Bàng Tú Ngọc sinh ngày 6/12/1979 trong một gia đình bình thường ở Thiên Tân, Trung Quốc. Bố cô là công nhân, còn mẹ mù chữ, làm nội trợ.
Xuất thân trong một gia đình không có truyền thống học tập nhưng thuở nhỏ, Bàng Tú Ngọc từng được xưng tụng là thần đồng và còn được xuất hiện trên đài CCTV. Thế nhưng chỉ sau vài năm, cuộc đời cô rẽ hướng theo lối không ai ngờ!
Ước mơ làm nhà văn của bố thần đồng...
Tuy làm công nhân nhưng mức lương của bố Bàng Tú Ngọc không đến nỗi nào và vẫn có thể nuôi được 3 miệng ăn. Được biết, ông Bàng rất thích đọc sách và từng mơ ước trở thành nhà văn nổi tiếng. Thế nhưng tài viết lách của ông không được đánh giá cao.
Khi có con, ông Bàng đặt hết mọi hy vọng vào con gái. Để trau dồi tài năng viết lách cho con, ông Bàng bố trí trong nhà 2 căn phòng chất đầy sách. Bàng Tú Ngọc phải học ngâm thơ trước khi đến trường và viết nhật ký sau mỗi giờ học.
Gia đình học Bàng có bộ sưu tập 12.000 cuốn sách khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa tuổi thơ của Bàng Tú Ngọc không có chuyện gấp máy bay giấy hay nghịch dây chun như bạn bè cùng trang lứa mà chỉ xoay quanh việc đọc sách.
Bàng Tú Ngọc (ở giữa) trong một hoạt động xã hội.
Khi Bàng Tú Ngọc lên 10 tuổi, bố yêu cầu cô mỗi ngày phải viết 1 bài văn 2.000 từ. Lúc đầu, Bàng Tú Ngọc không làm được điều này nên mỗi ngày đi học về đều rất sợ bố.
Bởi ông Bàng từng nhiều lần quát mắng, thậm chí đánh con. Trên người Bàng Tú Ngọc cũng có đủ loại sẹo.
Đôi khi, Bàng Tú Ngọc sẽ nhờ mẹ giúp đỡ nhưng bà Bàng quá nhu nhược, cộng thêm việc bị chồng "tẩy não" nên không thể che chở gì cho con.
Lớn lên trong môi trường như vậy, để không bị bố đánh, Bàng Tú Ngọc phải cố gắng học tập chăm chỉ hết mức có thể. Thần kinh cô luôn căng như dây đàn.
Một lần, Bàng Tú Ngọc lại bị cha đánh mắng vì viết bài văn không hay. Cô đã trở về phòng khóc thầm và lần đầu tiên nảy sinh ý định tự tử nhưng sau khi nghe tiếng mẹ gọi thì từ bỏ ý định.
Mặc dù sự giáo dục của ông Bàng quá cực đoan nhưng cũng khiến Bàng Tú Ngọc đạt được nhiều thành tích. Lần đầu tiên Bàng Tú Ngọc đạt giải thưởng là khi tham gia cuộc thi sáng tác dành cho thanh thiếu niên toàn quốc do một tạp chí ở Trịnh Châu tổ chức.
Nghe tin này, ông Bàng rất vui và càng tin rằng mình đã làm đúng. Ông cũng mua một món đồ chơi đắt tiền để thưởng cho con.
Điều này khiến Bàng Tú Ngọc vui vẻ và bắt đầu chú ý đến những cuộc thi sáng tác văn học. Trong các năm từ 1991-1994, Bàng Tú Ngọc liên tiếp đạt các giải thưởng lớn.
Năm 1994, Sở Giáo dục thành phố Thiên Tân thậm chí còn phát động phong trào "Học hỏi từ Bàng Tú Ngọc và những học sinh xuất sắc khác".
Khi ấy, cô gái nhỏ 14 tuổi được các tổ chức văn học trong nước và báo chí chú ý, thậm chí còn được lên đài CCTV. Điều này khiến Bàng Tú Ngọc nổi tiếng khắp cả nước, được xưng tụng là thần đồng, là viên ngọc quý giữa chốn nhân gian.
Cái giá của việc đắm chìm vào hào quang, bỏ bê học hành
Thời điểm con gái nổi tiếng, ông Bàng quyết định đưa con tham gia các hoạt động xã hội nhưng bà Bàng phản đối, vì cho rằng nhiệm vụ chính của Tú Ngọc phải là học tập.
Tuy nhiên, ông Bàng luôn cho rằng cách giáo dục của mình là đúng và con gái đang nổi tiếng thì cần tận dụng thời gian, cơ hội để càng nổi hơn.
Ông cũng tin tưởng vào tài năng viết lách của con gái. Dù sao thì con gái ông cũng là một thiên tài trong mắt thiên hạ. Ông Bàng đã không nghe lời khuyên của vợ, luôn lấy thời gian học tập ở trường của Bàng Tú Ngọc dành cho việc tham gia hoạt động xã hội.
Dần dần, Bàng Tú Ngọc bị ảnh hưởng. Cô bắt đầu quen với việc được tặng hoa và nhận những tràng pháo tay.
Khi không có hoạt động xã hội nào để tham gia, Bàng Tú Ngọc không mấy hứng thú với việc học. Cô trở nên kiêu ngạo, mất tập trung trong lớp và điểm số tụt giảm dần.
Lúc này, ông Bàng vẫn đắm chìm trong sự nổi tiếng của con gái mình nên không nhận thấy sự thay đổi của Bàng Tú Ngọc. Cho đến khi Bàng Tú Ngọc bị giáo viên và bạn học nói xấu sau lưng thì ông Bàng mới nhận ra vấn đề, vội chú ý lại việc học của con.
Nhưng lúc này, Bàng Tú Ngọc đã chẳng mấy hứng thú với việc học. Nghỉ học quá nhiều nên cô không thể bắt kịp việc học trên lớp.
Lúc này, ông Bàng lại định ép con học như trước nhưng ở tuổi dậy thì, Bàng Tú Ngọc không còn dễ bảo. Cô bắt đầu nổi loạn và điểm số ngày càng tụt dốc, thậm chí tụt xuống từ vị trí đầu lớp xuống cuối lớp.
Cuối cùng, cái danh thần đồng chẳng còn. Bàng Tú Ngọc dần bị truyền thông, giáo viên và bạn học "ghẻ lạnh".
Cô trở thành trò cười của người khác và không còn được mời tham gia các hoạt động xã hội. Điều này khiến gia đình mất đi một khoản thu nhập lớn.
Bàng Tú Ngọc lúc này mới vội học tập chăm chỉ trở lại nhưng ông Bàng lại không còn tin vào con gái. Ông trở nên cáu kính, suốt ngày uống rượu và than vãn, đánh đập vợ con. Cuối cùng, ông bà Bàng ly hôn. Bà Bàng phải xoay sở nuôi con.
Bàng Tú Ngọc khi trưởng thành.
Để chu cấp cho con tiếp tục học hành, bà Bàng bắt đầu ra khỏi nhà để tìm việc làm, sau nhiều năm làm nội trợ. Công việc làm nhân viên lắp ráp dây chuyền khiến bà kiệt sức, suy sụp, sau đó bệnh nặng và phải sống dựa vào thuốc thang.
Không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ, cuối cùng "nhà văn thiên tài" một thời đã bỏ học.
Cái kết buồn
Sau khi bỏ học, Bàng Tú Ngọc từng làm bồi bàn với mức lương 500 NDT (1,6 triệu đồng). Trong quá trình làm bồi bàn, Bàng Tú Ngọc bị một người đàn ông giàu có, đã có gia đình lừa gạt tình cảm.
Không biết quê quán người đàn ông này ở đâu và chỉ tin vào những lời đường mật, Bàng Tú Ngọc liên tiếp sinh cho anh ta 3 đứa con, con trai đầu sinh năm 1999, cặp bé gái sinh đôi năm 2000.
Sau một quãng thời gian hứa hẹn, rồi cáu kỉnh và cố gắng chối bỏ trách nhiệm, người đàn ông này đã mất tích, không để lại cho Bàng Tú Ngọc một đồng nào.
Dù sau này, Bàng Tú Ngọc đã đâm đơn kiện người đàn ông này ra tòa nhưng không ai ngờ rằng, trong phiên tòa anh ta lại đâm đơn ly hôn vợ.
Mà toàn bộ tài sản từ đầu lại để hết tên vợ vậy nên Bàng Tú Ngọc dù thắng kiện nhưng lại không nhận được khoản bồi thường xứng đáng, chỉ có 1.200 NDT/tháng (3,9 triệu đồng).
Để nuôi 3 đứa con, Bàng Tú Ngọc phải bán nhà, thuê lại một căn phòng chật hẹp, bẩn thỉu. Vài năm sau, người đàn ông kia cũng không trả thêm tiền cấp dưỡng. Rất nhiều lần Bàng Tú Ngọc định tự tử nhưng nghĩ đến con nên đành thôi.
Năm 2005, Bàng Tú Ngọc nhờ chuyên mục Hẹn hò trên báo để tìm một người đàn ông cùng nhau lập gia đình, nuôi dưỡng các con.
Nhưng một lần nữa cô gặp phải kẻ chẳng ra gì. Dù đã sinh cho gã đàn ông hơn 50 tuổi này một đứa con nhưng cuối cùng cả hai vẫn đường ai nấy đi.
Bàng Tú Ngọc bên các con.
Sau nhiều năm, khi Bàng Tú Ngọc đã ở tuổi ngoài 40, có một lần báo chí đến thăm và thấy cô đã sống chung với một người đàn ông khác. Cả hai không kết hôn nhưng anh này cũng đối xử khá tốt với Bàng Tú Ngọc.
Nhìn lại cuộc đời của Bàng Tú Ngọc, nhiều người không khỏi xót xa. Từ một "thần đồng" đến một bà mẹ đơn thân, sống cuộc đời "ba chìm bảy nổi", quá là điều không ai nghĩ tới.
Giá như năm ấy, ông Bàng không sống cực đoan, nuôi dạy con sai cách, khiến con chìm vào hào nhoáng thì có phải cuộc đời của Bàng Tú Ngọc đã khác...
Theo Phụ Nữ Việt Nam