Toàn cảnh hội chứng hô hấp "tử thần" Mers đang lây lan trên toàn thế giới

Ngày 3/6, truyền thông Hàn Quốc xác nhận có thêm 5 người mới nhiễm virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), nâng tổng số bệnh nhân trên toàn thế giới lên 1.179 người trên 26 quốc gia.

Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) lần đầu tiên được phát hiện trên cơ thể người là năm 2012. Theo thông tin do tổ chức Y tế thế giới WHO cung cấp, virus nguy hiểm này xuất phát từ một gia đình ở Ả rập Saudi, các nhà khoa học cho rằng họ bị lây chủng virus MERS-CoV từ lạc đà.

Khu vực Trung Đông đang là điểm nóng của virus "tử thần" MERS

Tuy có cùng gốc với virus SARS nhưng MERS có tỷ lệ tử vong lên đến 38%, cao gấp 4 lần virus SARS từng giết chết 774 người trên toàn thế giới vào năm 2003. Theo báo cáo của WHO, hiện tại có khoảng 1179 người bị nhiễm MERS trên 26 quốc gia, ít nhất 443 người đã tử vong, phần lớn đều ở khu vực Trung Đông.

Mặc dù các nhà khoa học và bác sĩ hàng đầu thế giới vẫn đang tập trung nghiên cứu, nhưng loại virus này vẫn chưa có cách chữa trị và vắc-xin phòng ngừa, chính vì thế nên hơn 1.300 người bị nghi nhiễm bệnh ở Hàn Quốc đã bị cách ly hoàn toàn để tránh lây lan thành bệnh dịch, 230 trường học và nhiều công ty tạm thời đóng cửa. Các tour du lịch đến Hàn Quốc cũng bị hoãn vô thời hạn.

Các máy đo thân nhiệt được đặt tại các địa điểm công cộng trên khắp Hàn Quốc.

Tuần trước, bộ Y tế Trung Quốc cũng phát hiện một trường hợp nhiễm MERS, đó là một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc đang đi du lịch ở tỉnh Quảng Đông, hiện bệnh nhân cùng với 67 người từng tiếp xúc với ông đã bị cách ly để theo dõi và tìm phương hướng điều trị. Áp lực đối với chính phủ các nước đang ngày một gia tăng do lo ngại về một dịch bệnh khổng lồ sẽ xảy ra.

Người dân Mỹ đang hết sức lo lắng về virus nguy hiểm này.

Theo giáo sư Ian Jones, chuyên gia về virus tại đại học vương quốc Anh - Người đã lần theo dấu vết của MERS từ 3 năm trước - thì cách tốt nhất để tránh khỏi MERS là không ra nước ngoài du lịch, kiểm soát chặt chẽ tất cả những ai có dấu hiệu phơi nhiễm, đối với người dân ở khu vực Trung Đông thì không được uống sữa và ăn thịt lạc đà - vật chủ gốc của virus MERS.

Ông Ian cho biết, tỷ lệ tử vong 38% của MERS vẫn chưa phải là con số thực sự chính xác vì còn nhiều người mang mầm virus nhưng chưa xuất hiện triệu chứng bệnh, có những bệnh nhân nhiễm virus đến 14 ngày mới bắt đầu ho, sốt và suy hô hấp.

Theo thông tin từ trung tâm kiểm soát dịch bệnh quốc gia Mỹ (CDC) số quốc gia phát hiện bệnh nhân phơi nhiễm virus MERS do đi du lịch ở vùng Trung Đông ngày càng nhiều, đa số đều trở về từ các nước nguồn bệnh như Ả rập Saudi, UAE, Qatar, Iran, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Bahrain, Yemen.

Các quốc gia bên ngoài khu vực Trung Đông xác nhận phát hiện người phơi nhiễm virus MERS:

Anh, Pháp, Đức, Tunisia, Ý, Malaysia, Philippines, Hy Lạp, Mỹ, Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tunisia, 

Trong thông cáo chính thức của CDC, các du khách đang ở khu vực nguồn bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để biết thêm thông tin về các biện pháp phòng ngừa cơ bản như rửa tay sạch sẽ và không tiếp xúc với người có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Theo Trí Thức Trẻ




Tin tức mới nhất