Thực hư công dụng chữa bệnh “thần kỳ” từ đỉa

Theo Đông y, đỉa có khả năng chữa nhiều bệnh như đau bụng dưới, yếu sinh lý, u nang buồng trứng... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đỉa phơi khô, tán nhuyễn khi vào cơ thể người sẽ sống lại và kí sinh gây nguy hiểm.

Nhiều người dân đang hoang mang về công dụng thực sự của đỉa.

Ngày 14.11, công an xã Long Thành (Tây Ninh) phát hiện và bắt giữ một đối tượng vận chuyển 72 kg đỉa khô từ biên giới Campuchia vào Việt Nam. Đáng chú ý, đây là vụ vận chuyển đỉa thứ 4 mà lực lượng chức năng Tây Ninh phát hiện và thu giữ.

Thời gian qua, nhiều người cho rằng, đỉa có khả năng chữa bệnh, được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao. Tình trạng săn bắt, vận chuyển sinh vật nguy hại này diễn ra rất phổ biến mà nhiều người không biết đây hành vi bị cấm.

 Đỉa có tác dụng chữa bệnh trong Đông y. (ảnh: Người đưa tin)
Đỉa có tác dụng chữa bệnh trong Đông y. (ảnh: Người đưa tin)

Thời điểm cuối năm 2012, một cơn sốt bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc diễn ra. Đỉa bán cho thương lái lúc cao điểm có giá tới cả triệu đồng/1kg.

Người dân đổ xô đi bắt đỉa, thậm chí nhiều người nuôi cả đỉa nhưng không ai biết thương lái Trung Quốc mua đỉa về làm gì?

Người dân đồn đoán, đỉa sau khi được thương lái thu mua mang về Trung Quốc được phơi khô, tán nhuyễn và cho vào sữa, kẹo, thực phẩm…

Sau đó, chúng được xuất sang Việt Nam và các nước khác. Những thực phẩm này gặp môi trường nước như sữa, nước… đỉa sẽ sống lại và kí sinh trong cơ thể người.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Vũ Minh Hoàn – Phòng đào tạo nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền) khẳng định:

Đỉa sau phơi khô, tán nhuyễn không có khả năng tái tạo dù trong bất cứ điều kiện môi trường sống nào.

Theo bác sĩ Hoàn, đỉa là một vị thuốc quý nhưng các bài thuốc từ đỉa không phải dễ chế biến và sử dụng. Đỉa phơi khô kết hợp với các vị thuốc thảo dược như: can thìa, cam thảo, kỳ tử, có thể chữa đau bụng dưới, mụn nhọt, phong lở.

Hoặc kết hợp với hổ trượng, địa long, xuyên sơn giáp sẽ có tác dụng chữa bệnh yếu sinh lý, ít tinh binh ở nam giới; Kết hợp đan sam, trạch lan, chữa bệnh u nang buồn trứng ở nữ giới.

Bác sĩ Hoàn cũng cho biết thêm, y học hiện đại Việt Nam từng dùng đỉa sống hút máu trực tiếp cho những bệnh nhân bị sưng phù, máu đông ứ đọng gây đau nhức.

Nhưng việc dùng đỉa sống hút máu trực tiếp rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng và truyền bệnh.

“Hiện tại, ở các tỉnh hoặc vùng khác, bệnh viện có thể vẫn dùng đỉa chữa bệnh. Tuy nhiên, 30 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện của Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) từ lâu đã không sử dụng đỉa cả sống lẫn khô để chữa bệnh”, bác sĩ Hoàn nói.

Ông Nguyên Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng cho hay, đỉa chữa được rất nhiều bệnh trong Đông y.

Tuy nhiên, đỉa có tính hàn, có độc nên người bệnh chỉ nên dùng 2-4g đỉa khô mỗi ngày. Kết hợp với một số vị thuốc khác như nga truật, tam lăng, xuyên sơn giáp, đan sâm, đương quy… để tăng hiệu quả.

Trong quá trình sử dụng đỉa trực tiếp chữa bệnh, dịch tiết ra từ mồm đỉa có khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm như: Viêm gan B, HIV, các bệnh lây lan qua đường máu.

Nếu dùng đỉa quá nhiều sẽ làm mất máu, vỡ động mạch gây tai biến cho bệnh nhân. Chống chỉ định với những phụ nữa đang mang thai do và những trường hợp có nguy cơ xuất huyết: xuất huyết trĩ, chảy máu cam, rong kinh…

“Đỉa là sinh vật có ích trong y học nhưng ít khi được sử dụng đến. Ngược lại, nếu đỉa sống phát tán ra môi trường sẽ rất nguy hại. Một số người đang có ý định nuôi đỉa bán cho các thương lái Trung Quốc nhưng không rõ mục đích.

Nếu phát triển với số lượng lớn mà không đúng hướng, không được kiểm soát, đỉa sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”, ông Hướng cho hay.

Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất