Lo lắng trang phục vận động viên nam bị gợi tình hóa ở Olympic Tokyo

Nhiều ý kiến cho rằng các vận động viên tại Olympic kể cả nam và nữ, đều gặp phải vấn nạn tình dục hóa khi thi đấu.

Trang phục thi đấu của vận động viên tại Olympic Tokyo đang thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Những bộ bikini gợi cảm trở thành đề tài gây tranh cãi trên các diễn đàn.

Nhiều vận động viên nữ cho rằng bản thân cảm thấy thiếu sự tôn trọng và cơ thể không thoải mái, bởi trang phục bikini không phù hợp trong điều kiện thi đấu.

Lo lắng trang phục vận động viên nam bị gợi tình hóa ở Olympic Tokyo-1
Nữ vận động viên Hàn Quốc Lee Yunseo

"Gợi tình" trên trang phục thi đấu của nam

Theo 7 News, nhà báo nổi tiếng người Anh - Piers Morgan - đang nhận nhiều tranh cãi khi chia sẻ bài viết có ý châm biếm về trang phục của vận động viên Tom Daley và đồng đội Matty Lee tại Olympic Tokyo 2020 vào ngày 26/7.

Ông đăng tải hình ảnh các vận động viên Anh mặc quần bơi ngắn và có phần "gợi tình" người xem.

"Thật e ngại khi các vận động viên nam phải mặc quần bơi thiếu vải, khiêu gợi quá mức tại thế vận hội. Tôi đề nghị phải để họ được mặc đồ che kín cơ thể nhằm bảo vệ và dành sự tôn trọng cho người tham gia thi đấu", Piers viết.

Ý kiến của nhà báo nhanh chóng nhận luồng quan điểm trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhiều người nhận định việc một người có tầm ảnh hưởng như Piers lên tiếng sẽ giúp chống lại câu chuyện tình dục hóa trong thể thao, thể hiện sự tôn trọng với các vận động viên nam.

Số còn lại cho rằng ông chỉ bênh vực đàn ông, mà không có sự công bằng dành cho phụ nữ. Bởi, Piers từng đăng bài mỉa mai các vận động viên nữ phản đối việc mặc bikini khi thi đấu.

"Tại sao đàn ông được tôn trọng, còn phụ nữ thì không. Vận động viên nam hoàn toàn có quyền lựa chọn phục trang thi đấu. Ngược lại, vận động viên nữ bị phạt chỉ vì không mặc bikini khi thi đấu. Đây có phải là sự bình đẳng giới tính mà ông Piers Morgan từng nói. Sự gợi tình ở đây không chỉ nằm ở trang phục của đàn ông, mà còn có phụ nữ", một tài khoản trên Twitter bày tỏ.

Lo lắng trang phục vận động viên nam bị gợi tình hóa ở Olympic Tokyo-2
Vận động viên Tom Daley và đồng đội Matty Lee tại Olympic Tokyo 2020 vào ngày 26/7.

Không có sự bình đẳng giới

Theo Global News, một điều đáng quan ngại trong ngành thể thao chính là vấn nạn tình dục hóa. Đội bóng nữ của Na Uy bị Liên đoàn Bóng ném châu Âu xử phạt 1.800 USD vì mặc quần đùi dài trong một trận đấu.

Quy tắc trong thể thao, vận động viên nữ phải mặc bikini có đáy quần vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá 10 cm. Họ phải mặc loại áo lót thể thao bó sát với khoảng hở ở tay. Trong khi đó, các vận động viên nam được phép mặc quần shorts không quá rộng.

Phóng viên Filipovic bày tỏ: "Có sự khác biệt rõ ràng, nam giới được mặc quần shorts và áo ba lỗ, còn nữ giới phải mặc bikini. Các quy định về trang phục nên nhắm đến sự công bằng và hiệu suất thi đấu, thay vì tập trung vào tình dục và giới tính".

Quy định về trang phục của các nữ vận động viên phần nào phản ánh sự khác biệt giới tính trong thể thao. Bởi, phụ nữ vẫn chưa thực sự được bình đẳng với nam giới.

Nhiều nữ vận động viên đã lên tiếng cho biết bản thân cảm thấy bị thiếu tôn trọng, sự tự tin và cơ thể không thoải mái khi mặc bikini trong điều kiện thi đấu thực tế. Vì thế, họ cần được che chắn, vừa thể hiện sự đạo đức, vừa ngăn đàn ông có những suy nghĩ không tốt khi nhìn thấy bộ phận trên cơ thể.

Lo lắng trang phục vận động viên nam bị gợi tình hóa ở Olympic Tokyo-3
Đội bóng của Na Uy mặc quần shorts trong trận tranh huy chương đồng tại giải Bóng ném bãi biển Euro 2021. 

Chấm dứt vấn nạn tình dục hóa trong trang phục thể thao

Năm nay, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kêu gọi các hãng truyền thông tránh việc tình dục hóa các nữ vận động viên và không tập trung vào ngoại hình, trang phục hay các bộ phận cơ thể nhạy cảm của phụ nữ. IOC cho phép các nữ vận động viên lựa chọn trang phục mong muốn.

Hành động của đội thể dục dụng cụ nữ của Đức đã thể hiện sự bình đẳng giới, bằng cách thi đấu trong trang phục jumpsuit che kín thay vì những bộ bikini gợi cảm quá đà như trước đây.

Thông điệp của đội tuyển Đức nhằm khẳng định các nữ vận động viên có quyền lựa chọn trang phục họ cảm thấy phù hợp, không bị tình dục hóa trong lúc thi đấu.

Vận động viên Elisabeth Seitz chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy trang phục jumpsuit có sự thoải mái trong khi tham gia thi đấu. Điều này không có nghĩa chúng tôi không muốn mặc trang phục theo quy chuẩn bình thường nữa. Điều đó tùy vào từng ngày, dựa trên cảm xúc và ý muốn của chúng tôi".

Lo lắng trang phục vận động viên nam bị gợi tình hóa ở Olympic Tokyo-4
Trang phục của đội thể dục dụng cụ Đức ở Olympic Tokyo.

Tờ Daily Herald cho biết dịch vụ truyền thông Olympic cam kết mang lại những góc quay văn minh nhất, thể hiện sự tôn trọng đối với các vận động viên, không thực hiện cận cảnh phóng to vào hình thể của họ.

Các vận động viên nữ sẽ không để lộ những điểm nhạy cảm trên cơ thể, chấm dứt vấn nạn tình dục hóa trong thể thao.

Ông Yiannis Exarchos khẳng định các góc quay tại sự kiện Olympic Tokyo chỉ tập trung vào nội dung thi đấu thể thao, không chú trọng hình thể hay trang phục.

"Chịu trách nhiệm ghi hình sự kiện, chúng tôi không đưa ra định hướng trang phục cho vận động viên, nhưng chúng tôi đảm bảo việc ghi hình không tập trung vào hình thể, để bảo vệ hình ảnh cá nhân, thể hiện sự tôn trọng của ban tổ chức dành cho mọi người", ông nói thêm.

Thế vận hội Olympic Tokyo chính là nơi thể hiện rõ nhất những quan điểm của các nữ vận động viên trong việc tự bảo vệ chính họ, công chúng quốc tế cho rằng đã đến lúc những quy định có dấu hiệu tình dục hóa hình thể phụ nữ cần phải chấm dứt, để ngăn chặn việc quấy rối tình dục trong lĩnh vực thể thao.

Lo lắng trang phục vận động viên nam bị gợi tình hóa ở Olympic Tokyo-5
Dịch vụ truyền thông Olympic sẽ bảo vệ hình ảnh cho các vận động viên nữ.

 

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/lo-lang-trang-phuc-van-dong-vien-nam-bi-goi-tinh-hoa-o-olympic-tokyo-post1244771.html?fbclid=IwAR2a5awt0jKOnoCKOWKB5HNriC59rLGfHSUnUBLy0bwL21oBUwVomzGnIgg

Olympic

Tin tức mới nhất