. Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ung thư Việt Nam, hình ảnh hàng trăm người nằm dài chờ giẫm chân chữa bệnh là hành vi phản cảm.

Ông Đức lý giải, việc phát hiện, điều trị ung thư phải được xác định bằng những xét nghiệm, chiếu chụp, nội soi, sinh thiết, kết luận mức độ nặng nhẹ ra sao.

Đó còn chưa kể việc chữa trị bệnh ung thư rất khó khăn, các nhà khoa học hàng đầu thế giới còn cảm thấy quá nhiều trở ngại huống chi là người không có trình độ y khoa. Do đó, người dân không nên chữa bệnh theo kiểu truyền miệng.

 Bà Phạm Thị Phú thể hiện các động tác điều trị bằng cách xoa bóp cho các bệnh nhân có nhiều loại bệnh khác nhau
Bà Phạm Thị Phú thể hiện các động tác điều trị bằng cách xoa bóp cho các bệnh nhân có nhiều loại bệnh khác nhau

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, không ai có thể chữa được bách bệnh. Mặc dù, bà Phú tuyên bố không lấy tiền công nhưng người dân đi lại tốn tiền, phí công vô ích.

Đặc biệt, khi người bệnh đang ở giai đoạn đầu điều trị tin theo lời đồn thổi đến “Cô Phú Bồ Tát” chữa bệnh sẽ bỏ qua "giai đoạn vàng" điều trị, bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho cả thầy thuốc và người nhà bệnh nhân.

Không chứng chỉ, giấy phép

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, vụ việc về “Cô Phú Bồ Tát” cần được các ban ngành, chính quyền địa phương vào cuộc: “Chính quyền không nên nói bà Phú đăng ký dịch vụ massage thì không phải nhiệm vụ.

Bà Phú là người dân của địa phương, chính quyền phải can thiệp. Trước hết, UBND xã phải vào cuộc. Nếu không làm được thì UBND thị xã Sông Công phải làm rõ. Cơ quan chức năng vào cuộc càng nhanh thì càng giúp được dân”.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp bà Phạm Thị Phú, bà Vũ Thị Thu Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Vinh Sơn, Sông Công (nơi bà Phú cư trú) cho biết, bà Phú là người địa phương, trước đây làm nghề buôn bán cá.

Còn chuyện bà Phú có đi học về những kiến thức đang làm hay không thì phía chính quyền không nắm được.

Cũng theo bà Hải, bà Phú trước kia hoạt động ở phường Thắng Lợi, sau đó mua đất và chuyển vào xã Vinh Sơn hành nghề. Lượng người đến khám rất đông. Đa số là ở nơi khác, người dân địa phương không ai đến khám.

 Ngày 14.9 vẫn rất đông người dân ở địa phương khác đến chữa bệnh tại nhà Cô Phú Bồ Tát. (Ảnh: L.P)
Ngày 14.9 vẫn rất đông người dân ở địa phương khác đến chữa bệnh tại nhà "Cô Phú Bồ Tát". (Ảnh: L.P)

Trao đổi với phóng viên sáng 15.9, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, năm 2010, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã đến cơ sở chữa bệnh của bà Phú.

Đoàn kiểm tra kết luận: Bà Phạm Thị Phú không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về y khoa; không có giấy chứng nhận lương y; không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cũng như không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

“Cơ sở chữa bệnh của bà Phú cũng không có quy trình kỹ thuật chữa bệnh; không có bất cứ dụng cụ, phương tiện y khoa hiện đại nào; không có thuốc và phương tiện để cấp cứu người bệnh...”, ông Khuê cho hay.

Cũng theo ông Khuê, cộng đồng mạng chia sẻ, phương pháp chữa bệnh của bà Phú là phương pháp thần bí. Do đó, cần có sự vào cuộc của Cục Khoa Công nghệ, Cục Y dược cổ truyền.

Ông Mai Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đã kiến nghị Sở Y tế Thái Nguyên có văn bản báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân (bao gồm cả hành nghề y, dược tư nhân trong nghiên cứu khoa học hợp pháp), kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Y tế Thái Nguyên giải quyết việc hành nghề chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú theo đúng quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hồng, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên thông tin, cơ sở khám chữa bệnh của bà Phú không có giấy phép.

Cơ quan chức năng đã nắm được nhưng bà Phú lại hoạt động trá hình dưới hình thức kinh doanh dịch vụ massage nên không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế.

“Vì liên quan đến góc độ chuyên môn nên chúng tôi đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương xuống cơ sở kiểm tra, nhắc nhở nhưng bà Phú vẫn tiếp tục hành nghề”, ông Hồng nói.

Trước thông tin chữa bệnh kỳ quái của bà Phú, lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên khuyến cáo người bệnh cần tỉnh táo, không nên đi lại tốn thời gian, tiền bạc, thậm chí khi bệnh nặng còn ảnh hưởng tới tính mạng.

Theo ông Hồng, thực tế có những bệnh nhân chỉ bị đau thần kinh vô tình đến chữa, sau một thời gian vận động lại tự khỏi. Tuy nhiên, người ta lại lợi dụng những thông tin này để lôi kéo thêm bệnh nhân mới.

Chính vì vậy, người dân khi tới cơ sở chữa bệnh gia truyền cần tìm hiểu xem họ có được Nhà nước cấp phép chữa bệnh hay không, còn tất cả những thông tin vỉa hè, truyền miệng đều chưa đủ độ tin cậy.

Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất