Tổng thống Mỹ được bảo vệ trọn đời sau khi rời Nhà Trắng

3 năm trước, Tổng thống Barack Obama đã ký đạo luật phục hồi việc bảo vệ trọn đời của Sở Mật vụ đối với các cựu tổng thống, xóa bỏ giới hạn 10 năm theo quy định cũ.



Đó là những diễn biến mới nhất trong cuộc tranh luận hơn 60 năm qua về việc chính phủ Mỹ nên chi bao nhiêu tiền cho những người từng điều hành đất nước.

Trong gần 200 năm, các cựu tổng thống Mỹ không có lương hưu hay bất kỳ trợ cấp hưu trí nào khác.

Năm 1912, ông trùm thép Andrew Carnegie từng đề nghị tài trợ một khoản lương hưu hàng năm trị giá 25.000 USD cho các cựu tổng thống. Tuy nhiên, Quốc hội đã bác bỏ vì cho rằng để các cựu tổng thống nhận trợ cấp cá nhân như vậy thì thật "khó coi".

"Duy trì phẩm giá" của cựu tổng thống

Sau khi rời nhiệm sở, các cựu tổng thống Mỹ trở về cuộc sống đời thường, mỗi người một cảnh. Một số người sống giàu có, sung túc, trong khi số khác phải vật lộn về tài chính.

Đến năm 1958, Quốc hội quyết định "duy trì phẩm giá" của chức vụ tổng thống bằng việc thông qua Đạo luật Cựu Tổng thống (FPA).

Tổng thống Dwight Eisenhower khi đó đã ký dự luật cho phép các tổng thống và người hôn phối của họ được Sở Mật vụ bảo vệ suốt đời, đồng thời cung cấp những quyền lợi nhất định để họ thực hiện các hoạt động công vụ không chính thức sau khi rời Nhà Trắng.


Tổng thống Obama và các mật vụ bước xuống từ máy bay Không lực Một, tại Sân bay Quốc tế Tampa,

bang Florida, ngày 13/4/2012. Ảnh: AFP/Getty.


Kể từ đó, tổng thống Mỹ được hưởng các phúc lợi hưu trí trọn đời bao gồm lương hưu hàng năm, nhân viên phục vụ, các khoản phụ cấp cho văn phòng làm việc, chi phí đi lại, mật vụ bảo vệ và một số quyền lợi khác.

Đến năm 1994, trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc hạn chế thời gian bảo vệ các cựu tổng thống xuống còn 10 năm. Tổng thống George W. Bush và phu nhân Laura Bush là những người đầu tiên đối mặt với sự cắt giảm này.

8 năm sau, những mối đe dọa khủng bố từ cuộc tấn công ngày 11/9 đã làm thay đổi tình hình và khiến Quốc hội Mỹ phải xem xét lại.

"Thế giới đã thay đổi nhanh chóng kể từ các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9. Chúng ta phải đảm bảo rằng sự an toàn của những người từng điều hành đất nước không bị đe dọa", Lamar Smith, dân biểu bang Texas, phát biểu trong một cuộc tranh luận tại Hạ viện cuối năm 2002.

Những người phản đối lại cho rằng điều này là không cần thiết. "Có thể thấy việc trở thành cựu tổng thống cũng có thể là một công việc sinh lợi. Tôi cho rằng sau 10 năm, nếu các cựu tổng thống cảm thấy cần được bảo vệ thêm thì họ nên tự chi trả", Howard Coble, dân biểu bang North Carolina lúc đó, nhận định.

Cuối năm 2012, với sự ủng hộ rộng rãi của cả 2 đảng, Quốc hội đã thông qua dự luật đảo ngược đạo luật năm 1994. Đạo luật mới được Tổng thống Obama ký vào đầu năm 2013 đã khôi phục việc bảo vệ trọn đời của Sở Mật vụ đối với các cựu tổng thống Mỹ.

Các cựu đệ nhất phu nhân cũng được bảo vệ tương tự trừ khi họ ly dị hoặc tái hôn sau khi chồng qua đời. Ngoài ra, con cái của họ cũng được bảo vệ đến năm 16 tuổi.

Cựu tổng thống duy nhất từ chối được bảo vệ

Hiện tại, các cựu Tổng thống Jimmy Carter (92 tuổi), George H. W. Bush (92 tuổi), Bill Clinton (70 tuổi), George W. Bush (70 tuổi) và vợ của họ là những người được Sở Mật vụ bảo vệ trọn đời theo Đạo luật Cựu Tổng thống được khôi phục.

Một đạo luật khác được ban hành năm 1984 cũng cho phép các cựu tổng thống và những người lệ thuộc từ chối được Sở Mật vụ bảo vệ nếu muốn. Cựu Tổng thống Richard Nixon đã thực hiện điều này vào năm 1985, 11 năm sau khi ông rời nhiệm sở.

Một số cựu tổng thống đôi khi lại làm điều ngược lại. Bill Clinton từng ký quyết định kéo dài việc bảo vệ an ninh cho con gái Chelsea. 4 ngày trước khi rời nhiệm sở, George W. Bush cũng ra lệnh kéo dài việc bảo vệ 2 cô con gái sinh đôi Jenna và Barbara, những người đã 27 tuổi vào thời điểm đó.


(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Tổng thống George W. Bush, Bill Clinton,George H.W. Bush và Jimmy Carter trước thư viện vinh danh George W. Bush tại Đại học Southern Methodist. Cả 5 người đều được mật vụ bảo vệ suốt phần đời còn lại nhờ đạo luật được Obama ký vào năm 2013. Ảnh: AP.


Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), ngân sách cho năm tài khóa 2017 của Tổng thống Obama để phân bổ cho các cựu tổng thống là gần 4 triệu USD, tăng gần 600.000 USD so với năm 2016. Số liệu này chưa bao gồm chi phí bảo vệ của Sở Mật vụ, khoản chi không được tiết lộ vì lý do an ninh.

Theo ước đoán, số tiền trên có thể lên tới vài chục triệu USD mỗi năm cho mỗi cựu tổng thống. Đây cũng là lý do khiến một số thành viên Quốc hội muốn xem xét lại vấn đề này.

Những người chỉ trích cho rằng các cựu tổng thống hiện không còn gặp khó khăn về tài chính như trước.

Sau khi rời Nhà Trắng, Bill Clinton và George W. Bush làm những công việc như viết hồi ký, đứng đầu các quỹ tài chính và diễn thuyết trước công chúng. Thời nay, không có cựu tổng thống nào công khai rằng họ gặp vấn đề đáng kể về tiền bạc.

Số khác lập luận rằng dù không còn giữ vị trí chính thức nào, các cựu tổng thống vẫn đóng vai trò người của công chúng sau khi rời nhiệm sở.

Ví dụ, cựu Tổng thống Harry S. Truman từng nói ông tiêu tốn 30.000 USD một năm để hồi đáp thư tín và các yêu cầu diễn thuyết sau khi kết thúc nhiệm kỳ và về sống tại thành phố Independence, bang Missouri.

Vì tốn kém như vậy, họ nên được chu cấp lương hưu và các quyền lợi khác để thực hiện công việc của một cựu tổng thống Mỹ.

Theo trí thức trẻ


obama rời nhà trắng Nhà Trắng Tổng thống Obama bảo vệ Tổng thống Mỹ Tổng thống Mỹ Obama

Tin tức mới nhất