Những ngày qua, thông tin "siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh chỉ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng gây xôn xao dư luận. Thực tế, chế độ cho các VĐV dù có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo cuộc sống. Đa số các VĐV phải làm thêm nghề tay trái để có thêm thu nhập.
Trả lời câu hỏi về việc ngành thể thao sẽ huy động như thế nào từ các nguồn xã hội hóa nhằm giúp VĐV cải thiện được thu nhập sau SEA Games 32, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN Đặng Hà Việt thẳng thắn chia sẻ: "Thu nhập của VĐV là điều rất quan trọng. Chúng ta đang vận hành theo hướng kinh tế thị trường. Các VĐV có thành tích ở SEA Games, Asiad hay Olympic đều có tố chất đặc biệt, trí tuệ tốt, thể chất tốt.
Ông Đặng Hà Việt khen ngợi tinh thần thi đấu của các VĐV Việt Nam.
Họ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống sau này. Nếu thể thao không đảm bảo thu nhập thì càng ngày chúng ta càng khó tuyển chọn VĐV. Tăng thêm thu nhập là việc cần thiết, nhưng giải quyết thì phải làm thế nào lại rất khó.
Theo tôi, chúng ta phải xây dựng giá trị thương hiệu của VĐV để các nhãn hàng quan tâm hơn, nhận VĐV làm đại diện tài trợ, qua đó có thêm thu nhập. Tháng 6 này Tổng cục TDTT có hội nghị nâng cao quyền tự chủ của các liên đoàn, hiệp hội. Tổng cục và các liên đoàn, hiệp hội cần phối hợp nguồn lực để phát triển sự nghiệp thể thao thành tích cao".
Mức lương của các VĐV chưa tương xứng với những gì họ cống hiến.
Theo ông Đặng Hà Việt, quy định về mức tiền thưởng của nhà nước rất cụ thể: VĐV giành HCV SEA Games được thưởng 45 triệu đồng, HCB được 25 triệu và HCĐ là 20 triệu.
"Chúng tôi không thể thưởng thêm một đồng nào so với mức thưởng này. Đó là việc Tổng cục TDTT rất đau đáu, phải tính toán và không thể giải quyết ngày một ngày hai.
Quan điểm của chúng tôi là nâng cao thành tích khu vực, giúp VĐV tiệm cận châu Á. Giá trị thương hiệu của SEA Games được đẩy lên cao. Sắp tới tổ chức tại Thái Lan, SEA Games sẽ thương mại hoá, có sức lớn. Đây là cơ hội với VĐV Việt Nam", ông Việt nói.
Vì sao điền kinh, bơi lội không hoàn thành chỉ tiêu?
Bơi lội và điền kinh là hai môn thể thao cơ bản nhất của Olympic, được ngành thể thao đầu tư rất mạnh tay. Tại SEA Games 32, cả hai môn này đều để lại những dấu ấn rất cảm xúc với người xem, nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng về chuyên môn. Ngoài việc thông số các VĐV không cao, điền kinh chỉ giành 12 HCV, trong khi bơi có 7 HCV, thấp hơn nhiều so với kỳ SEA Games 31.
Ông Đặng Hà Việt cho biết, các nước khác thành tích năm ngoái tương đối thấp, nhưng tới kỳ này đã có sự tiến bộ. Với Việt Nam, các VĐV cũng đều lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là VĐV trẻ, như trường hợp của Nguyễn Thúy Hiền ở môn bơi mới 13 tuổi hay Nhi Yến 18 tuổi lần đầu tham dự SEA Games.
Nguyễn thị Huyền không bảo vệ được HCV ở nội dung tủ 400m.
"Điền kinh chỉ giành 12 HCV khi chỉ tiêu đặt ra là 14. Đó là điều thất vọng, nhưng nhìn toàn cục chúng ta có quyền tin tưởng vào định hướng đầu tư", ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Phân tích kỹ hơn về việc điền kinh và bơi lội không đạt chỉ tiêu HCV, Phó đoàn Hoàng Quốc Vinh cho biết các VĐV phải thi đấu dưới điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ngoài ra, một số nội dung được kỳ vọng lớn nhưng lại mất HCV vì những điều kiện khách quan, như trường hợp của Nguyễn Thị Huyền đang là ĐKVĐ nhưng bị xếp ở làn chạy số 7.
Theo định hướng của ngành thể thao, SEA Games là sân chơi để các VĐV vừa tranh chấp huy chương, vừa là bước chuẩn bị cho Asiad 19 diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Vì thế, việc đặt ra chỉ tiêu giành 90-120 HCV chỉ là tương đối, giúp các VĐV có thêm nhiều động lực để phấn đấu.
Theo Vietnamnet