Trứng lép và những nguy cơ hiếm muộn, vô sinh

Trong chuyên môn không có từ "trứng lép", đây là từ thường được dùng để chỉ tình trạng trứng không phát triển (trưởng thành) nên không thể thụ thai.

Chào bác sĩ, em đã cưới được hơn 1 năm rồi mà chưa có em bé. Em đi canh trứng được 3-4 tháng nay nhưng tháng nào bác sĩ cũng nói trứng lép và cho tiêm thuốc kích trứng nhưng vẫn chưa thành công. Bác sĩ cho em hỏi, nếu bị trứng lép thì có phải em rất khó có con hay không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em để em giải tỏa tâm lý chứ em rất lo lắng. Em xin cảm ơn! (Phương Vy)

Trả lời:

Bạn Phương Vy thân mến!

Bạn lập gia đình hơn 1 năm rồi, không áp dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa có con được xem như vô sinh. Trong chuyên môn không có từ "trứng lép", đây là từ thường được dùng để chỉ tình trạng trứng không phát triển (trưởng thành) nên không thể phóng noãn và thụ tinh với tinh trùng để phát triển thành thai nhi. Đôi khi có những chu kì kinh nguyệt, người phụ nữ không phóng noãn (không có trứng trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng). Hội chứng này thường gặp trong những trường hợp: Tuổi dậy thì, phụ nữ trên 35 tuổi, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh, quá căng thẳng, lo lắng... 

trứng lép nên khó có con
"Trứng lép", đây là từ thường được dùng để chỉ tình trạng trứng không phát triển
nên không thể thụ thai. Ảnh minh họa

Nếu bạn đã theo dõi nhiều tháng và liên tục gặp tình trạng này thì rất có thể bạn bị suy giảm chức năng buồng trứng sớm. Trong trường hợp của bạn, nếu muốn có thai phải nhờ y học can thiệp chứ không thể có thai theo cách tự nhiên.

Có  nhiều nguyên nhân có thể gây ra suy giảm chức năng buồng trứng sớm như: do di truyền, các bệnh lý tự miễn, nhiễm vi khuẩn, do can thiệp điều trị như lạm dụng kích trứng quá nhiều, tia xạ… hoặc suy buồng trứng vô căn do có thoái hóa buồng trứng sớm hoặc hội chứng kháng ở buồng trứng…

Trong trường hợp này, thông thường, các bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp kích trứng cho bạn để trứng phát triển, đạt kích thước, rụng và thụ thai. Tuy nhiên, tỉ lệ thụ thai thành công sau khi kích trứng cũng khác nhau ở mỗi người.

Trong trường hợp không còn nang noãn hoặc nang kém chất lượng do buồng trứng không đáp ứng với các phương pháp kích trứng thì phải xin noãn để thụ tinh trong ống nghiệm.

Sức khỏe sinh sản của mỗi người phụ thuộc nhiều nguyên nhân, yếu tố. Bởi vậy, nếu đã xác định vợ chồng bạn gặp khó khăn trong chuyện con cái như vậy thì cả hai nên cùng đi khám để được tư vấn, kiểm tra và làm các xét nghiệm đầy đủ, điều trị nếu cần thiết. Điều này sẽ giúp vợ chồng bạn tăng cơ hội có con. Bạn nên tới bệnh viện, cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa có uy tín để được thực hiện những thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp nhé.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất