Tranh luận nảy lửa vì Dương Hoàng Yến tham gia The Voice

"Cơn bão" mà Dương Hoàng Yến tạo nên trong tập cuối vòng Giấu mặt của The Voice (Giọng hát Việt) vừa qua vẫn chưa dừng lại khi có hai luồng ý kiến trái chiều về việc đồng tình hay phản đối cô tham gia cuộc thi.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Trong đêm thi cuối cùng của vòng Giấu mặt phát sóng vào tối 23/6, Dương Hoàng Yến đã gây nên một màn tranh giành rất kịch tính giữa các huấn luyện viên khi cô biểu diễn rất xuất sắc ca khúc Adagio của danh ca Lara Fabian. Ngay ngày hôm sau trên các trang báo mạng và các phương tiện truyền thông đã tràn ngập thông tin về Dương Hoàng Yến. Từ đây, bắt đầu xuất hiện những ý kiến trái chiều quanh giọng ca trẻ sinh năm 1991 này. Đầu tiên là ý kiến cho rằng, Dương Hoàng Yến đã có khá nhiều các giải thưởng và cô không nên tham gia The Voice mà nên thử sức mình ở những cuộc thi mang tầm vóc lớn hơn.

Nhìn lại có thể thấy, Dương Hoàng Yến là gương mặt khá quen thuộc với khán giả yêu nhạc khi cô từng lọt vào top 12 Sao Mai điểm hẹn 2008 khi mới 17 tuổi, và được đánh giá là một giọng ca tiềm năng. Cô tham gia ca hát từ lúc còn rất nhỏ và đã theo học khoa Thanh nhạc của trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Tuy mới 21 tuổi nhưng Dương Hoàng Yến đã đoạt được rất nhiều các giải thưởng âm nhạc và hiện tại cô đang là giảng viên của ngôi trường mình từng theo học.

Chỉ khi ghế nóng hướng về sân khấu, các huấn
 luyện viên mới biết thí sinh đang thể hiện là ai

Thêm vào đó, ý kiến phản đối cô tham gia The Voice còn đưa ra lý do rằng, việc Dương Hoàng Yến - một giọng ca được đào tạo bài bản tham gia cuộc thi sẽ làm mất đi cơ hội của những giọng ca triển vọng khác vì họ không có ưu thế để cạnh tranh. Theo đó, có nhiều khán giả còn đặt ra câu hỏi: Nên chăng từ năm sau, The Voice có những quy chế cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho những tài năng trẻ thử nghiệm và phát huy khả năng của mình?

Đáp trả ý kiến này, nhiều người cho rằng The Voice là sân chơi cho tất cả mọi người và không riêng gì Dương Hoàng Yến mà có rất nhiều những tên tuổi tiếng tăm khác của làng nhạc Việt cũng tham gia cuộc thi như Hà Linh, Nhật Thu và năm ngoái cũng có những ca sĩ đã đi hát nhiều năm như Bùi Anh Tuấn, Đức Quang, Hồng Dương. Họ đến tham gia không phải để giành giải thưởng mà chỉ muốn tìm cho mình một cơ hội đến gần hơn với khán giả.

Mỗi luồng ý kiến đều có cái lý và những lý lẽ mà hai luồng ý kiến này đưa ra dường như đều rất thuyết phục. Nhưng có một điều mấu chốt gây nên tranh cãi ở đây là những khán giả này đều không hiểu hết format chương trình. Và, chừng nào chưa nắm rõ được điều này thì chừng ấy những tranh cãi này cũng khó chấm dứt.

Đôi bên cùng có lợi

The Voice là một cuộc thi âm nhạc tương tác truyền hình thực tế ra mắt lần đầu tại hệ thống truyền hình NBC (Mỹ). Ngay khi vừa ra mắt, chương trình đã tạo nên một làn sóng mới thu hút sự quan tâm của khán giả không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bắt kịp làn sóng đó, các nhà sản xuất chương trình truyền hình Việt cũng mua bản quyền The Voice và theo đó, mọi yếu tố diễn ra trong cuộc thi đều phải phụ thuộc vào format của chương trình.

Như lời nhà báo Thế Hiển, chuyên mảng sự kiện - âm nhạc của Truyền hình VTC: "Format The Voice không đưa ra yêu cầu giọng ca chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Đây là sân chơi công bằng, dành cho tất cả những ai có khả năng ca hát. Điều đó thể hiện ngay ở vòng Giấu mặt và đây cũng là cái hay, sự thu hút của format The Voice khi đánh đồng tất cả thí sinh với nhau. Công chúng ở đây được thưởng thức các phần trình diễn bằng cả thị giác và thính giác nhưng các huấn luyện viên lại chỉ nghe bằng tai. Họ không biết ai tham gia, hát bài gì mà họ chỉ cảm nhận giọng hát đó có hay hay không, có truyền cảm hay không và giọng ca đó xử lý bài hát như thế nào.

Các giọng ca chuyên nghiệp, thậm chí người đã nổi tiếng vào vòng Giấu mặt mà không thuyết phục được các huấn luyện viên thì cũng như người nghiệp dư. Áp dụng vào trường hợp Dương Hoàng Yến, đúng là cô đã tham gia khá nhiều các cuộc thi, giành được nhiều giải thưởng và đã là giảng viên nhưng khi tham gia The Voice cô vẫn phải làm theo format của chương trình. Đầu tiên các huấn luyện viên vẫn không biết giọng ca đang thể hiện là ai, họ chỉ tập trung để lắng nghe và đưa ra quyết định của mình".


Rõ ràng, vì theo format của chương trình nên không riêng gì Dương Hoàng Yến mà các giọng ca khác cũng chỉ có thể chinh phục khán giả và giám khảo bằng chính tài năng của mình. Riêng với ý kiến cho rằng, sân chơi này chỉ dành riêng cho những giọng ca chưa chuyên nghiệp tham gia và những ca sĩ chuyên nghiệp nên đi thi những sân chơi lớn hơn thì thử hỏi, còn sân chơi nào lớn hơn The Voice? Bởi sân chơi âm nhạc nội nhất của Việt Nam là Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn thì Dương Hoàng Yến cũng đã tham gia rồi.

Lật lại lịch sử, tiền thân của Sao Mai là cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc. Trong đó, các thí sinh chỉ đem giọng hát đến thi trong một, hai buổi và sau đó nhận kết quả từ ban giám khảo. Chỉ đơn giản là thế nhưng khi tầm cỡ của cuộc thi và giải thưởng được nâng cao lên thì chương trình sẽ được kéo dài hơn và thí sinh cũng được tham dự nhiều vòng thi hơn. Theo đó, bên cạnh việc được huấn luyện bài bản hơn, các giọng ca cũng được PR bên cạnh những chương trình đồng hành ở các đêm thi.

Và cái lợi nhãn tiền có thể thấy ngay là ca sĩ càng tham gia nhiều cuộc thi như The Voice, Got Talent hay Việt Nam Idol thì công chúng càng biết đến gương mặt họ nhiều hơn. Họ được tiếp cận nhiều hơn với giới showbiz, với chuyên gia để tạo một chỗ đứng cho mình trong nghề. Đó là cái lợi về PR truyền thông và ca sĩ sẽ được công chúng biết đến trực tiếp. Mặt khác, chương trình sẽ thiếu đi sự hấp dẫn và thu hút người xem nếu không có những gương mặt tài năng và triển vọng tham gia. Chính kiểu hợp tác hai bên cùng có lợi này đã giúp cho các cuộc thi ca hát luôn thu hút được sự quan tâm từ phía khán giả.

Nâng "thương hiệu", tăng cát - xê

Nhà báo Thế Hiển cho biết: "Các giọng ca từ không chuyên, bán chuyên nghiệp cho đến chuyên nghiệp khi tham gia bất kỳ cuộc thi nào thì cái họ hướng đến ngoài việc được khán giả biết đến còn là những thuận lợi mà ca sĩ sẽ có được sau cuộc thi. Năm ngoái, dù có nhiều giọng ca chỉ lọt vào vòng đối mặt hay vòng live show  nhưng đến bây giờ "thương hiệu" của những giọng ca này đã được nâng lên rất nhiều và tiền cát - xê cũng cao hơn. Có thể thấy, được PR khi tham gia cuộc thi thì bất kỳ ai cũng muốn, kể cả những ca sĩ chuyên nghiệp".

Theo Người đưa tin

Tin tức mới nhất