Tung tin đồn thất thiệt về dịch Ebola để trục lợi?

Trong khi cả thế giới đang hoang mang lo sợ virus Ebola thì những người bán hàng online lại nhắm vào tâm lý này để tung tin đồn câu like cho facebook mình. Thậm chí tại Nigeria còn có trường hợp lừa tiền người nhiễm bệnh.

Người tung tin đồn Ebola xuất hiện tại Hà Nội là những người bán hàng online

Một bài viết được đăng tải trên trang mạng xã hội về việc có người nhiễm Ebola tại Hà Nội, khiến cộng đồng mạng xôn xao, lo lắng. Theo đó, Facebook M.G viết: "Theo thông tin đã xác nhận từ người nhà em, làm trong bệnh viện HN đã có người nhiêm bênh dịch ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé, thông tin không được công bố sợ dân hoang mang. Nhưng em nghĩ là nên thông báo để tất cả mọi người đều biết để bệnh không có cơ hội phát tán rộng đến không kiểm soát được...".


Thông tin về dịch Ebola xuất hiện tại Hà Nội cùng với phương pháp phòng bệnh.

Đến sáng ngày 12/8, M.G đã xóa status này nhưng ảnh chụp màn hình vẫn còn được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Chưa dừng lại ở đó, facebook của Đ.T.Linh đã đăng dòng cảnh báo lên Hội nuôi con bằng sữa mẹ với thông tin xác nhận ca nhiễm xuất hiện ở Bệnh viện Bạch Mai. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, thông tin này đã thu hút hơn 100 lượt like và bình luận.

Người bán hàng online tung tin đồn thất thiệt về dịch Ebola để trục lợi? 2
Facebooker Đ.T.L chia sẻ "tin khẩn" trên Hội nuôi con bằng sữa mẹ
 khiến các chị em hoang mang tột độ.


Những thông tin này nhanh chóng được xóa sạch sẽ khi Bộ Y Tế và Phó Giám Đốc Bệnh viện Bạch Mai chính thức lên tiếng bác bỏ mọi tin đồn như hai facebook này đưa. Được biết, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã có văn bản đến Cơ quan CSĐT để yêu cầu xử lý nghiêm những người tung tin đồn vô căn cứ, gây hoang mang trong dư luận cũng như một số đối tượng mua bán các loại thuốc hoặc vật dụng phòng tránh bệnh vô tác dụng.

Ngay sau khi đăng tải thông tin thất thiệt kia, facebook M.G đã có thêm 2.000 người theo dõi, thuận lợi cho việc mua bán. Tuy nhiên, sau khi có tin chính thức từ Bộ Y tế, qua tìm hiểu, cho đến chiều nay, facebook M.G vốn là một shop bán đồ online đã "đóng cửa", không còn tồn tại trên facebook.

Liên hệ với facebook Đ.T.Linh để hỏi về thông tin người nhiễm Ebola trong bệnh viện Bạch Mai nhưng cô chỉ cho biết: "Sự việc thành ra to tát quá, ý kiến trái chiều thì nhiều, nên tôi không muốn nói gì về chuyện này nữa". Đ.T.L hiện đang kinh doanh dịch vụ thức ăn nhanh giao hàng tận nơi trên địa bàn Hà Nội.


Sau khi tung tin đồn làm mọi người hoang mang, Đ.T.L tiếp tục công việc
kinh doanh trên facebook của mình.


Cục Y Tế nói gì về tin đồn dầu tràm khử được virus Ebola?

Như thông tin đã đưa về "bí kíp phòng tránh dịch Ebola" bằng dầu tràm của chị Thư Đỗ đang được cộng đồng chuyền tay nhau,  TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục Y tế dự phòng) đã lên tiếng trước những phương pháp mà chị Thư chia sẻ.


Những cách phòng ngừa virus Ebola từ chị Thư được cộng đồng đặc biệt quan tâm.

TS. Phu khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào nói dầu tràm có tác dụng khử khuẩn cũng như có thể phòng chống bệnh Ebola. Ông Phu nói: "Hiệu quả khử khuẩn của nước muối sinh lý không cao nên không nên coi đó là "bí kíp". Virus Ebola thường sống được trong môi trường bình thường khoảng 1 tuần, tuy nhiên khi nhiệt độ cao hơn thì thời gian sống của loại virus này sẽ thấp đi. Các chất khử khuẩn dùng trong bệnh viện có thể tiêu diệt loại virus này. Cụ thể, các chất có thể khử virus Ebola mà mọi người có thể sử dụng như Chloramine, cồn, gel rửa tay khô..".

Trong bài viết chia sẻ bí kíp này, chị Thư cũng khéo léo lồng vào đường link website cửa hàng của cô, trong đó có nói rằng tại website có bán 3 loại tinh dầu có khả năng diệt khuẩn và làm sạch. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng những chia sẻ của chị dù sao cũng có ích hơn là việc tung tin đồn Ebola xuất hiện tại Việt Nam làm dấy lên nỗi hoang mang cho mọi người.

Tung tin có phép thuật diệt virus Ebola để lừa tiền người nhiễm bệnh

Không chỉ tại Việt Nam, ở nước ngoài cũng có nhiều trường hợp lợi dụng mức độ nguy hiểm của đại dịch Ebola để trục lợi. Những kẻ lừa đảo người Nigeria đã nhằm vào các gia đình có người nhiễm bệnh bằng cách đăng tải lên mạng thông tin có thể dùng phép thuật để diệt virus Ebola

Omokhagbon Osemuahu, một người đàn ông đến từ thành phố Benin, Nigeria, tuyên bố có thể cung cấp dịch vụ chữa bệnh của một thầy phù thủy. Người này cho biết tất cả những nguyên liệu cần thiết để điều trị gồm có: Tim của rắn hổ mang bành, một mảnh khăn đỏ, nhãn cầu nhím, cánh dơi, một con rùa 14 tuổi và 7 sợi lông từ các bộ phận khác nhau của sư tử.

Khi có người hỏi, Osemuahu giải thích rằng đây là căn bệnh do quỷ dữ mang đến và chỉ có cách duy nhất chữa khỏi là nhờ pháp sư. Người đàn ông này cũng khẳng định đã chữa khỏi cho 5 nạn nhân nhiễm virus Ebola.

Người bán hàng online tung tin đồn thất thiệt về dịch Ebola để trục lợi? 5
Thông tin được những kẻ lừa đảo đăng tải trên mạng để lừa tiền người nhiễm Ebola.

Tiến sĩ Ray Genoe từ Trung tâm An ninh điều tra và Tội phạm mạng của Đại học College Dublin cho biết những kẻ lừa đảo đang nhắm vào các mục tiêu dễ bị tổn thương.

"Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế này trong những năm qua. Thông thường nó xảy ra sau các thảm họa", tiến sĩ Ray cho biết.

Đến ngày 12/8, 4 nước Tây Phi đã ghi nhận hơn 1.800 ca mắc, với 1.031 ca tử vong. Bộ Y tế nhận định dịch diễn biến phức tạp nhưng người dân không nên quá hoang mang và Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc.

Bộ Y tế cũng đã tích cực phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật và cung cấp thường xuyên các thông tin về tình hình dịch bệnh cho các cơ quan thông tấn báo chí để chủ động tuyên truyền cho người dân bình tĩnh, không hoang mang và chủ động có các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trước tình hình dịch bệnh Ebola đang ngày càng phức tạp, những thông tin trôi nổi chưa kiểm chứng đã khiến nhiều người thêm hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, người dùng facebook, các thành viên tham gia diễn đàn cần tỉnh táo và nên biết mình cần chia sẻ những thông tin gì để khiến tình hình không bị căng thẳng hơn, người dân không bị hoang mang.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 6 nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Theo khoản 2 điều 9 nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 điều 6 nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10 – 20 triệu đồng.

Điều 37 bộ luật Dân sự cũng nêu rõ: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra toà để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 88 và điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất