Ung thư phổi: Căn bệnh cướp đi tính mạng của nhiều nghệ sĩ và đe dọa mạng sống của cả người không hút thuốc

Số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi trên thế giới bằng với số tử vong do ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại.

Thông tin Nghệ sĩ Hán Văn Tình mới qua đời sau gần 2 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi vào sáng 11h20 ngày 4/9 đã khiến không ít người hâm mộ bất ngờ. Dù đã dự đoán trước được sự ra đi của người nghệ sĩ của nông dân này nhưng anh vẫn làm bạn bè, người thân vô cùng thương xót. Căn bệnh ung thư phổi quái ác đã cướp đi sinh mạng của anh, khi anh mới bước sang tuổi 59.

Chưa hết bàng hoàng, người hâm mộ lại một lần nữa đau thắt tim khi hay tin ca sĩ Minh Thuận cũng đang mắc căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo. Nam ca sĩ còn bị tai biến mạch máu não, người luôn trong tình trạng lúc tỉnh lúc mê. Bị ung thư phổi khi tuổi đời còn khá trẻ, anh hiện đang phải chống chọi với căn bệnh này với sự trợ giúp của bình thở oxy.

ung thu phoi
Nghệ sĩ Hán Văn Tình mới qua đời sau gần 2 năm chiến đấu với căn bệnh
 ung thư phổi vào sáng 11h20 ngày 4/9.


Nghệ sĩ Hán Văn Tình hay ca sĩ Minh Thuận bị ung thư phổi chỉ là 2 người trong vô vàn người mắc bệnh ung thư phổi mỗi ngày tại Việt Nam. Trên thế giới cũng có rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng mắc căn bệnh hiểm nghèo này và không thể vượt qua.

Walt Disney, người đàn ông đằng sau thế giới huyền diệu trong các công viên, bộ phim... thế giới Walt Disney cũng không may mắc bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá và qua đời ở tuổi 65. Giống như Walt Disney, Peter Jennings - một trong những biên tập viên nổi tiếng của đài ABC News cũng hút thuốc và bị ung thư phổi. Ông được chẩn đoán bệnh năm 2005 và qua đời sau đó 4 tháng ở tuổi 67.

Dana Reeve - vợ của tài tử điện ảnh Christopher Reeve trong bộ phim Superman, là một trường hợp hoàn toàn khác. Cô không hút thuốc lá nhưng cũng bị ung thư phổi và qua đời ở tuổi 44. Cô là một trong số 25.000 người bị chết vì bệnh ung thư phổi mà không hút thuốc mỗi năm ở Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh ở đây được cho là do tiếp xúc với radon, ô nhiễm không khí, chất gây ung thư và nghề nghiệp, đột biến gen...

Những số liệu kinh hoàng về căn bệnh ung thư phổi


Ung thư phổi chiếm khoảng 12% những loại ung thư nói chung trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, vào năm 2012, trên toàn thế giới có khoảng 1,83 triệu người mắc ung thư phổi mới được chẩn đoán. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1,59 triệu người tử vong vì căn bệnh hiểm nghèo này, trong đó ở châu Âu là 354.000 người, riêng ở Anh là 35.400 người.

ung thu phoi
Ung thư phổi là căn bệnh ung thư thường gặp và hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa.


Vào năm 2016, ở Mỹ có đến 1/3 số bệnh nhân tử vong vì ung thư là do căn bệnh ung thư phổi (khoảng 158.000 người). Riêng khu vực Bắc Mỹ có đến 45% số bệnh nhân ung thư phổi là nữ giới và số bệnh nhân tử vong do mắc bệnh này vượt quá số người tử vong vì bệnh ung thư vú. Số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi trên thế giới bằng với số tử vong do ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại. Căn bệnh này chỉ chiếm 13% tổng các loại ung thư nhưng tỷ lệ tử vong là 28% trong số tất cả các loại bệnh ung thư và đặc biệt ung thư phổi thuộc loại có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2000 mới chỉ có 6.905 ca mới phát hiện mắc bệnh ung thư phổi, đến năm 2013, con số này đã lên trên 20.000 người. Chỉ trong vòng 13 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đã gia tăng gấp 4 lần – một con số đáng báo động về sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm chết người này. Cho đến nay, số bệnh nhân nam giới mắc bệnh này cao hơn so với nữ giới, cứ 12 nam giới mắc ung thư phổi thì có 4-10 bệnh nhân nữ giới, với tỷ lệ khoảng 29,6/100.000 người (ở nam giới) và 7,3/100.000 người (ở nữ giới). Bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi bị tử vong chỉ xếp sau ung thư gan.

Theo TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, khoảng 20.000 được phát hiện mắc ung thư phổi mới mỗi năm trong phạm vi cả nước, trong đó có tới 17.000 người tử vong.

Điều này làm ai cũng cảm thấy hoang mang. Hiện tại, bệnh ung thư phổi đang có xu hướng gia tăng mạnh ở những nước đang phát triển.

Thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư phổi nhưng không phải là tất cả

Nếu như trước đây, chúng ta vẫn cho rằng, chỉ đàn ông hay hút thuốc mới bị ung thư phổi, thì nay, bạn sẽ phải suy nghĩ lại và không được chủ quan. Thực tế, ung thư phổi có thể xuất hiện ở người không hút thuốc.

Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới tăng cao rõ rệt chủ yếu là do môi trường làm việc bị ô nhiễm, hút thuốc lá thụ động và những người phụ nữ hiện đại giờ đây cũng hút nhiều thuốc.

Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, ước tính 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc. Một thống kê tại Bệnh viện K cho thấy bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, không hút thuốc là 3,2%.

ung thư phổi
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh ung thư phổi chính là thuốc lá.


Nguy cơ gây ung thư phổi càng cao khi bạn hút càng nhiều điếu trong một ngày và hút trong nhiều năm. Các chất độc hại trong thuốc lá chính là những tác nhân gây ung thư sẽ làm tổn hại tới các tế bào ở trong phổi. Dần dần, những tế bào này có thể trở thành ung thư.

Ngoài thuốc lá, ung thư phổi dễ tìm đến bạn nếu bạn sống trong môi trường không khí và điều kiện sống bị ô nhiễm, có thể là từ hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ; khí radon - sản phẩm của sự phân hủy tự nhiên từ uranium trong đất, đá, nước và cuối cùng trở thành một phần của không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày; bụi amiăng, đây là tên gọi của một nhóm các chất khoáng, có trong tự nhiên dưới dạng sợi và được sử dụng trong một số ngành công nghiệp.

Các yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gen cũng là nguyên nhân khiến bạn bị ung thư phổi. Nguy cơ này chiếm 5-10%, đối tượng có bố mẹ, anh chị hoặc con cái bị ung thư phổi trước tuổi 60 đều có nguy cơ mắc bệnh.

Chưa hết, những người từng mắc bệnh về phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, xơ phổi kẽ vô căn, lao phổi cũ để lại di chứng xơ ở phổi… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi.

Triệu chứng mắc bệnh ung thư phổi

Bệnh nhân mắc ung thư phổi có những dấu hiệu gây bệnh âm thầm, lặng lẽ mà vẫn thường chủ quan bỏ qua:

- Ho kéo dài.

- Ho ra máu.

- Khó thở, thở khò khè.

- Đau ngực và xương.

- Thường xuyên nhiễm trùng vùng ngực.

- Khó nuốt.

- Bỗng nhiên khàn giọng.

- Sút cân đột ngột.

- Móng tay có hình dạng bất thường.

Ung thư phổi ở giai đoạn muộn đã lây lan đến lớp niêm mạc phổi hoặc đến vùng khác của cơ thể, chẳng hạn xương, có thể gây ra đau xương; lây lan tới não gây đau đầu, gây nên bệnh thần kinh, tràn dịch màng phổi, ung thư lây lan đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Đã có bệnh nhân "đánh bại" được bệnh ung thư phổi


Mới đây, GS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai công bố công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”. Nhờ phương pháp này, bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho hàng nghìn người mắc ung thư, trong đó có cả trường hợp PGS Đ. Q. Hùng bị ung thư phổi.

Khi tới chữa trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, căn bệnh ung thư phổi trong người PGS Hùng đã di căn toàn bộ tủy xương, tràn lên cột sống và di căn lên não. Về lý thuyết, những trường hợp này chỉ có thể điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, khi áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất của y học, cùng với nghị lực phi thường, tuân thủ phác đồ điều trị của PGS Hùng mà các tổn thương đã biến mất trên hình ảnh chụp CT. Hiện tại PGS. Hùng vẫn dồi dào sức khỏe, tiếp tục chữa bệnh và thường xuyên đi làm từ thiện, giúp ích cho đời.

Có thể nói, ung thư phổi rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao trong các loại bệnh ung thư - chỉ sau ung thư gan nhưng sẽ được điều trị triệt để, đem lại cuộc sống cho người bệnh nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức tự giác chăm sóc sức khỏe bản thân, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng, kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể cũng như tìm được hướng điều trị kịp thời, đúng đắn nhất.

Phòng ngừa ung thư phổi:

- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư phổi, người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 10 lần so với người không hút. Do đó, việc cần làm nhất để phòng ngừa bệnh ung thư này là không hút thuốc lá cũng như tránh xa những làn khói thuốc xung quanh.

- Tránh môi trường ô nhiễm, giảm nguy cơ phơi nhiễm: Hàng ngày, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm sẽ khiến cho phổi phải làm việc nhiều hơn. Giảm mức độ tiếp xúc với ô nhiễm tức là đã bảo vệ phổi của bạn. Hiện có hơn 40 chất gây ung thư có liên quan đến công việc như amiăng, thạch tín, crom và niken... Nếu bạn đang làm việc trong môi trường tiếp xúc với các chất này, hãy chú ý thực hiện theo đúng chỉ dẫn an toàn.

- Tập thể dục và giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Tập thể dục giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, trong đó có cả ung thư. Hơn nữa, cân nặng dư thừa có thể ảnh hưởng đến miễn dịch của cơ thể khiến cho nguy cơ phát triển bệnh tăng lên.

- Ăn uống lành mạnh: Bạn nên tăng cường ăn trái cây tươi và rau quả trong chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường chức năng của các cơ quan trong cơ thể, làm sạch phổi...

 Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất