Tiến sĩ Mỹ tạo ra dự án 'phép màu': Giúp tế bào trẻ hóa, giết chết mầm ung thư

TS Valter Longo tin rằng cắt giảm lượng calo trong chế độ ăn hàng ngày có thể làm chậm quá trình lão hóa, giúp con người ít mắc bệnh ung thư, tiểu đường và tim mạch.

Tiến sĩ Mỹ tạo ra dự án 'phép màu': Giúp tế bào trẻ hóa, giết chết mầm ung thư-1

Tiến sĩ Valter Longo hiện công tác tại Đại học Nam California (Mỹ), giảng dạy về bệnh lão khoa và sinh học. Ông cho rằng, chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và nguy cơ mắc bệnh nan y của chúng ta.

Thử nghiệm chế độ "giả nhịn ăn"

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Valter Longo đã phát triển chế độ ăn The fasting-mimicking diet (FMD), tạm dịch là chế độ "giả nhịn ăn".

Hiểu một cách đơn giản về chế độ "giả nhịn ăn" là: Mỗi tháng, người tham gia thực hiện 5 ngày liên tiếp hạn chế lượng calo tiêu thụ cho tới khi lượng calo được cắt giảm còn 2/3 so với ngày bình thường.

Tiến sĩ Mỹ tạo ra dự án 'phép màu': Giúp tế bào trẻ hóa, giết chết mầm ung thư-2

Tiến sĩ Valter Longo

Ngày đầu tiên, họ chỉ được tiêu thụ không quá 1.090 calo (10% protein, 56% chất béo và 34% carbohydrate). Bắt đầu từ ngày thứ 2 trở đi, họ sẽ giảm mức nạp năng lượng xuống chỉ còn 725 calo (9% protein, 44% chất béo và 47% carbohydrate).

Một điểm lưu ý là hầu hết nguồn cung cấp carbohydrate đến từ các loại rau.

Thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng Peter Bowes, một người tham gia vào nghiên cứu chế độ "giả nhịn ăn", cho biết khoảng thời gian 5 ngày này không hề dễ dàng một chút nào. Nhiều người tham gia đã bị đau đầu , mất nước.

Về mặt tinh thần, họ lần lượt cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và kém minh mẫn. Tuy nhiên, nếu vượt qua 5 ngày trong chế độ "giả nhịn ăn", bạn có thể ăn bất cứ thứ gì trong 25 ngày còn lại của tháng.

Tầm quan trọng của việc hạn chế protein

TS Longo cho biết ở Mỹ, nguy cơ tử vong do ung thư ở những người có chế độ ăn giàu protein đang tăng lên. Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này là do lượng protein trong cơ thể, đặc biệt là các axit amin (như leucine và methionine).

Bên cạnh đó, nếu lượng protein tăng cao sẽ kéo theo lượng axit amin cao hơn, từ đó khiến tốc độ lão hóa tăng nhanh, đồng thời khả năng chết sớm cao hơn và cơ thể sẽ xuất hiện nhiều bệnh tật.

Do đó, bạn cần duy trì lượng protein vừa đủ bằng cách áp dụng chế độ "giả nhịn ăn" hoặc ăn kiêng để đảm bảo sức khỏe. Cụ thể, bạn nên duy trì từ 0.7-0.75g protein cho mỗi kg cân nặng.

Tiến sĩ Mỹ tạo ra dự án 'phép màu': Giúp tế bào trẻ hóa, giết chết mầm ung thư-3
Trong chế độ giả nhịn ăn, nguồn cung cấp carbohydrate đến từ các loại rau (Ảnh minh họa).

Ảnh hưởng của chế độ "giả nhịn ăn" trên chuột

Nghiên cứu của nhóm TS Longo cho thấy, khi bạn thực hiện chế độ ăn hạn chế calo theo định kỳ, cơ thể vẫn ghi nhớ được sự trao đổi chất diễn ra trong thời gian dài. Giả thuyết này ban đầu được thử nghiệm trên chuột và đã cho kết quả rất tốt.

TS Longo cho những con chuột ăn theo chế độ "giả nhịn ăn" theo định kỳ, cụ thể 2 lần/tháng, chuột sẽ ăn kiêng trong vòng 4 ngày. Chế độ ăn của chúng có lượng chất béo tương đối cao nhưng protein và đường lại rất hạn chế. Vì vậy, trong vòng 8 ngày/tháng, chúng đã thực hiện chế độ ăn ít calo, ít protein, ít đường.

Trong những ngày còn lại của tháng, những con chuột này vẫn ăn uống bình thường. Kết quả, khối u ở những con chuột thực hiện chế độ "giả nhịn ăn" được kiểm soát một nửa và không phát triển trong giai đoạn nhịn ăn.

Hoặc nếu các khối u phát triển thì chúng phát triển chậm và hầu như là khối u lành tính. Ngoài ra, những con chuột này cũng có tuổi đời dài hơn và ít mắc các bệnh viêm nhiễm.

Ảnh hưởng của chế độ "giả nhịn ăn" trên người

Trong các thử nghiệm trên người, nhóm nghiên cứu đã áp dụng chế độ "giả nhịn ăn" trong 5 ngày/ tháng và kéo dài 3 tháng. Chế độ ăn này khiến những người tham gia loại bỏ đi chế độ ăn ketosis (chế độ ăn ít carbohydrate, giàu chất béo).

Ở giai đoạn nhịn ăn này, việc loại bỏ các tế bào gây hại trong cơ thể đã xảy ra. "Phép màu" đã xảy ra trong quá trình nạp, khi các tế bào được tái tạo lại và trẻ hóa.

TS Longon giải thích: "Quá trình này thực sự toàn diện, điều này có nghĩa là mọi thứ hầu như đều thay đổi. Chẳng hạn như IGF-1 giảm xuống, glucose giảm, lượng ketone (một chất trong nước tiểu) tăng cao. Nguyên nhân là do cơ thể đốt cháy chất béo và chủ yếu là chất béo ở nội tạng".

Ngoài ra, TS Longo cũng cho biết ngoài lượng chất béo ở nội tạng, mỡ thừa ở vùng bụng cũng có sự thay đổi. Hơn nữa, mỗi chu kỳ ăn chay cũng có thể "giết chết" một số tế bào tự miễn dịch và kích hoạt các tế bào gốc, đồng thời tái tạo các tế bào miễn dịch.

Các thử nghiệm trên người vẫn còn rất sơ khai, nhưng chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả hứa hẹn. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả ở người có thể đạt được như khi thử nghiệm ở chuột vậy.

5 lời khuyên ăn uống của TS Valter Longo giúp kéo dài tuổi thọ

Là một nhà nghiên cứu về lão hóa và tuổi thọ, TS Longo đưa ra một vài lời khuyên để con người có thể sống khỏe mạnh và sống lâu hơn:

1. Chế độ ăn uống với cá và rau củ là tốt nhất. Điều quan trọng là cần duy trì lượng protein thấp nhưng phải đủ.

2. Khi về già, cần giữ cân nặng ổn định ngay cả khi cơ thể được bổ sung nhiều chất hơn. "Ví dụ như tôi đã viết trong sách về pho mát rằng một vài người sống lâu trên thế giới đã ăn pho mát dê. Có thể bạn không ăn thường xuyên khi còn trẻ nhưng bạn có thể ăn khi về già".

3. Chu kỳ ăn và thời gian ăn kiêng: 12 giờ ăn và 12 giờ nghỉ.

4. Nếu bạn thừa cân hoặc dễ bị tăng cân thì bạn chỉ nên ăn 2 bữa/ ngày nhưng nhất định phải ăn sáng. Còn nếu có cân nặng bình thường, bạn có thể ăn 3 bữa/ ngày và trước khi đi ngủ từ 3-4 tiếng thì không nên ăn.

5. Uống thuốc bổ đa vitamin 3 ngày 1 lần. TS Longo cho biết nếu uống thuốc bổ đa vitamin mỗi ngày thì không hề tốt chút nào. "Một vài nghiên cứu cho thấy nếu uống thuốc này 3 ngày/ lần có thể loại bỏ vấn đề thiếu dinh dưỡng. Đồng thời uống như thế này thì tác dụng phụ tới cơ thể cũng rất thấp", TS Longo nói.

Theo Trí thức trẻ


thực phẩm đẩy lùi lão hóa lão hóa thực phẩm ngừa ung thư

Tin tức mới nhất